TP.HCM cần cán bộ đeo bám để trẻ em 'vô danh' có giấy tờ tùy thân

(PLO)- Theo chuyên gia, nếu cán bộ không dám nghĩ dám làm, không đeo bám các trường hợp khó thì nhiều trẻ có hoàn cảnh đặc biệt sẽ không có giấy tờ tùy thân. 

Sáng 21-11, Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP.HCM phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, Sở Tư pháp, Công an TP.HCM, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM và Công đoàn viên chức TP tổ chức tọa đàm với chủ đề “Thực trạng và giải pháp công tác cấp giấy khai sinh, mã số định danh, đăng ký cư trú và thẻ căn cước cho trẻ em, thanh thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt”.

Toàn cảnh tọa đàm. Ảnh: TRẦN MINH

Khó cấp giấy tờ cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt

Phát biểu tại tọa đàm, ông Phạm Đình Nghinh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, cho rằng chuyện bảo vệ trẻ em dù ở giai đoạn, lĩnh vực nào cũng rất quan trọng; nhưng vấn đề pháp lý, giấy tờ tùy thân là cái gốc để bảo vệ quyền trẻ em.

“Nếu không có giấy tờ tùy thân, trẻ em sẽ bị ảnh hưởng những quyền về giáo dục, y tế, chính sách an sinh xã hội,… Chúng tôi đã tiếp cận nhiều trường hợp là gia đình nhiều thế hệ không có giấy tờ tùy thân; dẫn đến việc đến trường của con em gặp khó khăn” - ông Nghinh nêu thực tế.

Ông Phạm Đình Nghinh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: TRẦN MINH

Tổng số trẻ em, thanh niên (16-18 tuổi) có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ trong các cơ sở trợ giúp trẻ em, lớp học tình thương trên địa bàn là 575 trường hợp.

Thực tế cư trú trên địa bàn TP là 444/575 trường hợp (77%); đã cấp giấy khai sinh 405/444 trường hợp (tỉ lệ 91,2%); chưa cấp giấy khai sinh 39/444 trường hợp (tỉ lệ 8,7%). Hiện có 14/22 đơn vị quận, huyện đã giải quyết, vẫn còn tám đơn vị chưa hoàn thành.

Tại tọa đàm, tám địa phương còn lại đã có báo cụ thể từng trường hợp và cam kết sẽ giải quyết xong trong tháng 12.

Ông Nghinh cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các cơ quan còn gặp khó trong việc cấp giấy tờ tùy thân cho trẻ em. Cụ thể, do sự thiếu chủ động của chính gia đình, một số cơ sở trợ giúp trẻ em và địa phương trong việc làm giấy tờ, thủ tục hành chính; tính phức tạp của nhiều trường hợp từ thời ông, bà đã không có giấy tờ tùy thân.

Còn TS Lê Văn Công, Phó trưởng Khoa Công tác xã hội, Trường Đại học KHXH&NV- ĐHQG TP.HCM, cho biết nguyên nhân phổ biến không thể làm giấy tờ tùy thân cho trẻ là vì nhiều trẻ không có giấy chứng sinh hoặc giấy khai sinh; người giám hộ nhận thức chưa đầy đủ, chưa quan tâm đến việc làm các giấy tờ cho trẻ.

Trao đổi với PLO bên lề tọa đàm, ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM, cho biết còn nguyên nhân khác là do việc di biến động dân cư tại TP.HCM rất lớn.

“Các trẻ đi theo ba mẹ đến TP.HCM làm ăn sinh sống rất nhiều và những trẻ này đôi khi thiếu sự quan tâm từ gia đình. Có trường hợp cả gia đình ba thế hệ không có ai có giấy tờ gì cả” - ông Nhựt nhìn nhận và cho rằng việc xác minh thông tin trẻ trong các trường hợp này gặp nhiều khó khăn và là áp lực lớn với cán bộ địa phương.

Cần cán bộ đeo bám để trẻ em có giấy tờ tùy thân

Để giải quyết vấn đề, ông Nguyễn Minh Nhựt cho rằng cần số hóa các dữ liệu để cán bộ, công chức thuận tiện trong việc tiếp cận và truy xuất thông tin liên quan đến trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Công an quận Bình Tân cấp Thẻ căn cước cho trẻ em trên địa bàn. Ảnh: TRẦN MINH

“Thực ra các trường hợp này rất khó, các quy định pháp luật có đó nhưng bây giờ cán bộ, công chức có dám nghĩ dám làm hay không? Nếu chúng ta mà không dám nghĩ dám làm, không đeo bám các trường hợp khó khăn thì tôi nghĩ rằng là sẽ không ổn” - ông Nhựt nói.

Cũng theo ông Nhựt, cần có cơ chế phối hợp giữa chính quyền địa phương với các cơ sở bảo trợ xã hội công lập, ngoài công lập để có thông tin về trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Ông cũng kiến nghị ngành công an và tư pháp cần có sự giám sát, hướng dẫn với các địa phương.

“Chúng ta có quy định rồi, có văn bản triển khai rồi nhưng chúng ta phải phối hợp và kiểm tra, giám sát và hướng dẫn cán bộ ở cơ sở thì họ mới mạnh tay, mạnh dạn làm được, nếu không thì anh em ở dưới rất là nhát tay để làm chuyện này” - ông Nhựt gợi mở.

Đại tá Nguyễn Đình Dương, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: TRẦN MINH

Đại tá Nguyễn Đình Dương, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, đề nghị các đơn vị liên quan cùng phối hợp và tập trung giải quyết việc cấp giấy tờ tùy thân cho trẻ em.

“Với các trường hợp nào đặc biệt khó khăn còn chưa giải quyết được thì các đơn vị phải cùng ngồi lại với nhau, bàn thảo giải pháp và gỡ từng bước với mục đích cuối cùng để cho các em được có giấy tờ” - ông Dương nói.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH, nhìn nhận việc cấp giấy tờ tùy thân cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là điểm nghẽn nhiều năm không chỉ ở TP.HCM mà còn với các tỉnh, thành khác.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH, nêu ý kiến. Ảnh: TRẦN MINH

Theo ông Nam, việc không thể cấp giấy tờ tùy thân cho các trường hợp này dẫn đến việc nhiều trẻ em, thanh niên sống ngoài pháp luật, bị bỏ lại phía sau và không được hưởng các chính sách, các quyền mà đáng lẽ phải được hưởng.

Ông Nam cho rằng cần rà soát và xử lý từng trường hợp trẻ em để đảm bảo ưu tiên không trẻ nào bị bỏ lại phía sau; đồng thời tăng cường phối hợp liên ngành, đặc biệt giữa công an và tư pháp.

“Nếu sự phối hợp này không ăn ý thì rất nhiều rào cản pháp luật không thể tháo gỡ; cán bộ ở xã, phường vẫn sợ trách nhiệm, vẫn sợ sai luật và không làm được” - ông Nam nói và đánh giá TP.HCM đã làm rất tốt việc này.

Cẩm nang hướng dẫn cấp giấy tờ cho trẻ "vô danh"

Ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM, cho biết: "Để giải quyết việc chậm trễ trong công tác cấp giấy tờ tùy thân cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, chúng tôi đã dành hai tháng rà lại tất cả các quy định pháp luật. Sau đó, tổ chức một buổi họp để thống nhất về quy chế phối hợp và xây dựng một quy trình khép kín từ lúc bắt đầu cho đến khi hoàn thành việc cấp giấy tờ” - ông Nhựt thông tin.

Cẩm nang hướng dẫn cấp giấy tờ tùy thân cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Ảnh: HĐNDTP.HCM

Ông Nhựt cho hay quy trình này đã được tập huấn cho lực lượng công an, tư pháp, ngành lao động, các cơ sở bảo trợ xã hội và đã được số hóa dữ liệu thành quyển cẩm nang.

Cụ thể, cẩm nang này gồm ba phần. Đầu tiên là về quy trình để cấp giấy khai sinh. Thứ hai, quy chế phối hợp giữa hai ngành công an và tư pháp. Thứ ba, sơ đồ hóa từng bước cần làm để cấp các loại giấy tờ tùy thân cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt.

“Cẩm nang này đã được triển khai về cho địa phương để cán bộ công chức nắm bắt được một cách rõ ràng các quy trình. Căn cứ vào đây để có thể xem và nhận diện các đối tượng mình tiếp nhận nó thuộc trường hợp nào, nhân khẩu đặc biệt hay không… Tôi cho rằng đây là một trong những cái sáng kiến mà duy nhất TP.HCM đang làm” - ông Nhựt cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới