Đây là một trong ba TYT tại TP.HCM được Bộ Y tế chọn làm TYT điểm. Hai TYT còn lại là TYT phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức và TYT xã Thạnh An, huyện Cần Giờ.
Báo cáo tại buổi làm việc, BS Lâm Phước Chí, Trạm trưởng TYT phường Tân Quý, quận Tân Phú, cho biết thực hiện mô hình TYT điểm, TYT đã đầu tư cơ sở vật chất, phát triển đội ngũ nhân lực. Hiện nay trạm đã quản lý hồ sơ hơn 400 bệnh án, quản lý bệnh không lây. So với cùng kỳ năm 2018, số lượt người bệnh khám và chăm sóc sức khỏe tại trạm đã tăng gấp hai lần. Theo đó, mỗi ngày TYT thu hút khoảng 70 người dân đến khám, so với trước đó chỉ 30 người, trong đó 50% là bệnh huyết áp và tiểu đường. Tuy nhiên, TYT vẫn gặp một số khó khăn như theo phân cấp kỹ thuật bệnh viện, dù TYT có đủ năng lực làm một số xét nghiệm nhưng do bảo hiểm y tế chưa hỗ trợ nên phải chuyển người dân lên trung tâm y tế huyện thực hiện, gây mất thời gian và e ngại cho người dân.
Có mặt tại buổi làm việc, ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết ngoài ba TYT điểm được Bộ Y tế đầu tư kể trên thì TP.HCM cũng đã quyết định đầu tư thêm 21 TYT theo mô hình điểm, nâng tổng số ở mỗi quận, huyện đều có một TYT điểm. Để thu hút người dân khám bệnh kết hợp quản lý sức khỏe, các bác sĩ tuyến quận/huyện và TYT đã thường xuyên luân phiên hai chiều để học hỏi kinh nghiệm thực tế, phục vụ người dân tốt hơn.
Phát biểu chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định: Hiện nay, 90% nhu cầu về sức khỏe của người dân chủ yếu là chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Khảo sát một số TYT thí điểm, bộ trưởng đánh giá cao hoạt động phát triển TYT theo nguyên lý y học gia đình, tiến tới quản lý hồ sơ sức khỏe, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Bộ trưởng Tiến đề nghị sau chuyến khảo sát thực tế tại các trạm, mỗi đại diện vụ, cục cần có những đánh giá cụ thể về thiếu sót, cần bổ sung để hoàn thiện chuẩn mô hình điểm cho tất cả TYT điểm trên cả nước ở mọi lĩnh vực như nhân sự, bố trí cơ sở hạ tầng, truyền thông, công nghệ thông tin, tài chính.