TP.HCM ứng phó nguy cơ xâm nhập dịch tả heo châu Phi

(PLO)- TP.HCM đang triển khai nhiều biện pháp ứng phó với dịch tả heo châu Phi để ngăn chặn các nguy cơ xâm nhập.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, từ đầu năm đến nay, cả nước đã xuất hiện trên 530 ổ dịch tả heo châu Phi ở 44 tỉnh, TP và đã tiêu hủy hơn 20.000 con heo. Dịch tả heo châu Phi đang có chiều hướng gia tăng từ tháng 8 đến nay.

Ngày 16-11, Thủ tướng Chính phủ vừa ra công điện khẩn yêu cầu UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo và triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch tả heo châu Phi. Trên tinh thần đó, TP.HCM đã vào cuộc.

Liên tiếp phát hiện giết mổ heo chui

Mới đây, cơ quan thú y cùng các ngành liên quan ở TP.HCM đã kiểm tra, phát hiện và xử lý hai con heo sống của ông NVV đang nhốt trong chuồng chờ giết mổ tại địa bàn phường 12, quận Gò Vấp, TP.HCM.

dịch tả heo Châu Phi
TP.HCM đang nỗ lực ứng phó nguy cơ xâm nhập dịch tả heo châu Phi. Ban Quảng lý An toàn thực phẩm TP.HCM kiểm tra thịt heo đưa vào kinh doanh ở chợ đầu mối. Hóc Môn. Ảnh: TRẦN NGỌC

Ông V khai heo được mua từ tỉnh Bình Dương nhưng không có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật. Sau khi ký vào biên bản vi phạm hành chính, ông V đã tự nguyện tiêu hủy số heo nói trên.

Cũng tại phường 12, quận Gò Vấp, đoàn kiểm tra phát hiện và xử lý 25 con heo sống nhốt trong chuồng chờ giết mổ tại một hộ khác.

Ban quản lý ATTP TP.HCM đã lấy một số mẫu thịt heo kinh doanh tại ba chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn và Thủ Đức để xét nghiệm dịch tả heo châu Phi nhưng chưa phát hiện.

Ban quản lý vẫn đang tiếp tục lấy mẫu thịt heo xét nghiệm để đảm bảo người dân TP.HCM luôn được sử dụng an toàn nguồn thịt này.

PGS-TS PHẠM KHÁNH PHONG LAN, Trưởng Ban quản lý ATTP TP.HCM

Toàn bộ số heo nói trên được bà MTT mua từ tỉnh Đồng Nai nhưng không có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật. Ngoài lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, đoàn kiểm tra còn lấy mẫu máu heo để xét nghiệm dịch tả heo châu Phi.

Sau khi có kết quả âm tính, đoàn kiểm tra chuyển số heo nói trên tới cơ sở giết mổ tập trung và có sự kiểm soát của cơ quan thú y.

Tương tự, cơ quan thú y cùng các ngành liên quan ở TP.HCM đã kiểm tra và phát hiện 26 con heo sống của ông NQV đang nhốt trong chuồng chờ giết mổ tại phường 15, quận Gò Vấp. Đoàn kiểm tra còn ghi nhận 30 kg phụ phẩm heo để trực tiếp trên nền sàn dơ bẩn, đọng máu và nước thải.

Ông V khai toàn bộ số heo nói trên không có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật và được mua từ tỉnh Bình Phước. Sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính với dịch tả heo châu Phi, số heo nói trên được đưa tới cơ sở giết mổ tập trung. Riêng 30 kg phụ phẩm heo, ông V tự nguyện tiêu hủy do không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.

TP.HCM quyết liệt ngăn chặn dịch tả heo châu Phi

Ông Lê Việt Bảo, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM, cho biết dịch tả heo châu Phi hiện đang bùng phát ở nhiều tỉnh, thành, trong đó có cả địa phương gần TP.HCM nên nguy cơ lây lan là điều khó tránh khỏi.

“Do vậy, TP.HCM đang thực hiện nhiều giải pháp ứng phó với dịch bệnh này. Trong đó, việc kiểm tra và giám sát tình hình giết mổ heo trái phép trên địa bàn là một trong những giải pháp trọng tâm. Ngoài những trường hợp giết mổ trái phép nói trên, TP.HCM vẫn đang tiếp tục giám sát tình trạng này trên địa bàn” - ông Lê Việt Bảo cho biết.

TP.HCM chỉ đạo Sở NN&PTNT hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi tập trung thực hiện những biện pháp vệ sinh, tiêu độc khử trùng; tăng cường các biện pháp chăm sóc, nuôi dưỡng, nâng cao sức đề kháng cho đàn heo; tuyệt đối không nhập con giống không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch. Các cơ sở chăn nuôi phải thực hiện nghiêm việc tiêm phòng và kiểm soát tốt nguồn thức ăn, phương tiện vận chuyển ra vào trại; khai báo ngay với cơ quan thú y khi phát hiện heo có dấu hiệu bệnh dịch tả heo châu Phi, không tự ý xử lý.

“TP.HCM còn chỉ đạo Sở NN&PTNT đẩy mạnh tiến độ tiêm phòng cho đàn heo; giám sát chặt chẽ tình hình chăn nuôi và dịch tễ trên địa bàn; bắt buộc các cơ sở chăn nuôi thực hiện nghiêm việc khai báo dịch tễ định kỳ, nguồn heo xuất, nhập đúng quy trình kiểm dịch; xử lý nghiêm các trường hợp nhập heo không rõ nguồn gốc vào cơ sở chăn nuôi” - ông Bảo cho biết thêm.

Đối với Sở Công Thương, TP.HCM chỉ đạo chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT chủ động làm việc với các tỉnh có cung cấp nguồn heo sống, sản phẩm thịt heo để xác định nguồn heo an toàn cho phép vận chuyển vào TP.HCM giết mổ, tiêu thụ; không cho nguồn heo bệnh xâm nhập vào địa bàn TP.

“TP.HCM còn yêu cầu Sở Công Thương chỉ đạo ban quản lý các chợ chủ động kiểm tra, phát hiện, phối hợp với các ngành chức năng xử lý nghiêm những trường hợp kinh doanh thịt heo, phủ tạng, các sản phẩm có nguồn gốc thịt heo không rõ nguồn gốc” - ông Bảo nói.

Ngoài ra, Ban quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM chỉ đạo các đội thanh tra ATTP tăng cường kiểm tra nguồn thịt heo tại các chợ đầu mối; phối hợp với các đoàn kiểm tra liên ngành quận, huyện kiểm tra nguồn gốc sản phẩm thịt heo đông lạnh tại các kho bảo quản; xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, chế biến sử dụng nguồn thịt heo không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch.

Tiền Giang lập chốt kiểm soát dịch tả heo châu Phi

Từ cuối tháng 10 đến nay, 15 ổ dịch tả heo châu Phi đã bùng phát tại xã Xuân Đông (huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) với hơn 300 con heo bị tiêu hủy.

UBND xã Xuân Đông đã lập bốn chốt kiểm soát dịch tả heo châu Phi tại đầu tuyến đường vào xã và ngã ba, ngã tư giáp ranh với các xã khác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm