Bình Thuận giải trình về điều chỉnh chủ trương đầu tư sân bay Phan Thiết

(PLO)- Do điều chỉnh quy mô sân bay Phan Thiết từ cấp 4C lên cấp 4E nên phải tăng tổng mức đầu tư và điều chỉnh lại chủ trương đầu tư.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam

Ngày 29-10, tại cuộc giao ban báo chí định kỳ hàng tháng, Sở GTVT tỉnh Bình Thuận đã cung cấp thông tin quá trình triển khai dự án Cảng hàng không Phan Thiết (sân bay Phan Thiết) hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức hợp đồng BOT.

sân bay Phan Thiết
Phối cảnh sân bay Phan Thiết.

Sân bay Phan Thiết được điều chỉnh quy mô


Sân bay Phan Thiết được Bộ GTVT phê duyệt quy hoạch tại ngày 16-10-2013 với tính chất sân bay dân dụng quân sự kết hợp trong đó sân bay dân dụng cấp 4C. Ngày 18-9-2014, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng sân bay dân dụng Phan Thiết theo hình thức xây dựng – kinh doanh- chuyển giao (BOT).

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Bình Thuận đã tổ chức triển khai các thủ tục đầu tư, lựa chọn và đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án là Công ty Cổ phần Rạng Đông.

Quá trình triển khai thực hiện, để đảm bảo sự phát triển lâu dài, khai thác các đường bay quốc tế, nâng cao hiệu quả, nhà đầu tư đã điều chỉnh quy hoạch.

Cụ thể sân bay Phan Thiết quy hoạch là cảng hàng không quốc nội cấp 4E với vai trò là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự với 1 đường cất hạ cánh dài 3.050m, nhà ga hành khách có công suất thiết kế 2 triệu hành khách/năm.

Do điều chỉnh quy mô dự án từ sân bay cấp 4C lên cảng hàng không cấp 4E, tăng tổng mức đầu tư nên phải điều chỉnh lại chủ trương đầu tư.

Căn cứ các điều khoản của hợp đồng dự án, ngày 17-7-2023, UBND tỉnh Bình Thuận và Công ty Cổ phần Rạng Đông đã ký văn bản thống nhất thỏa thuận chấm dứt hợp đồng dự án trước thời hạn.

Trên cơ sở ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng thẩm định liên ngành, Sở GTVT phối hợp với đơn vị tư vấn và các sở ngành có liên quan hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án sân bay Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức hợp đồng BOT.

Ngày 20-9-2024, UBND tỉnh có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư và chấm dứt trước thời hạn dự án sân bay Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức hợp đồng BOT.

san-bay-phan-thiet-2-4746.jpg.jpg
Các chuyến bay quân sự đã nhiều lần bay và hạ cánh an toàn tại sân bay Phan Thiết.

Ngày 7-10-2024, Văn phòng Chính phủ có công văn giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp rà soát và có ý kiến về nội dung tiếp thu, giải trình của UBND tỉnh Bình Thuận, tham mưu Thủ tướng Chính phủ về các kiến nghị của tỉnh.

Làm rõ khả năng huy động vốn cho dự án

Hiện nay, Bộ KH&ĐT đang chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát và có ý kiến về nội dung tiếp thu, giải trình của UBND tỉnh để báo cáo, tham mưu Thủ tướng xem xét điều chỉnh, phê duyệt chủ trương đầu tư và chấm dứt hợp đồng trước thời hạn dự án sân bay Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức hợp đồng BOT.

“Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, Sở GTVT tổ chức triển khai các thủ tục lập, trình thẩm định, phê duyệt hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án và phối hợp với Sở KH&ĐT tổ chức lựa chọn nhà đầu tư mới theo quy định pháp luật hiện hành” - văn bản của Sở GTVT nêu.

Trước đó theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tỉ lệ vốn chủ sở hữu tham gia dự án sân bay Phan Thiết còn ở mức thấp. Để tăng tính khả thi, hiệu quả, đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận xem xét tăng tỉ lệ nguồn vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực để triển khai dự án.

Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, dự án có thời gian hoàn vốn rất dài, gần 45 năm. Bên cạnh đó, dòng tiền của dự án trong 31 năm đầu khai thác không có khả năng hoàn trả nợ gốc vay. Như vậy, nguồn vốn thực hiện dự án chủ yếu phụ thuộc vào vốn tín dụng. Trong khi phương án tài chính không đảm bảo trả nợ sẽ rất khó có khả năng huy động vốn tín dụng ngân hàng.

Do vậy, Hội đồng thẩm định đề nghị: UBND tỉnh Bình Thuận làm rõ khả năng huy động vốn cho dự án, nghiên cứu đa dạng các nguồn vốn huy động để đầu tư dự án, giảm phụ thuộc vào một nguồn vốn, nhất là nguồn vốn tín dụng ngân hàng trong nước.

Hội đồng thẩm định cũng yêu cầu UBND tỉnh Bình Thuận căn cứ hợp đồng và Bộ Luật Dân sự để thỏa thuận, chấm dứt hợp đồng BOT trước thời hạn và chịu trách nhiệm toàn diện về việc đảm bảo đúng quy định của pháp luật, không phát sinh các nghĩa vụ của nhà nước hay các khiếu kiện, tranh chấp trong tương lai.

Dự án sân bay Phan Thiết có tổng vốn đầu tư hơn 5.000 tỉ đồng (đã bao gồm chi phí lãi vay), giai đoạn 1 hơn 3.700 tỉ đồng, giai đoạn 2 hơn 1.200 tỉ đồng. Trong đó, vốn nhà nước gần 20 tỉ đồng, gồm chi trả bồi thường, giải phóng mặt bằng (đã thực hiện).

Vốn nhà đầu tư 5.000 tỉ đồng (vốn chủ sở hữu tối thiểu gần 800 tỉ đồng, vốn vay tín dụng tối đa 4.300 tỉ đồng (tỉ lệ 85%). Thời gian triển khai dự án là 47 năm 2 tháng, trong đó thời gian chuẩn bị dự án và đầu tư xây dựng công trình là 27 tháng; thời gian vận hành, khai thác và hoàn vốn là 44 năm 11 tháng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm