TP.HCM: Sớm mở đường tạo cú hích cho khu Tây Bắc phát triển

(PLO)- Hạ tầng khu Tây Bắc TP.HCM được đầu tư đúng tầm sẽ là nền tảng và tạo cú hích cho khu vực này phát triển mạnh mẽ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

TP.HCM đang từng bước phát triển hạ tầng giao thông kết nối trung tâm với khu Tây Bắc. Các dự án xây mới, mở rộng đường sẽ tạo nên mạng lưới liên thông cho vùng khi kết nối liền mạch tới các tỉnh Long An, Bình Dương, Tây Ninh.

Sơ sẩy là tai nạn với xe container

Quốc lộ 22 (QL22) là tuyến trục chính từ trung tâm TP về khu Tây Bắc hiện nay. Tuy nhiên, tuyến đường này đang quá tải, xuống cấp và thường xuyên kẹt xe nghiêm trọng tại các nút giao với đường Nguyễn Ảnh Thủ, Nguyễn Văn Bứa…

Anh Phan Văn Lâm (ngụ đường Nguyễn Ảnh Thủ) cho biết 7 giờ 30 mỗi sáng anh đều phải thông qua giao lộ QL22 - Nguyễn Ảnh Thủ mới lấy được hàng về bán. Giao lộ cách nơi lấy hàng chỉ vài trăm mét nhưng để vượt qua, anh phải len lỏi giữa rất nhiều xe container.

Quốc lộ 22, tuyến đường duy nhất kết nối TP.HCM với Tây Ninh, thường xuyên có rất nhiều ô tô và container lưu thông. Ảnh: VÕ NGUYÊN

Quốc lộ 22, tuyến đường duy nhất kết nối TP.HCM với Tây Ninh, thường xuyên có rất nhiều ô tô và container lưu thông. Ảnh: VÕ NGUYÊN

“Nhiều khi bị lọt thỏm trong dòng xe container nối dài, sơ sẩy là tai nạn với xe container liền. Mong chính quyền thúc đẩy mở rộng tuyến đường này” - anh Lâm nói.

Bên cạnh đó, nhiều tuyến đường chính như Nguyễn Văn Bứa, Nguyễn Ảnh Thủ… kết nối huyện Hóc Môn, Củ Chi với các tỉnh lân cận cũng đang trong tình trạng xuống cấp, quá tải, chưa được đầu tư mở rộng.

Để giải quyết những hạn chế về hạ tầng, TP đang có kế hoạch cải tạo, mở rộng nhiều dự án kết nối khu vực Tây Bắc. Điển hình như dự án cải tạo, nâng cấp QL22 (đoạn từ nút giao An Sương đến đường Nguyễn Văn Bứa, huyện Hóc Môn). Dự án có tổng số vốn 934 tỉ đồng bao gồm các cầu vượt tại hai nút giao QL22 - Nguyễn Ảnh Thủ và QL22 - Nguyễn Văn Bứa.

Theo Ban quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông (Ban giao thông), dự án mở rộng đường Nguyễn Văn Bứa (đoạn ngã ba Giồng - cầu TL9) và xây dựng cầu Lớn tổng số vốn lên đến 2.400 tỉ đồng. Hiện UBND TP.HCM chưa giao nhiệm vụ cho Sở GTVT lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Một dự án có tổng số vốn đến 3.700 tỉ đồng là xây dựng đường song hành Phan Văn Hớn (huyện Hóc Môn), HĐND TP chưa thông qua chủ trương đầu tư công. Ban giao thông đang đề xuất tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án bằng vốn ngân sách TP trong kế hoạch đầu tư trung hạn 2021-2025.

“Không thể thiếu dự án kết nối vùng”

Trao đổi với PV, ông Lê Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Ban giao thông, đánh giá: Hạ tầng khu Tây Bắc TP đang rất hạn chế, chưa có liên kết vùng.

Với các dự án trên, ông Hùng thông tin: Đa phần các dự án đều đang ở bước đề xuất chủ trương đầu tư. Nếu được bố trí vốn trung hạn sớm thì dự kiến các dự án sẽ thực hiện hoàn thành trong giai đoạn 2022-2025.

Nếu được bố trí vốn trung hạn sớm thì dự kiến các dự án sẽ thực hiện hoàn thành trong giai đoạn 2022-2025.

Theo ông Hùng, điều đầu tiên là cần có kế hoạch vốn cụ thể và tiếp sau đó là Ban giao thông sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương để giải phóng mặt bằng thực hiện dự án.

“TP nên sớm xây dựng cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, mở rộng QL22 và các tuyến nhánh kết nối các vành đai (song hành Phan Văn Hớn, đường Nguyễn Văn Bứa, đường Hà Duy Phiên…) để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực tây bắc nói riêng cũng như TP.HCM nói chung” - ông Hùng nói.

Nói về kết nối với các tỉnh lân cận, ông Hùng chia sẻ: Để tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, không thể thiếu các dự án kết nối vùng. Theo đó, ngoài các dự án quan trọng nói trên, TP đang cho triển khai thực hiện các công trình trọng điểm để kết nối với Long An, Bình Dương, Tây Ninh. Điển hình đường vành đai 3, vành đai 4; những tuyến đường kết nối các khu đô thị: Tây Bắc (thông qua tỉnh lộ 8), Trảng Bàng (thông qua ĐT.787, ĐT.782), Gò Dầu - Hòa Thành (thông qua QL22B), khu du lịch Núi Bà Đen (thông qua ĐT.782).

Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị, khu vực Tây Bắc TP hiện nay chưa được đầu tư đúng mức. Hạ tầng khu vực này phát triển khá chậm, làm kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội, đô thị… gây khó khăn cho việc lưu thông của người dân.

“Vì vậy, chủ trương thực hiện các dự án theo quy hoạch của ngành giao thông là cần thiết để mở các nút thắt khu vực này. TP nên có kế hoạch phê duyệt đầu tư để sớm khởi công và hoàn thành các dự án” - ông Sơn nhận định.

Ngoài ra, theo ông Sơn, khi thực hiện dự án khu tây bắc không chỉ tập trung vào đường cao tốc hay các dự án nút giao mà cần nghiên cứu các tuyến đường song hành để giảm áp lực giao thông cho toàn khu vực.•

Quận, huyện mong chờ dự án kết nối vùng

Đại diện UBND quận 12 đánh giá nếu hệ thống hạ tầng đồng bộ, giao thông thuận tiện, tăng khả năng kết nối liên tỉnh, liên kết vùng tới các tỉnh như Long An, Tây Ninh, Bình Dương và Ðồng Nai… khu Tây Bắc sẽ phát triển mạnh mẽ hơn. Những tuyến đường liên kết này phải nhắc đến dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, vành đai 3, QL22.

UBND huyện Củ Chi cũng cho rằng tỉnh lộ 8, tỉnh lộ 15... hiện đã quá tải, kém an toàn. Hạ tầng bên ngoài chật hẹp khiến việc vận chuyển hàng hóa không thuận lợi. Thời điểm này TP đang thúc đẩy khép kín đường vành đai 3, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. Nếu được đầu tư sớm sẽ giảm bớt ùn tắc, tạo sự liên kết liền mạch cho vùng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm