Ngày 21-12, Sở Công thương TP.HCM có công văn gửi UBND thành phố Thủ Đức và quận huyện; đơn vị quản lý chợ về việc rà soát, phối hợp thực hiện các giải pháp góp phần gia tăng mãi lực của chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM.
Chợ truyền thống có phần bị thu hẹp
Theo Sở Công thương TP.HCM, chợ truyền thống được xem là loại hình thương mại phổ biến và quan trọng trong hoạt động cung ứng và tiêu thụ hàng hóa của người dân.
Tuy nhiên, hiện nay do sự phát triển mạnh mẽ của loại hình thương mại điện tử (TMĐT) thị phần chợ truyền thống bị thu hẹp đáng kể.
Bên cạnh đó, hoạt động của chợ truyền thống đang gặp phải sự cạnh tranh không lành mạnh từ các điểm, khu vực kinh doanh tự phát xung quanh chợ.
Tuy nhiên, chợ vẫn là nơi đáp ứng chủ yếu nhu cầu tiêu dùng của người dân nên cần thiết phải có nhiều thay đổi. Qua đó, để duy trì hoạt động cũng như nâng dần chất lượng theo xu hướng hiện đại.
Thời gian qua, Sở đã làm việc với UBND các địa phương để rà soát, phân tích nguyên nhân. Đánh giá hiệu quả của những giải pháp, điều chỉnh và lựa chọn giải pháp phù hợp để giúp chợ truyền thống có thể thích ứng, có những mô hình phát triển phù hợp.
Sắp xếp buôn bán tự phát vào các chợ truyền thống
Để nâng cao sức cạnh tranh, duy trì và phát triển chợ truyền thống song hành với các loại hình kinh doanh khác, trước mắt cần tập trung nâng cao chất lượng hoạt động của các chợ.
Sở Công thương đề nghị UBND TP Thủ Đức và quận huyện khẩn trương triển khai các nhóm các giải pháp sau.
Thứ nhất, đánh giá tổng thể tình hình hoạt động của các chợ; điều chỉnh, sắp xếp lại các hoạt động quản lý, kinh doanh tại chợ.
Cụ thể, căn cứ kết quả rà soát, đánh giá, chỉ đạo đơn vị quản lý chợ nghiên cứu, điều chỉnh các khu vực kinh doanh tại chợ trong trường hợp cần thiết và phù hợp với thực tế theo hướng văn minh, phân khu rõ ràng.
Tổ chức bố trí, sắp xếp các trường hợp buôn bán tự phát vào kinh doanh tại các chợ truyền thống còn trống...; ký hợp đồng với các thương nhân kinh doanh tại chợ theo quy định.
Chỉ đạo đơn vị chuyên môn khẩn trương tham mưu, rà soát, bổ sung các hồ sơ pháp lý đối với các chợ (hồ sơ pháp lý đất chợ, quyết định thành lập chợ, quyết định ban hành giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ, nội quy chợ,...).
Tăng cường kiểm tra, phối hợp, hỗ trợ các đơn vị quản lý chợ trong công tác quản lý chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm; niêm yết giá và bán theo giá niêm yết…Đặc biệt, xử lý nghiêm, xử phạt hoặc đình chỉ kinh doanh đối với các trường hợp tái phạm nhiều lần.
Thứ hai là nghiên cứu, triển khai các mô hình kinh doanh phù hợp tại chợ truyền thống.
Cụ thể, để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân và tạo ra nhiều giá trị cho chợ truyền thống, mô hình kinh doanh của chợ đổi mới theo hướng cung cấp sản phẩm đa dạng và chất lượng; cung cấp các dịch vụ bổ sung như tham quan, ẩm thực...
Tổ chức các lễ hội, sự kiện tại chợ để thu hút du khách và người dân; tổ chức các chương trình khuyến mãi, kích cầu mua sắm tại chợ với quy mô phù hợp.
Phát triển chợ điểm theo hướng phục vụ du lịch; xây dựng thương hiệu chợ; gia tăng các giải pháp truyền thông về thương hiệu chợ.
Nâng cao kỹ năng bán hàng cho các hộ kinh doanh, cung cấp dịch vụ đặt hàng, giao hàng trực tuyến, các tùy chọn thanh toán và tiếp thị truyền thông xã hội.
Thứ ba tăng cường xúc tiến, mời gọi các DN có đủ điều kiện, có năng lực tham gia xã hội hóa đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp hệ thống chợ.
Chợ hoạt động không hiệu quả sẽ chuyển đổi công năng
Thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý chợ cho các DN, hợp tác xã kinh doanh, khai thác, quản lý chợ…
Căn cứ kết quả rà soát tổng thể tình hình hoạt động của các chợ trên địa bàn để đánh giá, lựa chọn. Theo đó, các chợ hoạt động không hiệu quả, chợ tạm, chợ có diện tích từ 800-1.000 m2 trở xuống không đáp ứng nhu cầu phát triển chung để chuyển đổi công năng thành các loại hình phân phối phù hợp.
Các chợ có giá trị lịch sử, văn hóa hoặc chợ hoạt động hiệu quả, còn không gian phát triển trên địa bàn để nâng cấp, sửa chữa nhằm đáp ứng nhu cầu trao đổi mua bán của người dân, kết hợp phát triển du lịch.
Thứ tư giải quyết tình trạng kinh doanh tự phát xung quanh các chợ trên địa bàn.
Tập trung giải tỏa các khu vực kinh doanh tự phát, không để tái phát sinh và phát sinh mới nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm...
Xây dựng kế hoạch xóa bỏ dứt điểm các điểm, khu vực kinh doanh tự phát; xác định rõ lộ trình, phương án xóa bỏ hoặc di dời các chợ tự phát.
Các giải pháp xử lý các vấn đề có liên quan như dự kiến địa điểm bố trí, sắp xếp các điểm kinh doanh tự phát vào nơi buôn bán phù hợp, chính sách hỗ trợ nếu có...
Gắn trách nhiệm của chính quyền cơ sở, các cơ quan liên quan trong việc phát sinh cũng như để tái phát các điểm kinh doanh tự phát trên địa bàn.
Thứ năm vận động thương nhân tại các chợ tuân thủ quy định về kinh doanh mua bán động vật, sản phẩm động vật phải có xuất xứ, nguồn gốc, có kiểm dịch, bao bì hàng hóa đúng quy định.
Vận động người dân chọn mua hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; kiên quyết không tiêu thụ các sản phẩm tại các khu vực kinh doanh tự phát…