Tại hội thảo về công nghệ và tài chính cho các dự án đốt rác phát điện tại TP.HCM mới đây, ông Lê Văn Tâm, Phó Giám đốc Viện Kỹ thuật nhiệt đới và Bảo vệ môi trường Việt Nam, thông tin cả nước có khoảng 20 dự án đốt rác phát điện.
Tuy nhiên, hiện chỉ có khoảng ba nhà máy đang vận hành, bốn dự án đang thi công xây dựng. Còn lại nhiều dự án vẫn đang thực hiện các thủ tục đầu tư, phần nhiều bị chậm tiến độ hoặc bị đình trệ vì nhiều lý do khác nhau, trong đó chủ yếu do thiếu chính sách và các cơ chế hỗ trợ.
Khẩn trương hoàn tất thủ tục hai dự án
Theo Sở TN&MT TP, hiện nay có năm đơn vị đã ký hợp đồng cung ứng dịch vụ xử lý rác sinh hoạt với TP. Qua quá trình làm việc, sở đã đề nghị các chủ đầu tư thực hiện dự án chuyển đổi công nghệ xử lý rác sinh hoạt theo hướng áp dụng công nghệ đốt rác phát điện từ giai đoạn 2017-2018. Tuy nhiên, đến nay chỉ có hai dự án chuyển đổi công nghệ xử lý rác của Công ty CP Vietstar và Công ty CP Đầu tư - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa được cấp quyết định chủ trương đầu tư.
Bên cạnh đó, từ năm 2019 đã có ba dự án nhà máy đốt rác phát điện tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (huyện Củ Chi, TP.HCM) được khởi công, dự kiến vận hành vào cuối năm 2020, đầu năm 2021.
Trao đổi với PV, ông Ngô Như Hùng Việt, Tổng Giám đốc Công ty CP Vietstar, cho biết công ty đã hoàn thành việc lắp đặt và vận hành dây chuyền phân loại rác. Tuy nhiên, đến nay công ty vẫn còn chờ một số thủ tục để thực hiện dự án. “Đa số các thủ tục đã hoàn thành.
Công ty đã hoàn thành việc lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư và báo cáo thẩm tra của dự án. Đồng thời đang thực hiện thủ tục phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 nhà máy tích hợp xử lý chất thải rắn Vietstar” - ông Việt nói.
Đối với Công ty CP Đầu tư - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa, công ty cho biết đang làm việc với Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 1 (đơn vị tư vấn) để tiếp tục thực hiện hợp đồng lập báo cáo đấu nối với hệ thống điện, báo cáo nghiên cứu khả thi và hồ sơ thiết kế kỹ thuật của dự án đã thực hiện được một phần.
Từ báo cáo của hai đơn vị, Sở TN&MT TP đã đề nghị hai công ty phải hoàn thành đầy đủ hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo thiết kế kỹ thuật nộp đề nghị thẩm định tại Bộ Xây dựng. Sau đó có báo cáo Sở TN&MT TP trong trường hợp có phát sinh khó khăn, vướng mắc.
|
Nhà máy chuyển đổi công nghệ xử lý rác của Công ty CP Vietstar. Ảnh: NGUYỄN CHÂU |
Nhiều dự án đang xin chủ trương đầu tư
Ngoài hai dự án đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư, hiện TP còn ba dự án đang đề xuất chủ trương đầu tư. Sở TN&MT TP cũng đã làm việc với các đơn vị để tiếp tục thúc đẩy các dự án chuyển đổi công nghệ xử lý rác của các công ty.
Cụ thể, đối với dự án chuyển đổi công nghệ của Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS), công ty đã được UBND TP chấp thuận chủ trương thực hiện. Sau quá trình nghiên cứu tìm hiểu các công nghệ tiên tiến phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của Việt Nam, Công ty VWS đang triển khai các bước chuẩn bị để thực hiện dự án bao gồm lập báo cáo đề xuất, báo cáo thẩm định công nghệ, báo cáo đầu tư, báo cáo quy hoạch điện để trình các bộ, ngành liên quan.
Đối với dự án chuyển đổi công nghệ của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM (Citenco), sau khi tiếp nhận hồ sơ đề xuất dự án đã chỉnh sửa của công ty, Sở TN&MT TP cùng các đơn vị liên quan thẩm định các dự án xử lý chất thải rắn để lấy ý kiến và tổng hợp, báo cáo UBND TP xem xét, quyết định chủ trương ban đầu của dự án làm cơ sở cho công ty thực hiện. Sau khi có chủ trương đầu tư ban đầu, Citenco sẽ thực hiện các thủ tục pháp lý tiếp theo cho dự án chuyển đổi công nghệ.
Còn dự án chuyển đổi công nghệ của Công ty CP Môi trường Tasco, ngày 6-4, Sở TN&MT TP đã phối hợp với Sở KH&ĐT làm việc với công ty liên quan đến dự án nhà máy xử lý - tái chế chất thải rắn 500 tấn/ngày của công ty tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (huyện Củ Chi) và đề nghị công ty thực hiện hồ sơ điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư dự án chậm nhất trong tháng 4-2023. Hiện công ty đã nộp hồ sơ để Sở KH&ĐT xem xét.•
TP.HCM xin gia hạn thời gian chuyển đổi công nghệ xử lý rác
Sở TN&MT TP cho biết TP.HCM đã đặt chỉ tiêu đến năm 2025, tỉ lệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ đốt rác phát điện và tái chế đạt ít nhất 80%, hướng tới đạt 100% vào năm 2030. Tuy nhiên, với tiến độ thực hiện các dự án xử lý rác bằng công nghệ đốt rác phát điện, gặp khó khăn trong việc hoàn thiện toàn bộ thủ tục pháp lý dự án nên Sở TN&MT TP đánh giá tỉ lệ xử lý rác sinh hoạt bằng công nghệ đốt rác phát điện và tái chế có khả năng cao không đạt chỉ tiêu TP đã đặt ra.
Vì vậy, Sở TN&MT đề nghị gia hạn thêm hai năm, tức đến năm 2027 sẽ hoàn thành chỉ tiêu TP đặt ra.