TP.HCM sẽ tiếp nhận phản ánh qua Facebook như thế nào?

Sở TT&TT TP.HCM vừa có đề xuất với UBND TP về việc mở rộng kênh tiếp nhận thông tin từ mạng xã hội Facebook cho hệ thống 1022.

Theo đó, người dân sẽ dùng tài khoản Facebook của mình truy cập vào fanpage 1022 tại địa chỉ http://www.facebook.com/1022tphcm và thực hiện nhắn tin phản ánh vào mục tin nhắn của fanpage này.

“Chat” để gửi phản ánh

Chia sẻ về lý do mở rộng thêm kênh thông tin phản ánh về sự cố hạ tầng kỹ thuật đô thị qua Facebook, ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở TT&TT, cho biết thực tế cho thấy Facebook là phương tiện kết nối một cách thuận tiện và nhanh chóng nhất. Do đó, Sở quyết định tận dụng công cụ này để tạo điều kiện tốt nhất cho người dân phản ánh.

Khi fanpage đi vào hoạt động sẽ có hướng dẫn cho người dân để gửi những thông tin nào, về lĩnh vực gì. Trước mắt, người dân có thể phản ánh bằng cách nhắn tin qua Facebook. Hệ thống tự động tiếp nhận, sau đó sẽ có bộ phận lọc và gửi nội dung cho từng đơn vị xử lý. Quy trình giống như xử lý thông tin qua các phương tiện khác.

Hiện hệ thống 1022 có các kênh tiếp nhận qua điện thoại, nhắn tin, gửi email, truy cập cổng thông tin điện tử và sử dụng phần mềm ứng dụng.

Sau khi phản ánh được xử lý xong, hệ thống sẽ gửi tin nhắn qua Facebook đến người dân để thông báo kết quả. Mặt khác, toàn bộ phản ánh và kết quả giải quyết sẽ được công khai trên cổng thông tin của hệ thống 1022 và app trực tuyến trên điện thoại di động.

Người dân sẽ vào fanpage 1022 trên mạng xã hội Facebook bằng máy tính hoặc điện thoại để gửi tin nhắn phản ánh. Ảnh: LÊ THOA

Tăng tính tương tác với dân

Theo phó giám đốc Sở TT&TT, quá trình giải quyết thông tin phản ánh của người dân đều có hệ thống giám sát, đơn vị nào trì trệ xử lý sẽ phải nhắc nhở.

“Nếu tin nhắn phản ánh của người dân rơi vào im lặng thì chắc chắn lần sau họ sẽ không phản ánh nữa. Vì thế, với mỗi tin nhắn qua Facebook sẽ lập tức được phản hồi rằng đã tiếp nhận và đang xử lý thông tin, cám ơn người dân cung cấp” - ông Cường nói.

Từ năm 2016, Công an TP Đà Nẵng đã chính thức đưa vào hoạt động trang Facebook có tên Cảnh sát giao thông CATP Đà Nẵng. Trang có tiếp nhận thông tin về tai nạn giao thông, tình trạng kẹt xe và những bất cập khác từ phía người dân phản ánh.

Tháng 11-2017, chính quyền TP Đà Nẵng cũng đã chính thức lập và ra mắt một fanpage trên mạng xã hội Facebook 1022 tại địa chỉ “Gop Y Da Nang” để tiếp tục tiếp nhận ý kiến phản ánh của công dân ở các lĩnh vực. 

Theo đó, tùy vào tính chất từng vụ việc, có vụ phải giải quyết ngay. Ví dụ thời gian cho xử lý sự cố điện là 10 phút, sự cố đường bộ là 24 giờ, vụ cháy thì xử lý càng nhanh càng tốt.

 “Cái lợi của Facebook là sẽ mang lại hiệu ứng tích cực khi người dân có thể chia sẻ thông tin nhanh chóng. Chưa kể đây là kênh tương tác cả hai chiều, người dân có thể phản ánh và TP có thể gửi những thông tin tuyên truyền cho người dân” - ông Cường nhìn nhận.

Lần này, Sở TT&TT đã đề xuất với TP tích hợp phần mềm đường dây nóng (0888.247.247 và phần mềm 1022. Như vậy, qua kênh Facebook này, người dân cũng có thể hiến kế cho TP các vấn đề liên quan đến hạ tầng kỹ thuật đô thị; sau đó sẽ mở rộng thêm nhiều lĩnh vực khác như môi trường, trật tự đô thị để phục vụ nhu cầu của người dân.

Tính đến tháng 8-2018, hệ thống 1022 đã nhận được khoảng 90.000 lượt phản ánh sự cố hạ tầng kỹ thuật đô thị, 590.000 lượt phản ánh dịch vụ xe buýt.

6 lĩnh vực được hệ thống 1022 tiếp nhận

1. Hạ tầng giao thông: Các sự cố về sụt lún mặt đường; hố “tử thần”; ổ gà, ổ voi; hư hỏng hoặc mất biển báo giao thông…

2. Cấp và thoát nước: Các trường hợp bể ống cấp nước; nước tràn ra mặt đường; ngập nước; hệ thống thoát nước bị nghẹt; cống bể; mất nắp cống; nắp cống gập ghềnh, sụp cống; nắp hố ga hư hỏng…

3. Chiếu sáng: Các sự cố về gãy/đổ cột đèn chiếu sáng; rò rỉ điện; đèn không sáng; đèn sáng ngày tắt đêm; đèn sáng, tắt liên tục; mất đèn chiếu sáng…

4. Cây xanh: Trường hợp cây bật gốc ngã đổ; cành nhánh gãy; cây bị chặt phá; cây rỗng mục chết khô; cây bị xe đụng ngã; cây nghiêng bật gốc…

5. Điện lực, viễn thông: Sự cố gãy đổ cột điện; đứt cáp viễn thông, cáp điện; dây cáp chùng, võng, không đúng độ cao quy định; tủ cáp ngã/đổ/nghiêng, sụp/lún hầm cống cáp; nắp hầm cáp gập ghềnh…

6. Giao thông công cộng: Phản ánh thái độ phục vụ của nhân viên xe buýt và tra cứu thông tin về xe buýt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm