Dư địa lớn để phát triển khu công nghiệp bền vững

(PLO)- Với khoảng 1/3 khu công nghiệp chưa đưa vào sử dụng, dư địa để Việt Nam phát triển các khu công nghiệp theo mô hình sinh thái là rất lớn.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phát biểu tại Diễn đàn Thúc đẩy phát triển bền vững khu công nghiệp (KCN) Việt Nam do tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức vào sáng 28-3, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhấn mạnh: Các doanh nghiệp trong KCN đóng góp khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Hệ thống KCN, khu kinh tế đã góp phần quan trọng trong việc phát triển doanh nghiệp, giúp Việt Nam tham gia chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

“Sự phát triển bền vững các khu công nghiệp sẽ góp phần đáng kể vào việc hiện thực hóa các cam kết hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và nhiều chính sách quan trọng khác” - ông Vinh khẳng định.

Nhiều rào cản cho mục tiêu khu công nghiệp bền vững

Bà Trần Thị Tố Loan, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Đầu tư Sao Đỏ, cho biết mô hình KCN truyền thống và KCN bền vững có nhiều điểm khác biệt cơ bản.

Ví dụ, các KCN truyền thống thường tập trung vào việc tối đa hóa lợi nhuận mà không đặt nặng vấn đề bảo vệ môi trường. KCN truyền thống có thể gây ra ô nhiễm không khí, nước và đất do tiêu thụ nhiều năng lượng và nguyên liệu một cách không hiệu quả và phát thải lớn. KCN truyền thống cũng thường phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch. Trong khi đó, KCN bền vững ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch...

“Có thể thấy việc xây dựng khu công nghiệp bền vững mang lại nhiều lợi ích đáng kể, không chỉ về mặt kinh tế mà còn về môi trường và xã hội. Cụ thể là giảm tác động môi trường, tiết kiệm năng lượng và nguồn lực...” - bà Loan nhấn mạnh.

Để đạt được yêu cầu của KCN bền vững, theo bà Loan, cần có các cam kết mạnh mẽ hơn và có kế hoạch hành động để đẩy mạnh các cam kết này. Tiến trình này có nhiều thách thức, trong đó đầu tiên là nguồn vốn và tài chính. Các khu công nghiệp phần lớn được phát triển theo giai đoạn cuốn chiếu, việc đầu tư một cách đồng bộ toàn bộ hệ thống các phân khu chức năng và hệ thống xử lý nước thải, hệ thống hoàn thiện điện nước cần nguồn vốn lớn và phải làm ngay từ đầu.

Một khu công nghiệp tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Ảnh: M.TRÚC
Một khu công nghiệp tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Ảnh: M.TRÚC

Tiếp theo là năng lực cũng như các quy định pháp lý của Nhà nước. Hiện nay, rất nhiều quy định chưa rõ ràng, gây cản trở cho KCN trong việc chuyển đổi mô hình.

“Nghị định 35/2022 có giới thiệu về mô hình KCN sinh thái đưa ra một chỉ tiêu là có 20% doanh nghiệp trong khu phải thực hiện các sản xuất sạch hơn. Tuy nhiên, thế nào là “sạch hơn” hay thế nào là “sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn” lại không được làm rõ” - bà Loan dẫn chứng.

Trong số 418 KCN đã được thành lập, có 298 KCN đã đi vào hoạt động. Với khoảng 1/3 KCN chưa đi vào hoạt động, đây là dư địa rất lớn để Việt Nam phát triển bền vững và định hướng phát triển KCN xanh, KCN sinh thái trong thời gian tới. Để Việt Nam đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết tại COP26 thì việc phát triển bền vững, chuyển đổi mô hình KCN truyền thống sang KCN sinh thái là một trong những yêu cầu vô cùng cấp thiết.

Một ví dụ khác về nước thải, hiện toàn bộ nước thải theo quy định đều phải xả thải ra môi trường thông qua hệ thống quan trắc và xử lý tự động, nghĩa là không được tái sử dụng trong KCN. Trong khi hiện nay, với hệ thống xử lý nước thải mới thì KCN đã xử lý nước thải cấp A, ít nhất có thể sử dụng vào việc tưới tiêu trong KCN nhưng vẫn rất khó khăn trong vận hành.

“Hay như vấn đề rác thải, hiện nay toàn bộ rác thải trong KCN đều được đưa ra ngoài để xử lý và có rất ít báo cáo cũng như các vấn đề theo dõi về việc xử lý rác thải như thế nào” - bà Loan nêu.

Nhiều giải pháp hóa giải thách thức

Ông Trần Thiên Long, Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Bất động sản công nghiệp Việt Nam, cho biết cách thức triển khai mô hình KCN bền vững ở Việt Nam là chuyển đổi từ các khu công nghiệp truyền thống sang mô hình khu công nghiệp sinh thái bằng cách chú trọng đến các tiêu chí của mô hình KCN sinh thái. Đây là cách làm khác so với các quốc gia trên thế giới là hình thành và xây dựng KCN sinh thái ngay từ đầu.

Đề xuất giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển của KCN bền vững tại Việt Nam, ông Long nhấn mạnh thứ nhất là vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt là việc ô nhiễm nước thải và khí thải tại các KCN. Với vấn đề này, chúng ta phải đầu tư vào công nghệ xử lý, thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo vào các KCN, khu kinh tế.

w-P10-bai-kcn-hinhphu.jpg
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Ảnh: M.TRÚC

Thứ hai là thiếu hạ tầng. Giải pháp là phải đẩy mạnh hạ tầng giao thông và kỹ thuật cùng với việc tạo ra các chính sách hỗ trợ đầu tư vào các khu công nghiệp ở những vùng và hạ tầng phát triển tốt. Thứ ba là vấn đề thiếu lao động chất lượng, giải pháp là đầu tư vào đào tạo, tìm kiếm các nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bên cạnh đó là những thách thức về quản lý, vì quản lý KCN một cách hiệu quả cần phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp. Giải pháp theo ông Long đưa ra là tăng cường cơ chế quản lý và giám sát, thúc đẩy sự tham gia của các bên.

Đồng tình, PGS-TS Nguyễn Quang Tuyến, Trường ĐH Luật Hà Nội, cho rằng để hóa giải những thách thức cần tập trung vào một số giải pháp như hoàn thiện khung pháp lý, giải quyết các vướng mắc trong hoạt động đầu tư phát triển KCN, khu kinh tế.

Cùng với đó, nâng cao nhận thức của các cơ quan nhà nước các cấp trong phát triển KCN, khu kinh tế bền vững. Cụ thể hơn vai trò, vị trí của KCN, khu kinh tế trong quá trình công nghiệp hóa của đất nước; tăng cường phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước trên các lĩnh vực nhằm xây dựng Ban quản lý KCN, khu kinh tế là cơ quan “đầu mối, tại chỗ” với quy trình thủ tục hành chính đơn giản.

Xử lý nước thải, chất thải từ khu công nghiệp vẫn là một thách thức

“KCN trên cả nước mỗi năm phát sinh 550.000 tấn chất thải nguy hại. Nhiều KCN chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung” - đại diện Vụ Pháp chế (Bộ TN&MT) chia sẻ tại diễn đàn.

Theo đó, cả nước có 29 KCN đã đi vào hoạt động chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. KCN chưa có hệ thống xử lý nước thải nằm ở các tỉnh Hòa Bình, Lào Cai, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Lâm Đồng, Bình Phước, Bạc Liêu, Cần Thơ, Đồng Tháp…

“Hiện nay, 100% KCN đã có báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường. Cả nước có hơn 12.200 cơ sở hoạt động trong KCN, phát sinh hơn 4,2 triệu tấn chất thải rắn. Trong đó, KCN tại vùng Đông Nam Bộ chiếm 61,02%. Chất thải nguy hại phát sinh từ các KCN hằng năm khoảng 550.000 tấn. Các KCN tại trung du miền núi phía Bắc phát sinh nhiều nhất, chiếm 45%” - đại diện Bộ TN&MT cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm