Ngày 29-10, Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức toạ đàm "Đường sắt tốc độ cao – Thời cơ và thách thức".
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy, hiện quy mô nền kinh tế trong nước đạt 430 tỉ USD, nợ công cũng ở mức rất hợp lý khoảng 37% (năm 2023). Các điều kiện về nguồn lực trong nước cơ bản không phải là thách thức lớn.
Thêm vào đó, vốn dự án được bố trí vốn trong khoảng 12 năm. Mỗi năm bình quân cần bố trí khoảng 5,6 tỉ USD tương đương 24,5% vốn đầu tư công trung hạn hàng năm bố trí trong giai đoạn 2021-2025 và giảm xuống còn khoảng 16,2% trong giai đoạn 2026 - 2030 nếu giữ nguyên tỉ lệ đầu tư công trung hạn chiếm 5,5 - 5,7% GDP như hiện nay.
“Chúng tôi cũng phối hợp với Bộ Kế hoạch và đầu tư đánh giá khả năng cân đối vốn cũng như các đánh giá, tính toán khác. Từ đó cho thấy việc cân đối nguồn vốn và huy động nguồn vốn cho dự án không phải là thách thức lớn trong thời điểm hiện nay…”- ông Huy cho hay.
Khẳng định thêm về nguồn vốn cho dự án, Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng nói trung ương và địa phương sẽ tập trung vốn cho dự án, trong đó vốn trung ương giữ vai trò chủ đạo. Song song đó, sẽ thu hút thêm vốn trái phiếu Chính phủ, vốn tư nhân, thiếu sẽ huy động vốn ODA với điều kiện vay hợp lý, ít ràng buộc.
“Với các phương án huy động nguồn lực như thế, chúng ta tin tưởng rằng công tác chuẩn bị tài chính cho dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam đã sẵn sàng để đảm bảo được nguồn lực về tài chính ở mức cao nhất”- ông Khắng nói.
Còn Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương khẳng định trong lịch sử đầu tư công, đây là dự án có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Mức chi đầu tư này sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế trong suốt thời gian dự án thi công.
Qua đánh giá sơ bộ, nếu như số tiền này được đưa vào triển khai từ nay đến năm 2035 thì tác động của đầu tư đường sắt cao tốc làm tăng khoảng 0,97 điểm % GDP. Đây là con số hết sức đáng kể, góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Với cách tiếp cận như vậy, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, khẳng định “đây là thời điểm phù hợp để triển khai dự án, cả về điều kiện, năng lực...”.
Tuy nhiên, ông cho biết hiện có rất nhiều quan điểm băn khoăn tốc độ thiết kế dự án là 250km/giờ hay 350km/giờ, vận tải khách và hàng hóa ra sao… Nhưng ông nhận thấy phương án Bộ GTVT đưa ra với thiết kế 350km/h là phù hợp.
“Vì phương án 350km/h chuyên chở cả hành khách và hàng hoá mang tính linh hoạt trong khai thác. Trường hợp phương án khai thác của chúng ta chưa thực sự hiệu quả còn có dư địa rất lớn để điều chỉnh, nếu phương án khác khi muốn thay đổi lại phải nâng cấp, sửa chữa, điều chỉnh… tốn kém chi phí…”- ông Hiếu nói.