Trong ngày 7-9, khoa có 103 bệnh nhi, trong đó có 13 em bị sốc SXN nặng, một số em phải được truyền huyết tương, tiểu cầu, thở máy. Tại BV Nhi đồng 1 cũng đã có 6 trẻ SXH tử vong (hai trẻ ở TP.HCM).
“Bệnh nhi SXH tăng nhiều so với thời điểm trước. Dự báo năm 2015 bệnh SXH sẽ tăng do rơi vào chu kỳ 3-5 năm, bệnh diễn biến phức tạp”, BS Tuấn nói.
Cùng ngày, BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết tính từ đầu năm đến nay, TP.HCM có trên 7.100 ca bệnh SXH, tăng 53% so với cùng kỳ năm 2014.
Các y bác sĩ đang chăm sóc cho một bệnh nhi mắc SXH nặng. Ảnh: Tùng Sơn
Xét về diễn tiến, số ca bệnh trong bốn tuần qua tăng rất nhanh. Điều tra dịch tễ ghi nhận các ổ dịch đều xảy ra tại những khu vực có nhiều điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của muỗi SXH như nhiều vật phế thải, máng nước uống của vật nuôi, vựa phế liệu, cơ sở tái chế vỏ xe…
Việc kiểm soát lăng quăng tại những địa chỉ nguy cơ này phải là trách nhiệm chung của mọi người từ chính những người quản lý địa chỉ đó, đến những người sống xung quanh và cả chính quyền địa phương. Ngành y tế TP đã triển khai quyết liệt các biện pháp từ truyền thông đến xử lý ổ dịch, môi trường nhằm giảm số ca mắc và tử vong.
Tính đến cuối tháng 8, cả nước có 25.000 ca mắc SXH và 16 ca tử vong. Nhiều các tỉnh thành phía Nam có số ca mắc tăng 40% - 50% so với cùng kỳ năm ngoái.