TP.HCM bắt tay hiện thực hóa các cơ chế, chính sách đặc thù

(PLO)- Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên khẳng định quá trình thí điểm chắc chắn sẽ có rủi ro nhưng cố gắng đừng để rủi ro đó quá lớn.

Tại hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM (Nghị quyết 98) diễn ra chiều 15-7, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên bày tỏ tin tưởng TP.HCM sẽ thực hiện thành công Nghị quyết 98.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại hội nghị. Ảnh: HOÀNG GIANG

Sẵn sàng để đối mặt với rủi ro

Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ được Quốc hội trao Nghị quyết 98 là niềm vui của người dân và lãnh đạo TP.HCM. Tuy nhiên, ông Nên lưu ý dù có mạnh dạn làm, mạnh dạn đổi mới để thực hiện các cơ chế thì cũng không được làm liều mà phải bám sát các cơ chế để tổ chức thực hiện.

Khẳng định Nghị quyết 98 đã trao quyền nhiều hơn cho TP.HCM, Bí thư Nguyễn Văn Nên nói giờ là lúc phải đưa nghị quyết vào cuộc sống và đốc thúc toàn hệ thống rốt ráo thực hiện ngay các cơ chế, chính sách.

Thủ tướng làm trưởng Ban chỉ đạo triển khai Nghị quyết 98

Trong ngày 15-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có quyết định thành lập Ban chỉ đạo triển khai Nghị quyết 98 do ông đảm nhiệm vai trò trưởng ban. Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên làm phó trưởng Ban thường trực...

Cũng tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải đã triển khai Chỉ thị 27 của Thành ủy về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 98. HĐND TP cũng công bố Nghị quyết 18 về triển khai thực hiện nghị quyết này.

Đi vào cụ thể, Bí thư TP.HCM nói phải sớm khởi công những công trình, dự án lớn, có những sản phẩm cụ thể. Ông cũng đặc biệt lưu ý đến yếu tố con người và cho rằng quá trình thí điểm chắc chắn sẽ có rủi ro nên cần sẵn sàng đối mặt để chấp nhận nhưng tốt nhất là cố gắng đừng để rủi ro đó quá lớn.

Bí thư TP.HCM cho biết ngày 1-8 tới đây, khi Nghị quyết 98 chính thức có hiệu lực thi hành, TP.HCM sẽ thành lập các ban chỉ đạo tương xứng để triển khai và phân công cán bộ được chọn lựa, tương xứng để triển khai. Nguồn cán bộ không phải phụ thuộc nhiều nữa, có thể tuyển, trưng dụng hay tuyển theo hình thức hợp đồng… để hỗ trợ cho ban chỉ đạo.

Bí thư Thành ủy TP.HCM khẳng định phương châm hành động của TP phải là kế hoạch một, biện pháp 10, uốn nắn 20. “Nếu có tiêu cực phải xử lý nghiêm khắc, không có vùng cấm, không có ngoại lệ” - Bí thư Nên nói và yêu cầu phải có chính sách cán bộ đi kèm để thực hiện tốt nhất các cơ chế đã được trao.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: HOÀNG GIANG

Hai chính sách đầu tiên được hiện thực hóa từ Nghị quyết 98

Trước đó, tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chia sẻ đã có hai chính sách đầu tiên được hiện thực hóa từ Nghị quyết 98.

Cụ thể, tại kỳ họp ngày 12-7 vừa qua, HĐND TP đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 13/2020 của HĐND TP về chương trình giảm nghèo bền vững TP giai đoạn 2021-2025. Hộ mới thoát nghèo (hộ mới thoát mức chuẩn hộ cận nghèo) trong vòng 24 tháng kể từ thời điểm được cấp có thẩm quyền công nhận thoát nghèo sẽ được hỗ trợ theo chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo…

Chính sách thứ hai là HĐND TP.HCM đã thông qua nghị quyết về điều chỉnh quy mô và nguồn vốn để triển khai thực hiện dự án xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài theo hình thức đối tác công tư (PPP). Trong đó, HĐND TP.HCM đồng ý tăng chiều dài toàn tuyến lên 51,17 km, tổng mức đầu tư dự án tăng lên 21.517 tỉ đồng...

Ông Phan Văn Mãi khẳng định TP.HCM nhận thức Nghị quyết 98 là động lực quan trọng, tạo điều kiện cho TP khơi thông nguồn lực, phát triển đúng với vai trò, vị thế của mình. “Lãnh đạo TP.HCM xác định đây là nhiệm vụ hàng đầu trong chương trình công tác” - ông Mãi nói.

Để cụ thể hóa Nghị quyết 98, UBND TP xác định có 28 nội dung, đề án sẽ trình HĐND TP qua các kỳ họp trong năm 2023. Cạnh đó, có 25 nội dung, đề án thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của UBND TP; các sở, ngành sẽ tham mưu và trình các đề án này trong năm 2023. Trước mắt, UBND TP.HCM sẽ thành lập hội đồng tư vấn và các tổ giúp việc; chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện và các đơn vị trực thuộc hoàn thành xây dựng kế hoạch thực hiện trong tháng 7 này.

UBND TP.HCM cũng yêu cầu các đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng các đề án, kế hoạch khẩn trương triển khai, lấy ý kiến của chuyên gia, doanh nghiệp và người dân, trình cơ quan có thẩm quyền đúng tiến độ.

Nghị quyết 98 tạo động lực mới đưa TP.HCM trở lại quỹ đạo

Chia sẻ tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhìn nhận Nghị quyết 98 với nhiều nội dung trao quyền mạnh, vượt trội cho TP để thể chế hóa Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị, thể hiện sự tin tưởng, gửi gắm của trung ương cho TP.HCM.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định việc triển khai Nghị quyết 98 thành công là nền tảng, là động lực mới đưa TP trở lại quỹ đạo phát triển vốn có.
Ảnh: HOÀNG GIANG

Để hiện thực hóa Nghị quyết 98, Phó Thủ tướng cho rằng TP.HCM cần có cách tiếp cận tổng thể gắn với những giải pháp cụ thể, linh hoạt, hiệu quả, sát thực tiễn, đặc biệt lưu ý huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị TP.HCM sớm cụ thể hóa nghị quyết của Quốc hội, chỉ thị của Thành ủy, nghị quyết của HĐND bằng các hành động cụ thể. Đồng thời, sớm thể chế hóa các nội dung thuộc nhiệm vụ và thẩm quyền của HĐND thành các chủ trương, chính sách cụ thể, thiết thực.

“Việc triển khai nghị quyết thành công là nền tảng để TP.HCM tạo động lực mới đưa TP trở lại quỹ đạo phát triển vốn có, tạo sức lan tỏa cho khu vực Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, xứng đáng là đầu tàu kinh tế của cả nước, xứng đáng với niềm tin yêu cả nước gửi gắm cho TP.HCM” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

*****

Ý KIẾN

Ông PHẠM CHÁNH TRỰC, nguyên Phó Bí thư thường trực Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM:

Con người là yếu tố quyết định

Để thực hiện Nghị quyết 98 cũng như hoàn thành các mục tiêu mà Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị đặt ra, tôi kiến nghị TP.HCM tập trung vào một số nội dung.

Cụ thể, TP.HCM cần đầu tư phát triển kinh tế theo chiều sâu, tổ chức không gian đô thị theo yêu cầu xây dựng TP đa trung tâm kết hợp chỉnh trang đô thị. Chính quyền TP cũng cần ưu tiên đầu tư sản xuất công nghệ cao, đầu tư nước ngoài; đồng thời đề xuất xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông liên vùng, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng các dự án trọng điểm quốc gia, nhất là đường sắt TP.HCM - Cần Thơ…

TP.HCM cần đầu tư cho con người, có chính sách tiền lương, tiền thưởng, đầu tư cho lực lượng lao động, đặc biệt phải đảm bảo mục tiêu nhà ở cho người dân...

Và cuối cùng, tôi cho rằng con người luôn là yếu tố quyết định sự thành công của các chính sách. Tôi đơn cử lại câu chuyện vào năm 1992, Thủ tướng Võ Văn Kiệt chỉ đạo xây dựng đường dây tải điện 500 kV Bắc - Nam dài hơn 1.400 km, hoàn thành trong hai năm. Đó là bài học quý báu cho cơ chế đặc thù mà TP.HCM cần nghiên cứu kỹ, rút kinh nghiệm...

-----

Ông NGUYỄN HỮU HIỆP, Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức:

TP Thủ Đức bố trí con người phù hợp với công việc

TP Thủ Đức xác định muốn thực hiện thành công Nghị quyết 98 phải tiến hành đồng thời việc khơi dậy tiềm năng từ nhân tố bộ máy, con người và nguồn lực.

Hiện Ban Thường vụ Thành ủy TP Thủ Đức đang đề xuất Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM, báo cáo Ban Tổ chức Trung ương xem xét về số lượng cấp phó của Thành ủy, các cơ quan tham mưu, giúp việc của Thành ủy TP Thủ Đức, của MTTQ và các đoàn thể, phụ cấp chức vụ sao cho tương thích với tổ chức bộ máy của chính quyền.

Ngoài ra, TP Thủ Đức cũng sẽ có danh mục những việc được ưu tiên thực hiện với sự chuẩn bị thật chu đáo từ nhận thức, bố trí con người, tiến độ thực hiện.

-----

TS TRẦN DU LỊCH,chuyên gia kinh tế:

Cần sớm thành lập Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM

Nghị quyết 98 đã trao cho TP.HCM một số cơ chế, chính sách đặc thù ở nhiều lĩnh vực như đầu tư hạ tầng, tài chính ngân sách, xây dựng - quy hoạch, thu hút nhà đầu tư chiến lược, tổ chức bộ máy... Lần này, tôi tin tưởng TP.HCM sẽ triển khai thành công Nghị quyết 98.

Ngoài các cơ chế, chính sách từ Nghị quyết 98, tôi mong Chính phủ cho phép TP.HCM phát hành trái phiếu quốc tế để đầu tư hạ tầng, giảm bớt vốn ODA. Việc này là nhằm có nguồn vốn vay hoàn thành hệ thống metro trước năm 2035… Cùng với đó, Chính phủ và TP.HCM, cụ thể là Bộ KH&ĐT cần sớm trình Quốc hội đề án thành lập Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM để tạo ra đột phá thu hút nhà đầu tư chiến lược. LÊ THOA - THANH TUYỀN ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới