TP.HCM: Lần đầu tổ chức phiên xử dân sự trực tuyến

(PLO)- Đây là phiên xử dân sự đầu tiên theo hình thức trực tuyến tại TP.HCM, vụ án có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ rõ ràng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 5-9, TAND TP.HCM mở phiên xử trực tuyến vụ án dân sự tranh chấp đòi nhà cho ở nhờ giữa nguyên đơn là bà Trần Thị Muôn và bị đơn là bà Trần Thị Hạnh.

Đây là phiên phúc thẩm bản án của TAND quận 10 mà phía nguyên đơn có kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Phiên xử bắt đầu lúc 8 giờ và kết thúc sau hơn 2 tiếng làm việc tại hai đầu cầu.

Đầu cầu trung tâm được đặt tại phòng xử A5 TAND TP.HCM và điểm cầu thành phần là TAND quận 10. Tại điểm cầu trung tâm có HĐXX gồm ba thẩm phán, thư ký và đại diện VKS tham dự. Điểm cầu thành phần có nguyên đơn, đại diện nguyên đơn, bị đơn cùng luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp. Vụ án có người liên quan nhưng có đơn xin xét xử vắng mặt.

Kết quả phiên xử, HĐXX quyết định bác kháng cáo, giữ nguyên phán quyết sơ thẩm. Cụ thể là không chấp nhận yêu cầu đòi nhà của bà Muôn đối với chị là bà Hạnh.

Hai đầu cầu của phiên xử trực tuyến. Ảnh: TACC

Hai đầu cầu của phiên xử trực tuyến. Ảnh: TACC

Hồ sơ thể hiện ngày 22-7-2015, bà Muôn được mẹ tặng cho toàn bộ nhà, đất số 79 Hồ Thị Kỷ (quận 10), sau đó, được công chứng, cập nhật biến động thay đổi tại Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh quận.

Còn nhà, đất số 99A Hồ Thị Kỷ (quận 10), phần diện tích nhà, đất mà nguyên đơn yêu cầu bị đơn trả lại có nguồn gốc của chồng bà Hạnh mua bằng giấy tay ngày 20-3-1978 có diện tích 6,2m x 2,5m. Nhà, đất được vợ chồng cư trú ổn định, thực hiện nghĩa vụ đóng thuế nhà, đất với Nhà nước, biên lai thu tiền điện, nước độc lập.

Cũng theo Công văn UBND phường và các tài liệu chứng cứ do tòa án thu thập xác định nhà, đất số 99A Hồ Thị Kỷ do bà Hạnh đứng tên làm chủ hộ khẩu thường trú từ năm 1993 đến nay.

Vì vậy, HĐXX có cơ sở xác định diện tích nhà, đất mà gia đình bà Hạnh đang ở không thuộc diện tích nhà, đất thuộc sở hữu của bà Muôn. Diện tích nhà, đất của bà Muôn sở hữu và bà Hạnh đang quản lý, sử dụng là hai nhà, đất hoàn toàn riêng biệt nên HĐXX không có cơ sở để chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Tháng 11-2020, bà Muôn khởi kiện cho là bà Hạnh lấy chồng và sinh sống ở nơi khác. Do cuộc sống khó khăn nên mẹ cho gia đình chị về ở nhờ bên hông nhà để kinh doanh.

Sau đó, mẹ tặng cho toàn bộ nhà, đất cho bà. Nay bà có nhu cầu lấy lại diện tích của gia đình bà Hạnh đang ở để bán nhà chia đều cho các anh, chị, em trong gia đình nhưng bà Hạnh không đồng ý. Do vậy, bà Muôn yêu cầu tòa án buộc bà Hạnh và những người đang sinh sống trong căn nhà phải trả lại.

Ngược lại, bà Hạnh cho rằng nhà mình đang ở do chồng mua bằng giấy tay từ năm 1978. Gia đình đã sinh sống, buôn bán hơn 30 năm, không tranh chấp với ai…

Trao đổi sau phiên xử, lãnh đạo TAND TP.HCM cho biết đây là phiên xử dân sự đầu tiên theo hình thức trực tuyến tại TP.HCM. Để triển khai, đơn vị chọn vụ án có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng để xét xử trực tuyến.

Phiên tòa được tổ chức tại phòng xử án, có sử dụng các thiết bị điện tử kết nối với nhau thông qua môi trường mạng, cho phép đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại địa điểm ngoài phòng xử án do tòa án quyết định nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia các trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng liên tục, công khai, vào cùng một thời điểm.

Đơn vị cố gắng để việc tổ chức phiên tòa trực tuyến phải tuân thủ các quy định của pháp luật; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng và các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật; bảo đảm sự tôn nghiêm của phiên tòa.

Theo lãnh đạo toà, phiên tòa trực tuyến là nhu cầu, xu hướng tất yếu của hoạt động tư pháp. Việc này phù hợp với thực tiễn và tiết kiệm chi phí xã hội.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm