Ngày 6-10, Đoàn đại biểu quốc hội TP.HCM đã tổ chức lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Nhiều nội dung liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, công tác thu hồi đất, đấu giá đất, thời hạn sử dụng đất, quản lý sử dụng đất… đã được các đại biểu đóng góp ý kiến thẳng thắn.
Cần quản chặt quỹ đất dọc theo các tuyến giao thông
Tại hội thảo, ông Hoàng Ngọc Tuân, Trưởng phòng Kỹ thuật đấu thầu thuộc Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, đã nêu ra một nội dung mới và rất đáng chú ý. Đó là việc quản lý và khai thác hiệu quả quỹ đất dọc theo các tuyến metro.
Theo ông Tuân, việc phát triển đô thị dọc theo các tuyến giao thông là rất quan trọng và đang là xu hướng hiện nay. Tuy nhiên, vấn đề này lại chưa được đề cập đến trong Luật Đất đai. Trong khi thực tế, khi Nhà nước làm đường giao thông cũng như các tuyến đường sắt đô thị, quỹ đất dọc theo hai bên phát triển rất mạnh nhưng Nhà nước chưa quản lý được mà chủ yếu là rơi vào tay tư nhân.
Ông Tuân lấy ví dụ về tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Từ khi có quy hoạch đến khi hình thành tuyến đường này thì giá đất hai bên đã tăng 15 lần. Ông Tuân phân tích đối với các dự án giao thông, giá trị thặng dư không phải trong phạm vi thu hồi dự án mà là khu vực xung quanh.
Chẳng hạn như với dự án metro chỉ mất tối đa là 26 m nhưng toàn bộ phạm vi từ 500 m đến khoảng 1 km là tạo ra giá trị thặng dư. Hiện TP.HCM có khoảng 500 ha đất dọc theo các tuyến giao thông. “Nếu lấy bình quân 1 m2 là 100 triệu đồng thì Nhà nước đã có 50.000 tỉ đồng, dư sức để đầu tư dự án mà không phải vay vốn nước ngoài” - ông Tuân nói.
Cũng theo ông Tuân, hiện nay các dự án cơ sở hạ tầng giao thông như các tuyến đường sắt đô thị, TP đều phải vay vốn nước ngoài để thực hiện. “Nhà nước phải đi vay hàng chục tỉ đô để đầu tư xây dựng dự án giao thông nhưng giá trị thặng dư từ quỹ đất dọc theo các tuyến đường này thì chưa quản lý được” - ông Tuân đánh giá và kiến nghị cần đưa nội dung này vào Luật Đất đai để có một hành lang pháp lý cho việc phát triển đô thị dọc theo các tuyến giao thông lớn như hiện nay.
Nhà nước đầu tư rất nhiều cho tuyến metro số 1 nhưng quỹ đất dọc theo tuyến đường này chủ yếu là doanh nghiệp hưởng lợi. Ảnh: HOÀNG GIANG |
Cần xem xét lại việc gia hạn đất nông nghiệp
Theo dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, thời hạn giao đất, công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp là 50 năm.
Khi hết thời hạn, hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được tiếp tục sử dụng đất theo thời hạn quy định mà không phải làm thủ tục gia hạn, trừ trường hợp Nhà nước đã đưa diện tích đất hết hạn sử dụng vào kế hoạch sử dụng đất hoặc có quyết định thu hồi đất.
Dự thảo cũng định nghĩa hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp là hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất và có thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối. Đồng thời, đối tượng này phải là đối tượng không được hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tổ chức kinh tế, chính trị xã hội khác.
Theo ThS Hoàng Thị Biên Thùy, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM, những trường hợp có đất nông nghiệp nhưng không thuộc đối tượng nêu trên, khi đất hết hạn thì chưa được dự thảo tính đến.
“Trường hợp nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp hoặc con cái được thừa kế đất nông nghiệp từ cha mẹ, trong khi con cái là cán bộ, công chức thì khi đất hết hạn, quyền sử dụng đất này sẽ được giải quyết như thế nào?” - bà Thùy đặt vấn đề và cho rằng hiện nay luật mới chỉ quy định về trường hợp giao đất, cho thuê đất mà chưa quy định rõ về việc gia hạn quyền sử dụng đất.
Vì vậy, bà Thùy đề nghị cần phải làm rõ thêm nội dung này trong dự thảo luật.
Nhìn ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, bà Thùy cho rằng khi người dân đến phường, xã, thị trấn để làm thủ tục gia hạn quyền sử dụng đất nông nghiệp, các cơ quan này cũng rất khó để xác minh người dân đó khai có đúng hay không. Bà Thùy đánh giá nếu quy định như thế cũng sẽ làm khó và thêm việc cho cán bộ phường, xã, thị trấn.
Còn theo luật sư Trương Thị Hòa, người nông dân gắn bó với đất đai của họ từ nhiều đời và mang tính ổn định, lâu dài. Vì vậy, không cần thiết phải gia hạn mà nên chuyển từ gia hạn sang chế độ sử dụng lâu dài đối với đất nông nghiệp theo hạn mức đã quy định.•
Kiến nghị cho triển khai dự án khi đã bồi thường xong 80%
Tại hội thảo, ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM, kiến nghị đưa vào dự thảo Luật Đất đai nội dung cho phép doanh nghiệp triển khai dự án khi đã bồi thường xong 80% tổng diện tích đất dự án.
Điều kiện mà ông Hưng nêu kèm theo là các dự án này chủ đầu tư đã bồi thường 80% nhưng phần diện tích đã bồi thường phải liền ranh, liền thửa thì mới được phép triển khai dự án.
Ông Hưng cho biết nhiều dự án trong khu công nghiệp hiện nay có quỹ đất tới hàng trăm hecta, chủ đầu tư cũng đã bồi thường tới 80%-90% nhưng vẫn chưa thể triển khai được dự án.
Lấy ví dụ, ông Hưng cho biết một dự án tại Củ Chi có tổng diện tích 99 ha, giai đoạn đầu đã làm xong. Giai đoạn 2 có tổng diện tích 66 ha, chủ đầu tư đã bồi thường xong 64 ha liền ranh, liền thửa, còn 2 ha chưa bồi thường được nhưng đã neo dự án lại không thể triển khai.
“1 ha đất trong khu công nghiệp bây giờ có giá trị lũy kế từ đầu đến hiện tại thu hút khoảng 6,7 triệu đô la, chưa kể hằng năm đóng thuế cho ngân sách nhà nước, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Nếu chỉ vì một vài hecta chưa bồi thường mà cả dự án phải đứng theo là rất bất cập” - ông Hưng nói.
Trưởng Ban quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM cho rằng 80% diện tích đã bồi thường cho phép chủ đầu tư triển khai dự án. Còn 20% diện tích còn lại, chủ đầu tư vẫn sẽ tiếp tục thương lượng để bồi thường song song với quá trình triển khai 80% dự án đã bồi thường trước đó.