TP.HCM muốn có thêm 800 ha đất phát triển khu công nghiệp

(PLO)- Ban Quản lý các Khu công nghiệp - Khu chế xuất TP.HCM vừa đề xuất các giải pháp để hình thành thêm hàng trăm ha đất công nghiệp trên địa bàn TP.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ban Quản lý các Khu công nghiệp - Khu chế xuất (KCN-KCX) TP.HCM vừa có báo cáo tình hình hoạt động KCN-KCX 10 tháng đầu năm 2024 và kế hoạch công tác tháng 11. Tại báo cáo này, Ban Quản lý đã nêu các biện pháp tháo vướng mắc để phát triển các KCN.

Phát triển thêm đất tại 4 khu công nghiệp

“Đề xuất các giải pháp để hình thành thêm khoảng 800 ha đất công nghiệp phục vụ thu hút đầu tư các khu công nghiệp chuyên đề, công nghiệp kỹ thuật cao (KCN Hiệp Phước giai đoạn 2, KCN Lê Minh Xuân mở rộng, KCN Lê Minh Xuân 2 và KCN Phạm Văn Hai I và II)”, báo cáo nêu rõ.

Theo đó, KCN Hiệp Phước giai đoạn 2 (diện tích 596,93 ha tại huyện Nhà Bè) được UBND TP giao Sở TN&MT TP chủ trì, phối hợp Cục Thuế TP tham mưu thời gian hoàn thành việc xác định giá cho thuê đất hàng năm.

Đồng thời, Ban Quản lý KCN-KCN cần làm việc với Công ty Cổ phần KCN Hiệp Phước về quy hoạch ngành công nghiệp và đánh giá khả năng định hướng phát triển KCN Hiệp Phước giai đoạn 2 là KCN chuyên ngành y - dược, thay cho định hướng của KCN Lê Minh Xuân 2.

Đối với KCN Lê Minh Xuân mở rộng - giai đoạn 1 (diện tích 89,5 ha), UBND huyện Bình Chánh phải báo cáo tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, khó khăn, vướng mắc, đề xuất kiến nghị, xác định thời gian hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án, đảm bảo phù hợp với kế hoạch sử dụng đất 2 năm (2023 - 2024) của huyện.

UBND TP cũng giao Ban Quản lý KCN-KCX làm việc với Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư Kinh doanh nhà Khang Phúc về quy hoạch ngành công nghiệp và đánh giá khả năng định hướng phát triển KCN này là KCN chuyên ngành y - dược.

KCN Lê Minh Xuân 2 (diện tích 338 ha), Ban Quản lý KCN-KCX được yêu cầu tham mưu kế hoạch triển khai KCN này sau khi đã có kết quả làm việc giữa lãnh đạo TP với các đối tác trong Công ty CP KCN Lê Minh Xuân 2 về việc chấm dứt hợp đồng hợp tác ngày 14-12-2012.

Đối với KCN Phạm Văn Hai I (diện tích 379 ha) và II (diện tích 289 ha) tại huyện Bình Chánh, Sở TN&MT TP, Sở KH&ĐT TP tham mưu cho UBND TP về việc khẳng định có hay không việc đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án hạ tầng KCN căn cứ theo Nghị quyết số 98/2023/QH15, Luật Đất đai, Luật đầu tư, Luật Đấu thầu và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Căn cứ ý kiến của các đơn vị trên, UBND TP giao Ban Quản lý KCN-KCX tổng hợp, tham mưu kế hoạch triển khai KCN Phạm Văn Hai I và II theo định hướng là KCN thông minh, thế hệ mới.

khu công nghiệp.jpg
Một góc Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) nhìn từ trên cao. Ảnh: HOÀNG GIANG

Hoàn thành đề án thí điểm chuyển đổi 5 khu chế xuất- khu công nghiệp

Theo báo cáo của Ban Quản lý KCN-KCX, UBND TP đã chỉ đạo Ban Quản lý tham mưu UBND TP văn bản chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho 5 công ty xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng là chủ đầu tư của 5 KCX-KCN thí điểm chuyển đổi được phê duyệt (Tân Thuận, Tân Bình, Cát Lái, Bình Chiểu, Hiệp Phước). Các chủ đầu tư cần chủ động xây dựng đề án chuyển đổi mô hình của KCX- KCN mình đang quản lý và có thời gian hoàn thành cụ thể đề án để trình UBND TP.

Trước đó, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đã hoàn thành giai đoạn 1 đề án khoa học “Định hướng phát triển công nghiệp TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Theo đề án, đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP sẽ thí điểm chuyển đổi 5 KCN-KCX. Theo đó, KCX Tân Thuận (quận 7) từ nay đến khi kết thúc thời hạn thuê đất vào năm 2041 sẽ chuyển đổi theo hướng thu hút các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao. Sau năm 2041, TP sẽ giữ quỹ đất KCX dành cho phát triển công nghiệp với tiêu chí thu hút đầu tư theo định hướng của TP.

KCN Cát Lái (TP Thủ Đức) được đề xuất chuyển đổi thành KCN chuyên ngành logistics. Trong đó, diện tích đất quy hoạch ngành logistics thuộc một phần của Trung tâm Logistics số 2 (Trung tâm Logistics Cát Lái) nằm ở phía đông nam TP, dự kiến khoảng 200-292 ha.

KCN Tân Bình (quận Tân Phú - Bình Tân) sau khi hết thời hạn thuê đất vào năm 2047 tiếp tục phát triển theo mô hình KCN - dịch vụ. Trong đó, KCN này được đầu tư theo mô hình KCN công nghệ cao.

KCN Bình Chiểu (TP Thủ Đức) sẽ chuyển đổi theo hướng nâng cao trình độ công nghệ, phát triển nhà xưởng cao tầng, thu hút các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho các ngành công nghệ cao, phát triển hậu cần logistics.

Về đầu tư nước ngoài, trong 10 tháng đầu năm, các KCN-KCX ở TP.HCM thu hút tổng vốn 233,28 triệu USD, tăng 25,45% so với cùng kỳ (185,96 triệu USD).

Trong đó, cấp mới 14 dự án với vốn đầu tư đăng ký 15,32 triệu USD, giảm 75,52% so với cùng kỳ (62,59 triệu USD); 18 dự án điều chỉnh vốn với vốn điều chỉnh tăng 217,96 triệu USD (dự án Green Planet tăng 158 triệu USD).

Về đầu tư trong nước, tổng vốn đầu tư thu hút đạt hơn 3.436 tỉ đồng (tương đương 140,25 triệu USD, giảm 81,69% so với cùng kỳ (766,15 triệu USD). Trong đó, cấp mới 26 dự án với vốn đầu tư đăng ký hơn 1.828 tỉ đồng (tương đương 74,63 triệu USD), giảm 89,28% so với cùng kỳ (696,42 triệu USD); 14 dự án điều chỉnh vốn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm