Từ vụ hai ô tô biển số 51 suýt bị “từ chối phục vụ” vĩnh viễn ở tất cả tuyến cao tốc do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) khai thác, nhiều người mới giật mình: Quyết định 13 ngày 10-1-2019 của Hội đồng thành viên VEC (quy định từ chối phục vụ các phương tiện vi phạm giao thông…) có rất nhiều nội dung trái luật.
Cấm chạy từ bảy ngày đến một năm
Theo Quyết định 13 nói trên, có hai nhóm hành vi vi phạm chính mà theo đó, các xe có liên quan sẽ bị VEC “từ chối phục vụ” (nguyên văn trong quyết định) trên tất cả tuyến cao tốc do VEC quản lý, khai thác. Nói thẳng ra là VEC cấm các xe đó chạy ở các cao tốc thuộc quyền.
Gồm có: 1. Nhóm vi phạm luật giao thông như dừng, đón trả khách không đúng quy định; đi ngược chiều, đi lùi trên cao tốc; chở quá tải trọng cho phép… 2. Nhóm vi phạm về an ninh, trật tự, môi trường, quấy rối hoạt động của phía chủ đầu tư… như đổ chất thải, vứt rác trên đường cao tốc; gây mất an ninh trật tự tại các trạm thu phí, gây rối, đe đọa, hành hung nhân viên làm nhiệm vụ trên đường cao tốc; gian lận phí…
Tùy hành vi và số lần vi phạm mà các xe bị cấm chạy trong một thời gian, ít nhất là bảy ngày, cao nhất là một năm.
Một đoạn cao tốc Long Thành-Dầu Giây. Ảnh: HTD
Chế tài nhồi ngoài luật
Điều đáng lưu ý là các hành vi vi phạm pháp luật nêu trên đều đang có những hình thức xử phạt theo các nghị định tương thích của Chính phủ. Chẳng hạn, trong lĩnh vực giao thông có Nghị định 46/2016, trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội có Nghị định 167/2013…
Khi thực chất của “từ chối phục vụ” là cấm xe lưu thông thì cũng đồng nghĩa là VEC có thêm một hình thức chế tài. Và như vậy, người vi phạm ngoài việc bị xử phạt hành chính (phạt tiền, buộc khắc phục hậu quả hoặc bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung) theo các nghị định đã nêu thì chiếc xe mà họ điều khiển hoặc ngồi trên đó còn bị chế tài nhồi ngoài luật (cấm chạy có hoặc không có thời hạn).
Đơn cử, đối với hành vi đi ngược chiều trên cao tốc, cùng với việc người điều khiển xe bị phạt 7-8 triệu đồng và bị tước bằng lái 4-6 tháng theo điểm a khoản 8 Điều 5 Nghị định 46/2016 thì chiếc xe (ứng với người bị điều chỉnh là chủ sở hữu xe) còn bị cấm chạy trên cao tốc trong một năm. Đối với hành vi chở quá tải trọng, cùng với việc người điều khiển xe bị phạt với mức cao nhất là 12 triệu đồng và bị tước bằng lái với thời hạn cao nhất là năm tháng tùy mức vượt trọng tải theo Điều 24 Nghị định 46/2016 thì chiếc xe còn bị cấm chạy trên cao tốc trong một năm khi vi phạm lần thứ ba.
Hay như đối với hành vi gây ra sự cố nghiêm trọng làm hư hỏng nặng kết cấu công trình đường cao tốc, đồng thời với việc người phạm lỗi phải bồi thường thì xe còn bị cấm chạy không thời hạn.
Lạm quyền, gây nhiều hệ lụy
Theo VEC, Quyết định 13 được tựa theo nhiều văn bản pháp luật, trong đó có Nghị định 32/2014 về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường bộ, Thông tư hướng dẫn số 90/2014 của Bộ GTVT. Tuy nhiên, hai văn bản đó và những văn bản khác có liên quan đều tuyệt nhiên không cho phép những chủ đầu tư công trình hạ tầng như VEC ban hành những quy định riêng để xử lý các phương tiện vi phạm luật giao thông hay có những sai phạm khác trên cao tốc.
Thông tư số 90/2014 của Bộ GTVT chỉ cho các chủ đầu tư này thực hiện duy nhất một quyền hạn chế: Cấm xe chở quá tải chạy vào cao tốc. Theo đó, khi tự ý mở rộng việc chế tài đối với nhiều hành vi vi phạm, Hội đồng thành viên của VEC đã có sự lạm quyền của Chính phủ lẫn của bộ trưởng Bộ GTVT.
Chi tiết hơn, pháp luật hiện hành chỉ xử phạt cá nhân, tổ chức đã thực hiện hành vi vi phạm chứ không xử phạt… chiếc xe. Rất đơn giản là con người lái xe hoặc ngồi trên xe mới có thể phạm lỗi, chứ bản thân chiếc xe không thể tự gây lỗi.
Nếu làm ngược lại nguyên tắc xử lý chung này, VEC đã và sẽ làm ảnh hưởng đến những quyền lợi hợp pháp (quyền sở hữu xe, quyền đi lại…) của chủ xe và nhiều người khác có nhu cầu sử dụng xe. Tức bị vạ lây sau lần xảy ra sai phạm có thể là những người đã phạm lỗi, đã bị xử lý xong và có cả rất nhiều người hoàn toàn không vi phạm gì với VEC.
Chưa kể còn có sự phân biệt đối xử tựa như “rừng nào cọp nấy” rất không đáng có giữa các doanh nghiệp chỉ có quyền kinh doanh công trình hạ tầng trong một thời hạn nhất định rồi sau đó phải chuyển giao cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đó là cùng lỗi tương tự nhưng các xe vẫn có thể tiếp tục lưu thông bình thường theo đúng quy định trên các cao tốc thuộc quyền khai thác của các doanh nghiệp khác, còn với các cao tốc thuộc quyền của VEC thì lại không.
Phải hủy bỏ ngay!
Vi phạm pháp luật thì phải để pháp luật, chính quyền xử lý. Khi muốn các vi phạm trên cao tốc đều phải được xử lý kịp thời, VEC cần phải đề nghị các cơ quan chức năng như cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, công an hay UBND địa phương… xem xét, xử lý theo thẩm quyền.
Trong trường hợp nhận thấy các quy định hiện hành đang không đủ để chế tài thích đáng nhiều hành vi vi phạm mới phát sinh, VEC có thể kiến nghị để Bộ GTVT xem xét, trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung quy định.
Theo yêu cầu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hạn chót là ngày 28-2 VEC phải sửa đổi, bãi bỏ những quy định bất hợp lý về từ chối phục vụ xe đi vào cao tốc nêu trong Quyết định 13. Còn chần chờ gì nữa mà VEC không tự bãi bỏ ngay quyết định này mà phải đợi lâu hơn!
Các lỗi khiến xe bị cấm chạy có thời hạn - Dừng đỗ, đón trả khách không đúng quy định trên cao tốc; dừng, đỗ tại các nhà hàng, quán ăn, các điểm dịch vụ mở trái phép hai bên hành lang đường cao tốc…: Xe bị cấm chạy bảy ngày (vi phạm lần thứ nhất), 15 ngày (vi phạm lần thứ hai), một tháng (vi phạm lần thứ ba), một năm (vi phạm lần thứ tư). - Chở quá tải trọng cho phép: Xe bị cấm chạy một tháng (vi phạm lần thứ nhất), hai tháng (vi phạm lần thứ hai), một năm (vi phạm lần thứ tư)… - Đổ chất thải, vứt rác trên đường cao tốc, cố tình dừng, đỗ tại làn cân, trạm thu phí cản trở giao thông; gian lận cước phí...: Xe cũng bị cấm chạy bảy ngày (vi phạm lần thứ nhất), 15 ngày (vi phạm lần thứ hai), một tháng (vi phạm lần thứ ba). - Gây rối, đe dọa, hành hung nhân viên làm nhiệm vụ trên đường cao tốc, gây mất an ninh trật tự tại các trạm thu phí: Xe bị cấm chạy một tháng (vi phạm lần thứ nhất), hai tháng (vi phạm lần thứ hai), một năm (vi phạm lần thứ ba)… (Theo Quyết định 13 ngày 10-1-2019 của Hội đồng thành viên VEC) Chủ đầu tư chỉ được một quyền “từ chối phục vụ” Xe vi phạm quy định về tải trọng, khổ giới hạn cầu, đường bắt buộc phải di chuyển ra ngoài phạm vi đường cao tốc để khắc phục vi phạm và bị xử lý theo quy định. Đơn vị khai thác, bảo trì có quyền từ chối phục vụ xe quá tải, quá khổ theo quy định đi vào đường cao tốc, đồng thời phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để xử lý kịp thời. (Theo quy định của khoản 3 Điều 14 Thông tư số 90/2014 của Bộ GTVT) |