Tại cuộc họp với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 TP.HCM diễn ra chiều 3-8, ông Lê Hồng Sơn- Giám đốc Sở GD&ĐT TP cho biết, Sở yêu cầu các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên, phòng giáo dục quận, huyện rà soát, lập danh sách các thí sinh, cán bộ, giáo viên thuộc diện F0, F1, F2. Những trường hợp này sẽ không tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Học sinh lớp 12 trường THCS - THPT Hai Bà Trưng, quận Tân Bình trong một tiết ôn tập. Ảnh: NTCC
Trong văn bản mới ban hành của Sở GD&ĐT về công tác phòng dịch COVID-19 cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, Sở yêu cầu các đơn vị rà soát và không cử cán bộ, giáo viên, nhân viên thuộc diện F0, F1, F2 tham gia các khâu của Kỳ thi.
Tiếp tục rà soát, yêu cầu tất cả thí sinh và cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác thi phải thực hiện khai báo y tế, chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa theo khuyến cáo của ngành y tế.
Đối với các trường được sử dụng làm điểm thi, Sở GD&ĐT đề nghị:
Các đơn vị phải phối hợp với cơ sở y tế địa phương thực hiện tổng vệ sinh, khử khuẩn toàn bộ điểm thi trước ngày làm việc đầu tiên hai ngày và sau mỗi ngày làm việc; trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị phòng chống dịch COVID-19 tại điểm thi.
Chuẩn bị đầy đủ các vật dụng cần thiết trong công tác phòng chống dịch COVID-19: dung dịch sát khuẩn tay (cho mỗi phòng thi, phòng làm việc), dụng cụ đo thân nhiệt (tối thiểu 10 cái/điểm thi), khẩu trang... phục vụ cho kỳ thi.
Trong thời gian tổ chức thi, giữ gìn phòng thi, điểm thi sạch sẽ nhưng phải đảm bảo các yếu tố an toàn, bảo mật cho kỳ thi.
Đối với trưởng Phòng GD&ĐT các quận, huyện, Sở đề nghị xây dựng phương án phù hợp, đảm bảo an toàn cho thí sinh và cán bộ, giáo viên, nhân viên làm công tác thi tại địa phương. Trong đó, đặc biệt lưu ý việc phối hợp giữa các ban ngành địa phương, hỗ trợ các điểm thi thực hiện quy định về giãn cách, nhất là cuối mỗi buổi thi.
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT TP.HCM về công tác tổ chức kỳ thi, năm nay, TP.HCM có khoảng 75.000 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT tại 115 điểm thi với 3.160 phòng thi.
Đề thi đã được Hội đồng thi nhận bàn giao từ Bộ GD&ĐT vào ngày 30-7. Sau đó, được vận chuyển về bảo quản tại Sở GD&ĐT.
Quá trình tiếp nhận, vận chuyển và bảo quản đề thi có sự tham gia, giám sát 24/24 của Công an TP. Đề thi sẽ được bàn giao cho Ban In sao đề thi theo quy định.
Nơi in sao đề thi: Địa điểm in sao đề thi được lựa chọn bố trí, thống nhất phương án cách ly 3 vòng độc lập.
Nhân sự in sao đề thi gồm 72 người. Vòng 1 gồm 60 người (Trưởng ban là lãnh đạo Hội đồng thi; uỷ viên, thư ký là công chức, viên chức, người lao động thuộc Sở GD&ĐT hoặc trường phổ thông và 1 cán bộ Công an TP giám sát);
Vòng 2 gồm 3 nhân sự thực hiện nhiệm vụ giám sát (Công an TP, Thanh tra ủy quyền của Bộ GD&ĐT, Thanh tra Sở); Vòng 3 gồm 2 nhân sự là cán bộ Công an TP.
Tất cả đều đã thực hiện Tờ khai Y tế, không thuộc diện F0 – F4, đã hoàn thành việc xét nghiệm COVID-19.
Việc vận chuyển đề thi sẽ được thực hiện vào sáng sớm (4 giờ 30) và nhận bài thi vào cuối mỗi ngày thi. Đề thi và bài thi được bỏ vào từng túi theo quy định, niêm phong và đóng gói theo phòng; các túi đề thi và bài thi sau đó lại được đóng gói trong thùng giấy có niêm phong; không để đề thi, bài thi qua đêm tại Điểm thi.
Việc vận chuyển đề thi và bài thi có sự phối hợp giữa Sở GD&ĐT TP.HCM và Công an TP, luôn đảm bảo bảo mật và an toàn tuyệt đối. Bài thi sau đó được đưa về bảo quản tại Điểm chấm thi, có sự giám sát 24/24 của Công an TP.
Phòng chứa đề thi- bài thi tại các Điểm thi và phòng chứa bài thi tại Điểm chấm có camera quan sát liên tục 24/24 theo quy định. Công an TP tham gia giám sát về kỹ thuật đối với việc sự dụng, vận hành camera.
Về công tác coi thi, TP huy động 12.000 cán bộ, giáo viên tham gia. Sau đó, hơn 2.000 người làm công tác chấm thi, trong đó chấm tự luận 520 người, trắc nghiệm 150 người, làm phách bài thi hơn 700 người.
Công tác chấm thi, tất cả các khâu đều có sự tham gia giám sát của Thanh tra thi và Công an TP, đảm bảo an ninh, an toàn.
Ban chỉ đạo thi sẽ rà soát lịch sử di chuyển, tình trạng sức khỏe, đảm bảo 100% cán bộ có tham gia cách li không thuộc diện F0-F4.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Sở GD&ĐT TP.HCM đề nghị Bộ GD&ĐT cho phép không tập trung toàn bộ cán bộ chấm chung 10 bài thi mà nên chia nhỏ theo đơn vị để thực hiện việc chấm chung. Nếu thực hiện theo Quy chế, TP sẽ phải tập trung khoảng 600 nhân sự thực hiện việc chấm chung, không đảm bảo quy định về giãn cách.