“Thời gian qua, ngành giao thông triển khai nhiều dự án theo hình thức BT (xây dựng-chuyển giao - PV). Nếu ngành không có những cách làm riêng mà theo quy định chung thì sẽ không có dự án nào làm được”. Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Bùi Xuân Cường nói tại hội thảo trao đổi về công tác quản lý dự án theo hình thức đối tác công-tư do UBND TP.HCM tổ chức ngày 7-11.
Khó chồng khó
Ông Cường cho rằng khó khăn lớn nhất khi tiến hành dự án chính là trình tự, thủ tục theo quy định quá nhiều, quá phức tạp.
Lấy ví dụ về việc bổ sung các hạng mục trong dự án cầu vượt trên quốc lộ 1, tỉnh lộ 22, các nút giao Lê Trọng Tấn, ông Cường cho biết việc bổ sung các tuyến đường này rất hiệu quả về mặt giao thông. Tuy nhiên, để bổ sung các hạng mục này thì phải báo cáo Thủ tướng cho phép mới được làm.
Phân tích kỹ hơn tại dự án cầu Phú Mỹ, ông Cường cho biết thời gian qua cầu Phú Mỹ được gọi là “cầu tử thần” do có nhiều tai nạn. Phương án mà Sở GTVT và chủ đầu tư đưa ra là bỏ thêm 14 tỉ đồng để lắp camera giám sát tốc độ. Việc này chỉ nằm trong tầm tay nhưng thực hiện không hề dễ. Bởi muốn bổ sung hạng mục nào thì phải lập báo cáo, gửi xin ý kiến Thủ tướng đồng ý mới được làm.
Cầu Sài Gòn 2 là một dự án làm theo hình thức BT, hiện luôn khá thông thoáng. Ảnh: L.ĐỨC
“Dự án đã sẵn sàng, nhà đầu tư cũng sẵn sàng nhưng nếu TP chấp thuận cho làm thì lại sai thẩm quyền. Trong khi nhà đầu tư làm văn bản báo cáo Thủ tướng thì rất lâu” - ông Cường nêu.
Từ phía doanh nghiệp (DN), bà Nguyễn Mai Bảo Trâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng TP.HCM, cho hay Luật Đấu thầu hiện nay quy định rất chi tiết nhưng chỉ áp dụng tốt cho công tác đấu thầu thi công và rất khó áp dụng cho các dự án BT.
Theo bà Trâm, các dự án thực hiện theo mô hình đối tác công-tư, hợp đồng BT đa phần là các dự án có vốn đầu tư lớn. Thời gian lập dự án cũng thường kéo rất dài, 24-26 tháng. Trong khi đó, trong hợp đồng BT có ràng buộc không tính trượt giá theo tổng mức đầu tư được duyệt, gây khó khăn cho DN. Không những thế, hiện nay các dự án BT chủ yếu thực hiện theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng trong khi DN thì rất ngán việc bồi thường giải phóng mặt bằng. “Chẳng hạn như dự án mở rộng xa lộ Hà Nội, chúng tôi khởi động từ năm 2009, đến nay đã tám năm vẫn chưa được giao hết mặt bằng” - bà Trâm nói.
Nên hạn chế đổi đất lấy hạ tầng theo kiểu hàng đổi hàng mà thực hiện đổi tiền mặt lấy hạ tầng. Nghĩa là bán đấu giá độc lập quyền sử dụng đất rồi lấy tiền thanh toán hợp đồng BT theo tiến độ. TP không nên vội vã làm dự án BT khi chưa có quỹ đất sạch. TS HUỲNH THẾ DU, ĐH Fulbright Việt Nam |
Hạn chế “hàng đổi hàng”
Theo TS Huỳnh Thế Du, Giám đốc Chương trình MPP - ĐH Fulbright Việt Nam, việc khai thác các nguồn thu từ đất là rất quan trọng đối với TP.HCM. TS Du tính toán đến năm 2045 TP sẽ phải xây dựng hơn 4.000 km đường và hơn 300 km tàu điện ngầm. Tuy nhiên, nguồn lực hiện tại của TP chỉ có 25.000 tỉ đồng (hơn 1 tỉ USD) cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng. TS Du nhấn mạnh phương thức BT, khai thác các nguồn thu từ đất vẫn là có tiềm năng nhất, tuy nhiên cũng có nhiều rủi ro đi kèm.
Theo ông Du, thời gian qua, các dự án BT thường làm theo cách “hàng đổi hàng”, nghĩa là đổi đất lấy hạ tầng. Khi hàng đổi hàng thì chủ đầu tư có hai lần lợi thế. Lần thứ nhất là tính giá trị dự toán của công trình, lợi thế thứ hai là việc định giá BT thường là theo phương thức chỉ định thầu. Trong khi đó, các nhà đầu tư lại có khuynh hướng dựa dẫm quá nhiều vào tiền vay ngân hàng do năng lực tài chính không đảm bảo. Khi lãi suất ngân hàng biến động, lập tức tiến độ dự án bị ảnh hưởng, tính rủi ro tăng cao.
Vẫn có mặt trái Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho rằng thời gian qua ngành giao thông tại TP.HCM có dự án thực hiện theo hình thức PPP, hợp đồng BT nhiều nhất. Mô hình này cũng đã giải quyết được nhiều vấn đề về hạ tầng đô thị. Tuy nhiên, chủ tịch UBND TP cũng nhìn nhận mô hình này cạnh đó vẫn còn những mặt trái và bất cập. Ông Phong cũng nhìn nhận nhu cầu đầu tư của TP từ nay đến năm 2020 cần khoảng 850.000 tỉ đồng, trong khi đó TP chỉ có thể đáp ứng 20%. Do đó việc huy động nguồn lực để khai thác nhu cầu này phải tính toán chặt chẽ. Sau hội thảo này, TP sẽ tiếp tục họp với các cơ quan liên quan để có dự thảo liên quan đến việc đầu tư phát triển theo hình thức PPP, hợp đồng BT trình Thành ủy xem xét. |