TP.HCM công bố cấu trúc đề thi môn toán, tiếng Anh vào lớp 10

(PLO)- Đề thi môn toán và tiếng Anh trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2023-2024 có cấu trúc tương tự như năm ngoái.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo thông tin từ Sở GD&ĐT TP.HCM, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay dự kiến diễn ra vào đầu tháng 6 với ba môn văn, toán và ngoại ngữ.

Liên quan đến cấu trúc đề thi môn tiếng Anh, ông Trần Đình Nguyễn Lữ, chuyên viên phụ trách môn tiếng Anh của Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, đề thi vẫn gồm 40 câu hỏi với thời gian làm bài 90 phút.

Đề chủ yếu là nhận biết, thông hiểu, yêu cầu nâng cao chỉ chiếm từ 10 đến 15% để phân loại thí sinh.

Đề thi không chú trọng về mặt ngữ pháp mà nghiêng nhiều về kỹ năng, từ vựng. Do đó, học sinh không nên ôn quá nhiều ngữ pháp mà cần rèn kỹ năng đọc hiểu, đọc nhiều bài để ghi nhớ từ vựng.

Trong khi đó, đối với môn toán, ông Dương Bửu Lộc, chuyên viên môn toán, Sở GD&ĐT TP.HCM chia sẻ cấu trúc đề thi môn toán vẫn như mọi năm, không có gì thay đổi.

Theo đó mức độ kiến thức với 70% nhận biết, thông hiểu; 30% vận dụng, vận dụng cao.

Đề thi vẫn gồm 8 câu hỏi, trong đó, câu 1, 2 là kiến thức quen thuộc về đồ thị, định lý Vi-et, điều kiện có nghiệm của phương trình. Câu 3 đến câu 7 là các bài toán vận dụng kiến thức đã học để giải quyết những vấn đề thực tế. Câu hỏi còn lại là bài toán hình học phẳng, gồm ba bài toán nhỏ.

Trước đó, vào tối 13-2, Sở GD&ĐT cũng công bố cấu trúc đề thi môn văn.

Theo đó, cấu trúc đề thi không có gì thay đổi, gồm có ba phần đọc hiểu (3 điểm), nghị luận xã hội (3 điểm) và nghị luận văn học (4 điểm).

Phần đọc hiểu, văn bản được chọn có thể là văn bản nghị luận, văn bản thông tin, văn bản văn học, văn bản khoa học... Các câu hỏi được tổ chức theo mức độ tư duy từ dễ đến khó, từ nhận biết, thông hiểu đến phân tích, suy luận và đánh giá, vận dụng.

Trong các câu hỏi đọc hiểu có 1 câu hỏi về tiếng việt.

Phần nghị luận xã hội yêu cầu thí sinh viết một bài văn khoảng 500 chữ. Bài văn phải có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề. Học sinh cần tập phân tích, xác định đúng vấn đề cần nghị luận; triển khai vấn đề thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động.

Phần nghị luận văn học sẽ gồm 2 đề để học sinh chọn lựa.

Đề 1: Yêu cầu học tự chọn một tác phẩm thuộc chủ đề đề cho, cảm nhận tác phẩm và chỉ ra ảnh hưởng, tác động của tác phẩm đối với bản thân mình hoặc liên hệ đến tác phẩm khác, liên hệ thực tế cuộc sống để rút ra một vấn đề văn học hoặc cuộc sống.

Đề 2: Đề thi đặt ra một tình huống cụ thể và yêu cầu các em sử dụng kiến thức, sự trải nghiệm trong quá trình đọc để giải quyết tình huống ấy.

Muốn làm tốt, học sinh cần có kĩ năng phân tích, cảm nhận tác phẩm. Hạn chế tình trạng diễn xuôi lại tác phẩm, bài làm thiếu cảm xúc, viết sai vấn đề.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm