Tổng thư ký NATO nói Nga có kế hoạch chiến tranh lâu dài ở Ukraine, kêu gọi duy trì gửi vũ khí cho Kiev

(PLO)- Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói Nga đang có kế hoạch cho một cuộc chiến lâu dài ở Ukraine, do đó các nước đồng minh cần tiếp tục viện trợ vũ khí cho Kiev.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hãng tin AFP ngày 16-12 dẫn lời Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - ông Jens Stoltenberg cho biết Nga sẵn sàng cho một cuộc chiến lâu dài ở Ukraine, do đó ông kêu gọi các nước thành viên NATO tiếp tục gửi vũ khí cho Kiev cho đến khi Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận ra rằng Moscow “không thể thắng lợi trên chiến trường”.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: Stoyan Nenov/REUTERS

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: Stoyan Nenov/REUTERS

NATO "không nên xem thường" Nga

Trong 10 tháng qua kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, lực lượng Kiev đã dần dần đạt được những bước tiến đáng kể trên chiến trường, mở ra bước ngoặt mới cho cuộc xung đột. Dù vậy, ông Stoltenberg cảnh báo không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Tổng thống Putin "từ bỏ mục tiêu tổng thể là kiểm soát Ukraine".

"Chúng ta không nên xem thường Nga. Nga đang có kế hoạch cho một cuộc chiến lâu dài. Chúng ta thấy rằng họ đang huy động thêm lực lượng, họ sẵn sàng chịu nhiều tổn thất và họ cũng đang tìm cách tiếp cận nhiều vũ khí và đạn dược” - ông Stoltenberg cho hay.

Tổng thư ký NATO nhận định ông Putin "sẵn sàng cho cuộc chiến này trong một thời gian dài cũng như sẽ phát động nhiều đợt tấn công mới nữa".

Phát biểu của quan chức hàng đầu NATO đưa ra trong bối cảnh Moscow hôm 16-12 phát động một đợt tấn công quy mô bằng tên lửa và máy bay không người lái vào các cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, khiến nước này mất điện trên diện rộng.

Truyền thông Mỹ cho biết Washington đang hoàn thiện các kế hoạch cuối cùng để gửi hệ thống tên lửa phòng không Patriot cho Ukraine. Nhận định về vấn đề này, ông Stoltenberg thừa nhận "có một cuộc thảo luận đang diễn ra” về khả năng chuyển giao tên lửa Patriot trong khi nhấn mạnh các đồng minh NATO phải đảm bảo có đủ đạn dược và phụ tùng thay thế khác để các loại vũ khí gửi tới Kiev từ trước tới nay được tiếp tục hoạt động.

“Chúng tôi đã thảo luận với các đồng minh về những hệ thống bổ sung, nhưng điều ngày càng trở nên quan trọng hơn là đảm bảo tất cả các hệ thống được chuyển giao [tới Ukraine] đều hoạt động bình thường” - ông Stoltenberg cho hay.

Nhu cầu vũ khí và đạn dược của Ukraine đã làm cạn kiệt kho dự trữ vũ khí của các thành viên NATO cũng như dấy lên lo ngại ngành công nghiệp quốc phòng không thể sản xuất kịp. Tuy vậy, người đứng đầu NATO cho biết khối này đang tăng cường sản xuất vũ khí nhằm không chỉ đảm bảo bổ sung vào kho dự trữ cho răn đe và phòng thủ mà còn có thể tiếp tục cung cấp hỗ trợ cho Ukraine.

Ngoài ra, cũng trong buổi phỏng vấn với AFP, ông Stoltenberg nhận định xung đột Nga-Ukraine là "cuộc khủng hoảng an ninh nguy hiểm nhất mà chúng ta chứng kiến ở châu Âu kể từ Chiến tranh Thế giới lần thứ hai".

Ông cũng cảnh báo rằng mặc dù các mối đe dọa hạt từ Nga đã giảm đi gần đây nhưng NATO cần "cảnh giác và giám sát liên tục” những gì Moscow làm.

“Những lời đe dọa về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân là vô cùng liều lĩnh và nguy hiểm. Mục đích của [ông Putin] là ngăn cản chúng tôi ủng hộ Ukraine nhưng ông ấy sẽ không thành công theo cách đó” - ông Stoltenberg nói.

Họ nói gì về hòa đàm ở Ukraine?

Bình luận về triển vọng hoà đàm nhằm kết thúc cuộc xung đột ở Ukraine, ông Stoltenberg nói rằng “cuộc chiến này nhiều khả năng sẽ kết thúc trên bàn đàm phán, tương tự hầu hết cuộc chiến khác", đồng thời nhấn mạnh bất cứ giải pháp nào cũng phải đảm bảo Ukraine là một quốc gia độc lập và có chủ quyền.

“Cách nhanh nhất để đạt được điều đó là ủng hộ quân sự cho [Ukraine] để Tổng thống Putin nhận ra rằng ông ấy không thể giành chiến thắng trên chiến trường và buộc phải ngồi vào bàn đàm phán với một tinh thần thiện chí" - ông Stoltenberg nói.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan. Ảnh: Joshua Roberts/REUTERS

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan. Ảnh: Joshua Roberts/REUTERS

Trong khi đó, phát biểu tại một sự kiện của tổ chức Carnegie Endowment for International Peace (Washington), Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết đây chưa phải là lúc để Ukraine tiến hành đàm phán hòa bình với Nga, theo đài RT.

“Chúng tôi không biết khi nào [cuộc xung đột] sẽ kết thúc. Nhiệm vụ của chúng tôi là tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine để họ có ưu thế tốt nhất có thể trên chiến trường và để khi thời cơ cho ngoại giao chín muồi thì họ sẽ có vị thế tốt nhất trên bàn đàm phán. Nhưng thời điểm đó không phải bây giờ” - ông Sullivan khẳng định.

Trái lại, trong một bài đăng mới đây trên tạp chí The Spectator, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger lập luận rằng việc nhanh chóng đàm phán để kết thúc chiến sự ở Ukraine sẽ ngăn chặn một cuộc chiến tranh thế giới mới nổ ra. Ông lưu ý vào năm 1916, chính phủ Mỹ đã có cơ hội để chấm dứt Thế chiến Thứ nhất nhưng đã bỏ lỡ vì lý do chính trị trong nước.

Ông Kissinger cũng đề xuất về một tiến trình hòa bình, theo đó Ukraine sẽ có một sự liên kết với NATO theo cách nào đó vì lựa chọn vị thế trung lập đã không còn nữa; Nga sẽ rút quân về ranh giới trước ngày 24-2 và các vùng Donetsk, Lugansk và bán đảo Crimea sẽ là chủ đề đàm phán sau lệnh ngừng bắn; xác nhận quyền tự do cho Ukraine; cuối cùng là xác định một cấu trúc quốc tế mới, đặc biệt ở Trung và Đông Âu, trong đó Nga có một chỗ đứng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm