TP.HCM: Nhiều giải pháp phân loại rác tại nguồn hiệu quả

(PLO)- Nhiều ý kiến cho rằng để thực hiện phân loại rác đạt hiệu quả, một trong những giải pháp là chuyển đổi phương tiện thu gom sao cho phù hợp.

Theo Sở TN&MT TP.HCM, một trong những mục đích của công tác phân loại rác tại nguồn là nhằm giảm thiểu tối đa chi phí (tổng chi phí từ ngân sách nhà nước và xã hội hóa) phải chi trả cho công tác xử lý rác thải phát sinh trong sinh hoạt hằng ngày của người dân trên địa bàn. Để công tác phân loại rác tại nguồn đạt hiệu quả, TP đã đưa ra nhiều giải pháp để thực hiện.

Cần đầu tư phương tiện thu gom rác chuyên nghiệp để phân loại rác đạt hiệu quả.
Ảnh: CHÂU NGUYÊN

Chuyển đổi phương tiện thu gom rác

Ông Nguyễn Hoàng Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Thới Nhất, quận 12, chia sẻ: Để hiệu quả hơn trong công tác phân loại rác tại nguồn, chúng ta cần chuyển đổi phương tiện sao cho phù hợp.

“Công tác phân loại rác trước đây còn gặp một số khó khăn, trong đó có công tác thu gom. Thực tế có một số hộ dân đã phân loại nhưng có một vài đơn vị thu gom không đủ phương tiện, thiết bị để thu gom theo đúng phân loại mà thường gom chung. Vì vậy, việc phân loại rác không mang lại hiệu quả” - ông Hùng nói.

Theo báo cáo của UBND TP.HCM, để chuyển đổi các phương tiện thu gom tại nguồn thô sơ sang phương tiện thu gom đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, UBND TP.HCM đã chỉ đạo các địa phương thực hiện theo các giai đoạn.

Cụ thể, giai đoạn 2020-2021, 100% quận nội thành và khuyến khích một số huyện ngoại thành hoàn thành công tác này. Giai đoạn 2022-2025, các huyện ngoại thành còn lại chuyển đổi phương tiện để đảm bảo hoàn tất công tác này trên toàn địa bàn TP.

Phát triển được mạng lưới tái chế và tái sử dụng rác

GS-TS Lê Thanh Hải, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên (ĐH Quốc gia TP.HCM), đánh giá: Trong 20 năm qua đã có nhiều dự án thử nghiệm phân loại rác tại nguồn ở TP.HCM. Tuy nhiên, những dự án này chỉ mang khởi sự ban đầu để khuyến khích người dân phân loại rác tại nguồn.

“Theo tôi, một trong những cách để phân loại rác tại nguồn có hiệu quả là chúng ta phải phát triển được mạng lưới tái chế và tái sử dụng rác với quy mô lớn. Cụ thể, chúng ta cần xây dựng và nhân rộng các mô hình tái chế chất thải” - GS-TS Lê Thanh Hải nói.

Theo chuyên gia, một trong những cách để phân loại rác tại nguồn có hiệu quả là phải phát triển được mạng lưới tái chế và tái sử dụng rác với quy mô lớn.

Theo Sở TN&MT TP.HCM, theo quy định hiện nay, người dân, doanh nghiệp phát sinh rác thải sinh hoạt hằng ngày phải trả chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý đối với khối lượng chất thải không thể tái chế, sử dụng cho mục đích khác.

Người dân không phải trả chi phí thu gom, xử lý đối với rác thải đã phân loại và có thể mua bán trên thị trường. Quy định này nhằm khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia thực hiện phân loại, thu hồi các sản phẩm có thể tái chế, tái sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày.

Hiện Sở TN&MT cũng đang phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ, Bộ TN&MT để nghiên cứu xây dựng các mô hình, chính sách nhằm nhân rộng các mô hình phân loại, tái chế chất thải.

Một trong những giải pháp mà TP.HCM thực hiện là tuyên truyền, thuyết phục người dân, cộng đồng doanh nghiệp thực hiện phân loại rác tại nguồn phù hợp với điều kiện cụ thể của TP với mục tiêu giảm dần khối lượng chất thải phải thải bỏ.

Các điều kiện cụ thể của TP cần dựa vào đặc điểm cộng đồng dân cư, hạ tầng kỹ thuật phục vụ công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải; yêu cầu về thiết kế, chất liệu bao bì sản phẩm, trang bị loại thùng rác phù hợp, thuận tiện cho việc phân loại.

Ngoài ra, Sở TN&MT cho biết TP dự kiến sẽ phát triển thị trường tiêu thụ, tái chế chất thải.•

Trong tương lai sẽ chế tài nếu không phân loại rác

Tại khoản 1 Điều 26 Nghị định 45/2022 quy định hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt và không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định có thể bị phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng. Trong đó quy định cụ thể chất thải rắn sinh hoạt được phân làm ba loại, lộ trình thực hiện chậm nhất đến ngày 31-12-2024.

Trong Nghị định 45 có đưa ra hình thức chế tài không phân loại rác tại nguồn theo quy định. UBND cấp tỉnh có quyền quyết định việc phân loại cụ thể. Như vậy, sau này sau khi địa phương ban hành quy định triển khai cụ thể việc cá nhân, hộ gia đình phân loại không đúng sẽ áp dụng chế tài.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới