“Không có giấy tờ tùy thân thì chẳng làm được gì cả” là lời tự sự mà chúng tôi nghe được từ rất nhiều người trong quá trình đồng hành cùng bạn đọc đi tìm “danh tính” cho họ.
Hiểu được điều này, rất nhiều cá nhân, cơ quan, tổ chức đã tạo điều kiện, đứng ra giúp đỡ để những người bị vướng giấy tờ tùy thân có thể “danh chính ngôn thuận” hưởng mọi quyền lợi của một công dân. Trong đó phải kể đến các hoạt động của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP.HCM.
“Sợ nhất là con không có giấy tờ, không thể đi học”
Ngày 27-8, anh Nguyễn Hiệp (ngụ quận 3, TP.HCM) cho biết anh vừa nộp bổ sung giấy tờ cho UBND phường 11 (quận 3) về hồ sơ xin đăng ký khai sinh cho cả ba đứa con sau một thời gian dài không thể thực hiện.
Anh Hiệp làm nghề xe ôm, vợ anh phụ bán quán. Vợ chồng anh không có giấy tờ tùy thân, không đăng ký kết hôn và có với nhau ba người con (lần lượt sinh năm 2012, 2018 và 2020).
Lo lắng cho các con đến tuổi đi học nhưng không có giấy tờ, anh và vợ cũng nhiều lần liên hệ với các cơ quan chính quyền để xin làm giấy khai sinh nhưng không được.
Anh Hiệp kể suốt bốn năm anh chị vẫn không thể làm được GKS cho con, trong đó con lớn của anh phải nghỉ học hai năm nay vì không có giấy tờ.
May mắn thay, anh nhờ người hỏi thăm thì được chỉ đến Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP.HCM. Trung tâm đã cử người hướng dẫn và cùng anh làm các giấy tờ, thủ tục.
Thế nhưng muốn hoàn thiện hồ sơ thì cần thực hiện xét nghiệm ADN để nhận cha mẹ cho con. Chi phí xét nghiệm cho cả ba bé quá cao khiến vợ chồng anh một lần nữa rơi vào bế tắc.
Và cũng một lần nữa, sau khi biết được hoàn cảnh khó khăn của anh chị, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP.HCM đã hỗ trợ phần chi phí này.
Khi nhận được kết quả xét nghiệm ADN trong tay, anh rất vui mừng vì các con anh sắp có được giấy khai sinh.
Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP.HCM Huỳnh Tấn Đạt kiến nghị để bảo vệ quyền của trẻ em, cha mẹ nếu không có giấy tờ tùy thân khi đi sinh tại các bệnh viện (BV) hãy để cho họ khai thật về họ tên, năm sinh. Khi một đứa trẻ được sinh ra không chỉ là trách nhiệm của cha mẹ mà còn của cộng đồng.
Do đó, BV nên hỗ trợ cho các bà mẹ (không có giấy tờ tùy thân) được làm giấy chứng sinh. Đồng thời cần lưu trữ dữ liệu tích hợp giấy chứng sinh của BV và phần mềm đăng ký hộ tịch tại UBND cấp xã.
Nói qua điện thoại, giọng anh Hiệp nghẹn ngào: “Em sợ nhất là con em không có giấy tờ, không thể đi học rồi khổ như vợ chồng em. Em mừng lắm, em chỉ biết gửi lời cảm ơn tha thiết đến trung tâm”.
Một trường hợp khác là thời điểm đỉnh dịch COVID-19 năm 2021, khi Sở Tư pháp TP.HCM cử cán bộ đi hỗ trợ địa phương, viên chức của trung tâm phát hiện trường hợp chị N (ngụ quận 1, TP.HCM) mất vì nhiễm COVID-19 nhưng không có giấy tờ tùy thân.
Chị N có con sáu tuổi (chưa đăng ký khai sinh) và không đăng ký kết hôn với cha đứa trẻ. Ngay lập tức, trung tâm cử trợ giúp viên để hỗ trợ.
Trung tâm đã hỗ trợ xác minh thẩm quyền để làm giấy chứng tử cho người mẹ; sau đó tiến hành làm thủ tục xét nghiệm ADN để nhận cha cho con.
Thời điểm đó, do đang trong quá trình dịch bệnh phức tạp, việc vừa phải giúp cho trẻ tuân thủ về giãn cách, đảm bảo sức khỏe, vừa phải liên lạc, trao đổi với các bên gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, nhờ có công tác truyền thông trợ giúp pháp lý và sự giúp đỡ của UBND phường 1 (quận 3) nên việc giải quyết được thuận lợi hơn. Sau hơn ba tháng thì đứa trẻ đã có giấy khai sinh để đi học.
Anh H (cha của bé) cho biết nhiều năm qua, anh vẫn không quên sự giúp đỡ của trung tâm. Ngoài việc hỗ trợ làm giấy khai sinh cho bé, hằng năm trung tâm còn tặng quà hỗ trợ gia đình anh vào những dịp lễ, Tết.
“Bỏ tiền túi” hỗ trợ làm xét nghiệm ADN
Ông Huỳnh Tấn Đạt, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP.HCM, cho biết trên đây là hai trong số hơn 175 trẻ mà trung tâm đã hỗ trợ làm giấy khai sinh (từ đầu năm 2014 đến nay).
Quá trình trợ giúp, theo ông Đạt, khó khăn nhất trong thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ là khi cha hoặc mẹ đã chết và họ không có bất kỳ giấy tờ gì.
Lúc này, để chứng minh mối quan hệ cha/mẹ - con, không thể vận dụng được quy định về người làm chứng (họ hàng hai bên) mà chỉ có cách xác định qua xét nghiệm ADN. Đây cũng là biện pháp được các cơ quan dễ chấp nhận vì sẽ phòng tránh được các trường hợp trẻ em bị bắt cóc để mua bán hay xâm hại.
Tuy nhiên, việc xét nghiệm ADN mất nhiều chi phí. Hiện nay, chi phí xét nghiệm ADN trong trường hợp xác định cha/mẹ cho con là 4-5 triệu đồng/người.
Trong khi đó, những gia đình này thường rất khó khăn, số tiền trên là lớn với họ. Vì vậy, trung tâm đã kêu gọi giảm bớt kinh phí xét nghiệm và tự “bỏ tiền túi” ra để chi trả cho những trường hợp này.
Ngoài việc hỗ trợ về thủ tục, giấy tờ, trung tâm còn đồng hành cùng họ trong cuộc sống. Đối với những gia đình đã được trợ giúp thì vào các dịp lễ, Tết, trung tâm luôn dành những phần quà để giúp đỡ họ bớt khó khăn, mong các em sẽ có cuộc sống đầy đủ hơn và trở thành công dân có ích cho xã hội.
“Bác Hồ từng nói “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên” và thực tế cho thấy nhiều trường hợp trẻ em phạm tội là do học vấn rất thấp, thiếu sự giáo dục từ gia đình và nhà trường.
Vì vậy, trung tâm luôn mong muốn giúp cho các em có đầy đủ giấy tờ để được đến trường, đến lớp như các bạn cùng trang lứa, giúp các em tiếp cận với kiến thức để tự bảo vệ mình hoặc không trở thành tội phạm” - ông Đạt cho hay.
Cũng theo ông Đạt, trước đây các nghị định quy định chưa rõ về đăng ký hộ tịch. Luật Hộ tịch năm 2014 ra đời đã tạo điều kiện hơn trong việc đăng ký khai sinh cho trẻ.
Tuy nhiên, ông Đạt cho rằng vẫn cần có thêm văn bản hướng dẫn cụ thể để cán bộ mạnh dạn hơn, dám nghĩ, dám làm vì mục đích chung là chương trình thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về xóa phổ cập tiểu học làm mục tiêu nhiệm vụ chính trị khi giải quyết hồ sơ.
“Nên bỏ quy định khai sinh tại nơi cư trú của cha hoặc mẹ để khai sinh khi cha mẹ không đăng ký kết hôn mà chỉ cần có ý kiến của cha, mẹ của trẻ về lựa chọn việc đặt tên, xác định dân tộc, quê quán và được đăng ký trên môi trường điện tử theo Đề án 06 (cấp mã số định danh, thẻ căn cước và cấp luôn giấy khai sinh)” - ông Đạt nói.
Hỗ trợ 34 trẻ mồ côi sống tại chùa được làm căn cước
Theo đơn của trụ trì chùa Từ Hạnh (quận Bình Tân, TP.HCM), chùa có nhận nuôi trẻ mồ côi bị bỏ rơi từ nhiều năm. Trong đó có 34 trẻ từ 14 tuổi trở lên nhưng không được cấp căn cước. Nguyên nhân là do chưa rõ được tính pháp lý của đất chùa nên không xác nhận được nơi cư trú.
Nhận được đơn yêu cầu trợ giúp, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP.HCM đã liên hệ với UBND và Công an phường An Lạc, Công an quận Bình Tân để xác nhận nơi cư trú của các cháu.
Trung tâm còn liên hệ trực tiếp và gửi công văn đến nhiều nơi như HĐND TP, Đoàn đại biểu Quốc hội TP vì quyền về tài sản không liên quan đến người cư trú trên đất, phải giải quyết để đảm bảo quyền lợi cho 34 trẻ. Được sự hỗ trợ của nhiều cơ quan, tháng 6-2024, 34 trường hợp này đã nhận căn cước.
Đại diện chùa Từ Hạnh cho biết khi có căn cước, có em làm hồ sơ để đi học, có em bổ túc hồ sơ để tốt nghiệp, có em xin việc làm... và hòa nhập với cộng đồng.
“Chùa cùng các em gửi lời cảm ơn sâu sắc đến trung tâm khi đã hướng dẫn tận tình, cán bộ năng nổ, nhiệt tình và cảm ơn các cơ quan nhà nước đã hỗ trợ. Những đứa trẻ mồ côi đã rất bất hạnh, chỉ mong sao khi có giấy tờ, các em sẽ có được cuộc sống tốt đẹp hơn về sau” - đại diện chùa Từ Hạnh chia sẻ.