BS Nguyễn Đức Trọng, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, BV Chợ Rẫy, cho biết BV có nhận một trường hợp như trên và việc phân công công việc là đúng theo quy định tại Thông tư 41-2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 41-2011 của Bộ Y tế hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Theo BS Trọng, trường hợp này được đào tạo tương đối tốt tại Trường ĐH Trung y dược Nam Kinh (Trung Quốc), vì Trung y đào tạo theo chương trình của Mỹ. Tại Trung Quốc, tất cả học năm năm xong nhưng chưa được gọi là bác sĩ mà gọi là cử nhân Trung y, sau đó họ đi học thực hành lâm sàng thêm 2-3-4 năm tùy theo chuyên khoa để được cấp chứng chỉ hành nghề bác sĩ.
Với trường hợp trên, sau khi lấy bằng cử nhân Trung y, người học về Việt Nam và đã được Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD&ĐT công nhận bằng này là bằng đi học. Tiếp theo, họ đã học định hướng chuyên khoa chuyên ngành y học cổ truyền tại ĐH Y Hà Nội với thời gian là một năm. Nhưng để nhận thử việc bác sĩ tại khoa Vật lý trị liệu, BV Chợ Rẫy, người này cũng đã được đào tạo liên tục tại BV ba tháng về vật lý trị liệu và phục hồi chức năng trước khi phỏng vấn nhận vào thực tập công việc.
“BV quyết định nhận thử việc một tháng để xem người này có hợp với BV hoặc có chấp nhận được với môi trường làm việc không. Sau đó BV họp đánh giá, nếu thấy được thì ký hợp đồng chính thức vừa học vừa làm 12 tháng… Sau 18 tháng, hồ sơ của người này sẽ được gửi ra Cục Quản lý khám chữa bệnh, nơi này có một hội đồng để trình bộ trưởng ký cấp chứng chỉ hành nghề là bác sĩ, phạm vi y học cổ truyền. Còn nếu Bộ Y tế không cấp thì sẽ không được nhận làm việc tại BV” - BS Trọng giải thích.