Ngày 26-12, UBND TP.HCM tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; quán triệt, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Nhiều vấn đề trọng tâm đã được các đại biểu đề cập như tình hình phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM đạt được trong năm 2024; tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công; đặc biệt là câu chuyện sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Phải đối xử hết sức công bằng trong sắp xếp bộ máy
Thông tin tại hội nghị, Giám đốc Sở Nội vụ Võ Quốc Ngọc Thuận cho biết đơn vị này đã tham mưu UBND TP hướng dẫn, triển khai đến các cơ quan, đơn vị xây dựng đề án tổ chức lại, hợp nhất, sáp nhập các cơ quan, đơn vị để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Qua đó, phấn đấu hoàn thành việc sắp xếp trước ngày 20-2-2025.
Đáng chú ý, thực hiện chỉ đạo của Trung ương về việc TP.HCM có không quá 15 sở. Do đó, sau khi sắp xếp, dự kiến TP.HCM giảm từ 21 sở xuống còn 15 sở, giảm 4/8 cơ quan hành chính và giảm 3/35 đơn vị sự nghiệp công lập…
Phát biểu chỉ đạo, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết 18 là yêu cầu bức thiết nhằm tái cấu trúc lại bộ máy, tuyển chọn lại nhân sự. “Ngày 25-12, Bộ Chính trị đã ngồi bàn về chính sách với tổ chức, cá nhân bị tác động. Làm gì làm nhưng chính sách phải công bằng, hợp lý, hài hòa, thỏa đáng” - ông Nguyễn Văn Nên nói.
Theo ông Nên, để sắp xếp các tổ chức bị chồng chéo chức năng, nhiệm vụ cho tinh gọn nhưng phải mạnh thì những cá nhân nằm trong tổ chức cũng sẽ bị ảnh hưởng.
“Lúc này, có một bộ phận phải được tính toán, lựa chọn, sắp xếp, phân công lại. Có người được giữ tiếp, có người phải đổi dời, có người rời đi, phải tính toán rất kỹ” - ông Nguyễn Văn Nên nói và cho biết quá trình tuyển chọn, sử dụng nhân sự là trách nhiệm chung của lãnh đạo, chứ không phải cá nhân họ nên cần phải đối xử hết sức công bằng.
Bí thư TP.HCM lưu ý trong quá trình sắp xếp, cần tính toán sử dụng đúng những người thực tài, có khả năng, trình độ, năng lực, khát vọng cống hiến cho sự nghiệp. Còn những người năng lực yếu hoặc tổ chức không có nhiều ý nghĩa thì phải tính toán lại. “Chúng ta cống hiến thì ở chỗ nào, vị trí nào cũng có cơ hội cống hiến, hãy yên tâm điều đấy” - Bí thư TP.HCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ.
Trao đổi thêm về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết TP.HCM thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo của Trung ương, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chỉ đạo của TP. Thứ Bảy (28-12), Ban Chấp hành Đảng bộ TP sẽ họp, cho ý kiến về phương án, sau đó các cơ quan thực hiện theo kế hoạch.
Các đơn vị thuộc diện sắp xếp, các quận, huyện có đơn vị sắp xếp hay kể cả những đơn vị không thuộc diện sắp xếp vẫn phải tái cơ cấu nội bộ, rà soát quy trình, cải cách để làm sao nâng cao hiệu quả hoạt động. TP sẽ nhận diện và đề xuất với Trung ương sửa đổi các quy định của Đảng, các văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình thực hiện sắp xếp.
UBND TP sẽ phân công Phó Chủ tịch thường trực Dương Ngọc Hải cùng Sở Tư pháp, Sở Nội vụ chủ trì việc này. “Nếu chậm cái này thì rất khó, nhập lại mà không sửa các quy định thì không thể làm việc được” - ông Mãi thông tin.
Hành động ngay để đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số
Đề cập đến tình hình kinh tế - xã hội, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên hoan nghênh tinh thần quyết tâm giải ngân đầu tư công của TP. Trong đó, từ ngày 3-12 đến nay, TP.HCM giải ngân đạt từ 33% tăng lên 63%. Kết quả này thể hiện sự quyết tâm đúng như cam kết thực hiện. “Đề nghị UBND TP nỗ lực trong những ngày còn lại để đạt mục tiêu đã đăng ký” - ông Nên nói.
Về giải ngân đầu tư công, ông cho biết so với giai đoạn 2016-2020, giai đoạn 2021-2024, vốn giải ngân của TP tăng trên 41%. “Khi số vốn tăng như thế mà con người, biện pháp, giải pháp vẫn như thế thì khó có thể không có áp lực thường xuyên” - ông Nguyễn Văn Nên nói và nhìn nhận việc tăng 41% vốn đầu tư công so với hạ tầng của TP thì “không thấm vào đâu” mà có thể tăng hơn thế nữa.
Từ đó, ông đề nghị cần phải có giải pháp đột phá, mạnh mẽ hơn để thực hiện nhiệm vụ nặng nề, chứ đừng nghĩ chỉ cần “giao, nhận và làm”. Từng dự án, từng địa phương, từng chủ đầu tư phải tính toán kỹ.
Còn Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định trong năm 2025 sẽ tập trung cao độ cho việc cải cách hành chính, tăng cường kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả phối hợp trong giải quyết công việc tồn đọng.
Ông Mãi đề nghị dùng công thức 1-3-7 cho việc này. Tức là xử lý, nhận nhiệm vụ và phân công người thực hiện trong một ngày, khi sở được hỏi ý kiến thì ba ngày phải trả lời rõ chính kiến và bảy ngày để thực hiện đối với các công việc lớn, cần thời gian. Đồng thời áp dụng công thức 3-3 đối với các tổ công tác, tức là giải quyết một sự việc và họp không quá ba lần, mỗi lần cách nhau không quá ba tuần.
“Chỉ có nâng cao kỷ cương hành chính mới thực hiện được tinh gọn bộ máy, tháo gỡ khó khăn, tăng trưởng hai con số” - Chủ tịch Phan Văn Mãi nhấn mạnh và đề nghị các cơ quan, đơn vị phải hành động ngay từ bây giờ chứ không chờ đến ngày 1-1-2025. Ông cho rằng muốn TP.HCM tăng trưởng hai con số thì từng sở, ngành, địa phương phải cùng quyết tâm cao chứ không thể đơn lẻ một ngành hay địa phương nào.
Chủ tịch Phan Văn Mãi cũng chỉ rõ hạn chế của hạn chế, điểm nghẽn của điểm nghẽn tại TP.HCM là hiệu quả công tác phối hợp, giải quyết công việc giữa các sở, ngành và quận, huyện mà chủ yếu là giữa các sở, ngành.
Theo ông Mãi, phải nhận thức sâu sắc, trở bộ thật sự ở vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Với một tác phong, lề lối, phương pháp công tác như thế nếu không trở bộ thì cũng không thể tiến vào kỷ nguyên mới.
Theo ông Phan Văn Mãi, lúc này TP gặp rất nhiều sức ép nhưng cũng là lúc TP có nhiều cơ hội nhất. “Bây giờ hay không bao giờ” - ông nói và nhấn mạnh từng thành viên UBND TP, từng người đứng đầu phải đặt câu hỏi này lên trên và trăn trở để giải câu hỏi đó thay vì đặt ra câu hỏi “tôi có nhập hay không, tôi sẽ về đâu”.
Năm 2025, TP.HCM xác định chủ đề năm là “Tập trung sắp xếp tổ chức bộ máy tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh chuyển đổi số, Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội; giải quyết cơ bản những vướng mắc, tồn đọng”.
UBND TP.HCM sử dụng 22 nhóm chỉ tiêu (gồm 31 chỉ tiêu thành phần) kinh tế - xã hội chủ yếu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI và phân chia thành 5 nhóm. Cụ thể, nhóm 7 chỉ tiêu về kinh tế; nhóm 6 chỉ tiêu về văn hóa - xã hội; nhóm 6 chỉ tiêu phát triển đô thị, bảo vệ môi trường; nhóm 2 chỉ tiêu về cải cách hành chính; nhóm 1 chỉ tiêu đảm bảo an ninh.
*****
Tập trung thực hiện nhiều đề án trọng điểm
Năm 2025, TP.HCM phải tập trung các công trình chào đón 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trong đó dự kiến sẽ cơ bản hoàn thành, thông xe đường vành đai 3.
Đáng chú ý, TP cũng sẽ tập trung hoàn thành hồ sơ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về Trung tâm tài chính quốc tế; tập trung đề án đường sắt đô thị; hàng loạt dự án như đường vành đai 2, vành đai 4, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, cầu Thủ Thiêm 4, cầu Cần Giờ, rạch Xuyên Tâm bờ bắc kênh Đôi, cầu đường Nguyễn Khoái, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và khu đô thị biển Cần Giờ…
Đánh giá về kết quả đạt được trong năm 2024 về lĩnh vực hạ tầng giao thông, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP, cho biết TP.HCM đã triển khai ba đề án chiến lược trong lĩnh vực giao thông và cơ bản đạt được kết quả.
Cụ thể, đề án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đã được Thủ tướng phê duyệt. Sau đó, TP đã làm chủ trương đầu tư và nếu thuận lợi thì tuần sau Chính phủ sẽ phê duyệt chủ trương đầu tư này.
Về đề án đường sắt đô thị, TP.HCM đã báo cáo và đang hoàn chỉnh hồ sơ, dự kiến trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 5-2025. Về đề án kiểm soát khí thải, hiện TP đã triển khai giai đoạn 1, phấn đấu kỳ họp HĐND TP.HCM quý I-2025 sẽ thông qua cơ chế, chính sách để đẩy mạnh việc phát triển xe điện, song song đó sẽ triển khai giai đoạn 2 và sẽ trình HĐND TP.HCM trong quý II-2025.
Về các dự án trọng điểm, ông Lâm cho biết trong năm 2024 có 19 dự án và gói thầu đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng; khởi công năm công trình, phê duyệt chủ trương đầu tư 15 dự án. Trong các dự án đã được triển khai, ông Lâm cho biết TP.HCM phấn khởi nhất tuyến metro số 1 đã đưa vào khai thác ngày 22-12, đến nay trung bình đón 40.000 khách/ngày…