Tổng Lãnh sự Susan Burns hiến kế giữ chân 'đại bàng' công nghệ Mỹ

Tổng Lãnh sự Susan Burns hiến kế giữ chân 'đại bàng' công nghệ Mỹ

(PLO)- Tổng Lãnh sự Susan Burns chia sẻ với báo Pháp Luật TP.HCM về dư địa hợp tác kinh tế Việt - Mỹ và cách giữ chân doanh nghiệp “đại bàng” công nghệ Mỹ.

Trước thềm năm mới xuân Giáp Thìn 2024, báo Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc phỏng vấn Tổng Lãnh sự Mỹ tại TP.HCM Susan Burns về tình hình quan hệ Việt Nam (VN) - Mỹ kể từ khi hai nước nâng cấp quan hệ lên thành Đối tác chiến lược toàn diện và đường hướng đưa mối quan hệ này đi vào chiều sâu và thực chất hơn.

Hợp tác Việt - Mỹ sau khi nâng cấp quan hệ

. Phóng viên: Thưa bà, bà đánh giá thế nào về quan hệ VN và Mỹ trong thời gian qua, đặc biệt kể từ khi hai nước nâng cấp quan hệ lên thành Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9-2023?

+ Tổng Lãnh sự Susan Burns: Kể từ khi hai nước nâng cấp quan hệ vào tháng 9-2023, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều xung lực trong quan hệ song phương. Điều này được thể hiện trong các chuyến thăm cấp cao của hai bên. Chẳng hạn, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã tới TP San Francisco của Mỹ dự Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng tới thăm và làm việc tại TP San Francisco.

Tổng Lãnh sự Susan Burns
Tổng Lãnh sự Mỹ tại TP.HCM Susan Burns (trái) trả lời phỏng vấn báo Pháp Luật TP.HCM.
Ảnh: TẤN LỰC

Phía Mỹ cũng đã có những chuyến thăm VN. Vừa qua, VN đã đón Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách năng lượng, tăng trưởng kinh tế và môi trường Jose W. Fernandez. Cạnh đó đoàn nghị sĩ do Chủ tịch Tiểu ban Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Young Kim làm trưởng đoàn đã tới thăm và làm việc tại VN. Tất cả chuyến thăm này đều diễn ra suôn sẻ và tuyệt vời.

Chúng ta cũng đang nhìn lại những gì hai nước đã nhất trí và cách triển khai các công việc ấy, đặc biệt là trong lĩnh vực bán dẫn, phát triển lực lượng lao động chất lượng cao, năng lượng tái tạo, cũng như các hình thức trao đổi giáo dục và văn hóa. Vì vậy, có rất nhiều công việc mà hai nước đang cố gắng thực hiện và hoàn thành, cả ở cấp TP, trong đó có TP.HCM, cũng như ở cấp quốc gia. Năm 2024 sẽ là một năm bận rộn nhưng đầy hào hứng.

Bán dẫn, năng lượng sạch là xu thế hợp tác Việt - Mỹ

. Theo bà, còn dư địa nào trong lĩnh vực kinh tế mà Việt - Mỹ có thể cùng thúc đẩy, hợp tác cùng có lợi?

+ Mỹ và VN có mối quan hệ hợp tác kinh tế bền chặt và mạnh mẽ. Kim ngạch thương mại hai chiều hiện tại đạt 139 tỉ USD. Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của VN và chúng tôi hy vọng trong tương lai, hàng hóa của Mỹ sẽ vào VN nhiều hơn.

tong-lanh-su-my-susan-burns (2).jpg
Tổng Lãnh sự Mỹ Susan Burns nhấn mạnh ngành bán dẫn và công nghệ cao là các lĩnh vực được cả chính phủ Mỹ và VN quan tâm. Ảnh: TẤN LỰC

Tôi nghĩ rằng ngành bán dẫn và công nghiệp công nghệ cao là lĩnh vực mà chính phủ VN đang tập trung và cũng là lĩnh vực mà Mỹ quan tâm. Vì vậy, trong chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden tới VN, chính phủ Mỹ đã thông báo về một số nguồn tài trợ ban đầu cho việc phát triển lực lượng lao động ngành bán dẫn. Hiện tại chúng tôi đang tìm cách thực hiện điều đó cùng với khu vực tư nhân cũng như với các tổ chức giáo dục đại học, trong bối cảnh VN trong 10 năm tới cần tới 50.000 nhân lực trình độ từ đại học trở lên trong ngành này.

Cạnh đó, Mỹ cũng đang quan tâm đến lĩnh vực năng lượng sạch. Bởi thực tế, việc thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển kinh tế phụ thuộc một phần đáng kể vào nỗ lực tiếp cận các nguồn năng lượng sạch. VN đã đưa ra một số cam kết đầy quyết tâm về việc giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đó là một mục tiêu tuyệt vời và đáng khích lệ. Tuy nhiên, có rất nhiều thứ cần làm trong việc tạo ra hành lang pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án xanh đi vào hoạt động. Đó là điều chúng tôi hy vọng VN sẽ thực hiện được.

“Bí kíp” thu hút công ty công nghệ cao Mỹ

. Như bà có thể thấy, nhiều doanh nghiệp công nghệ cao của Mỹ, bao gồm các doanh nghiệp bán dẫn quan tâm đến việc đầu tư tại VN. Vậy bà có góp ý gì để VN thu hút và giữ chân những công ty này?

+ Đầu tiên, khi trò chuyện với các công ty bán dẫn của Mỹ, tất cả doanh nghiệp này đều nói rằng họ không thể thuê đủ nhân công. Điều này nghe thật khó tin khi VN, nơi có một lực lượng lao động trẻ và tài năng, mà lại thiếu nhân lực. Tuy nhiên, thực tế các doanh nghiệp thiếu người lao động có những kỹ năng cần thiết trong ngành bán dẫn. Ngành này còn khá mới mẻ đối với VN và điều này có nghĩa là cần đào tạo lại những kỹ năng cần thiết cho lực lượng lao động, cũng như tạo ra nhiều chương trình học về ngành này trong các trường đại học nhằm đảm bảo sinh viên tốt nghiệp sẵn sàng làm việc trong ngành này.

Một điều nữa, tôi nghĩ rằng VN sẽ trở nên hấp dẫn trong mắt doanh nghiệp nếu chú trọng vào lĩnh vực năng lượng xanh. Việc một doanh nghiệp hoạt động nhờ các nguồn năng lượng từ gió, mặt trời hay những nguồn năng lượng tương tự nghe thật thú vị. Việc có các chính sách ưu đãi, như ưu đãi về thuế, ở cả cấp địa phương lẫn trung ương sẽ góp phần thu hút doanh nghiệp. Tôi nghĩ VN nhận được nhiều sự quan tâm trong lĩnh vực này và đây là khoảnh khắc, là thời cơ của VN.

Trong chuyến thăm VN của Tổng thống Joe Biden vào tháng 9-2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Biden đã nhất trí nâng tầm quan hệ lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Kể từ đó, quan hệ Mỹ - Việt đã có những tiến triển vượt bậc. Hai nhà lãnh đạo đã đưa ra tuyên bố chung với rất nhiều lĩnh vực hợp tác và bây giờ là lúc chúng tôi đang hiện thực hóa những điều mà hai nhà lãnh đạo đã tuyên bố.

ảnh-chân-dung-ls-mỹ.jpg

Tổng Lãnh sự Mỹ tại TP.HCM SUSAN BURNS

Kỳ vọng lớn cho quan hệ Việt - Mỹ năm 2024

. Như bà đã nói, năm 2024 sẽ là một năm bận rộn nhưng đầy hào hứng. Vậy bà kỳ vọng ra sao về hợp tác Việt - Mỹ trong năm 2024?

+ Tôi rất hy vọng năm nay hai bên có thể hoàn thành một số việc cụ thể và một số lĩnh vực mà tôi đã nói đến, như chất bán dẫn và phát triển nguồn lao động trong ngành này. Tôi thực sự mong muốn hai nước có thể đạt được tiến bộ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Điều này không chỉ có ý nghĩa với quan hệ Việt - Mỹ mà còn với cá nhân tôi, bởi tôi đặc biệt quan tâm đến vấn đề này cũng như vấn đề giảm rác thải nhựa.

Tôi cũng hy vọng có thêm nhiều trường đại học của Mỹ tại VN và có thêm nhiều chương trình hợp tác thường xuyên hơn với các trường đại học của VN. Tôi muốn thấy nhiều sinh viên Mỹ hơn nữa đến đây để tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa và cuộc sống ở VN, đây cũng là điều mà chúng tôi đang cố gắng khuyến khích.

KỸ SƯ TRẺ ROBOTICS.jpg
Các kỹ sư robot trẻ tuổi trong Giải Giao hữu VRC Robotics 2023 được tổ chức ở trường ĐH Fulbright Việt Nam vào tháng 12-2023. Ảnh: TỔNG LÃNH SỰ QUÁN MỸ

. Với cương vị tổng lãnh sự, bà có cảm nhận hay kế hoạch gì trong việc thúc đẩy quan hệ Việt - Mỹ?

+ Tôi thực sự rất hào hứng khi được làm việc với lãnh đạo TP.HCM và chúng tôi có quan hệ đối tác tuyệt vời với TP. Chính quyền TP.HCM rất có tầm nhìn, đầy hoài bão và quyết tâm hoàn thành những mục tiêu phát triển đã đề ra, chẳng hạn như tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Tôi nghĩ rằng chính quyền TP cũng nhận thức được một số thách thức trong quá trình phát triển, chẳng hạn việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Chúng tôi đang cố gắng thực hiện một số điều đã được lãnh đạo hai bên thống nhất và đó cũng là mục tiêu hàng đầu của tôi trong năm nay. Tôi nghĩ rằng giờ đây, cả hai nước, trong đó có tôi, đều cảm nhận được nguồn năng lượng dồi dào và ý chí hoàn thành nhiệm vụ để vun đắp mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện này.•

Việt - Mỹ nỗ lực giải quyết những khác biệt

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Tổng Lãnh sự Mỹ Susan Burns cho rằng vẫn còn một số khác biệt trong quan hệ song phương Việt - Mỹ, chẳng hạn trong lĩnh vực thương mại hay về quyền con người và tự do tôn giáo, mà hai bên cần có nhận thức chung và tin tưởng lẫn nhau để cùng vượt qua.

Chia sẻ về vấn đề khắc phục hậu quả chiến tranh, bà Susan Burns cho biết phía Mỹ vẫn đang nỗ lực trong quá trình này với việc xử lý dioxin ở sân bay Biên Hòa. Bà cũng bày tỏ vui mừng khi làm việc với những nạn nhân chất độc da cam; đến thăm một số dự án hỗ trợ người khuyết tật do phía Mỹ cùng với chính quyền các địa phương thực hiện nhằm giúp những người khuyết tật có cơ hội tiếp cận công nghệ trị liệu tiên tiến để phục hồi tốt hơn, đóng góp cho cộng đồng; cũng như tiếp tục hợp tác tìm kiếm người mất tích trong chiến tranh.

Đọc thêm