Trăn trở của ứng cử viên Nguyễn Thị Hồng Hạnh

“Để dân tin, dân mến, tôi nghĩ người đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phải gương mẫu về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, trung thực, thẳng thắn, nói ít làm nhiều và biết giữ lời hứa với người dân” - ứng cử viên ĐBQH khóa XV, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Nguyễn Thị Hồng Hạnh đã chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM như vậy sau buổi vận động bầu cử tại đơn vị bầu cử số 4 (quận 10 và quận 12, TP.HCM).

Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM.
Ảnh: HOÀNG GIANG

Pháp luật phải gần gũi đời sống

 Phóng viên: Thưa bà, về chương trình hành động, bà tâm đắc và chú trọng điều gì nhất?

Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh: Tôi được Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XV. Dù trúng cử hay không,  tôi vẫn mong muốn có cơ hội được vận dụng tối đa kiến thức và kinh nghiệm công tác để góp sức vào công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền nói chung và vì sự phát triển của TP.HCM nói riêng.

Nếu được cử tri tín nhiệm bầu làm ĐBQH, tôi tâm huyết với việc được tham gia thực hiện chức năng lập hiến, lập pháp của QH. Tôi nhận thấy công tác lập pháp có những vấn đề cần phải hoàn thiện. Chẳng hạn, vấn đề về đảm bảo thống nhất giữa các quy định pháp luật chưa cao, quy định về thẩm quyền, chức năng giữa các cơ quan…

Một số quy định pháp luật chưa kịp thời điều chỉnh các quan hệ xã hội mới phát sinh. Riêng tại TP.HCM, tôi nhận thấy còn rất nhiều vấn đề xã hội cần được pháp luật quy định.

Do đó, tôi mong muốn và luôn trăn trở những giải pháp lập hiến, lập pháp để pháp luật ngày càng sát thực tế.

Tôi được đào tạo về chuyên ngành luật nên có kiến thức cơ bản về lý luận để thực hiện nhiệm vụ này. Đồng thời tôi đã có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong việc xây dựng pháp luật tại địa phương. Quá trình tham mưu cho TP, tôi nắm bắt được những bất cập, vướng mắc, chồng chéo trong các quy định pháp luật hiện hành; những yêu cầu thực tiễn năng động của TP. Đây là những cơ sở để tôi đề xuất giải pháp hoàn thiện quy định pháp luật.

Tham mưu sát sườn những vấn đề nóng

. Bà đánh giá thế nào về công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực tư pháp?

+ Đối với mảng cải cách hành chính tại Sở Tư pháp, tôi nhận thấy những kết quả nổi bật trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và hiện đại hóa nền hành chính.

Hiện nay, ngành tư pháp TP quản lý khoảng 259 TTHC trên phạm vi ba cấp chính quyền. Rất nhiều thủ tục liên quan đến việc thực hiện quyền và lợi ích hợp pháp của công dân như đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn…

Sở Tư pháp đã tập trung gắn cải cách TTHC với công tác ứng dụng công nghệ thông tin; chuẩn hóa quy trình thủ tục, minh bạch, công khai thông tin TTHC; áp dụng các quy trình thủ tục kết hợp; hoặc liên thông với các cơ quan khác; phối hợp với các cơ quan bưu chính triển khai nhận và trả kết quả giải quyết TTHC tại nhà. Những thành công này đã góp phần giảm tỉ lệ hồ sơ trễ hạn, dần nâng cao tỉ lệ hài lòng của người dân.

Tuy nhiên, công tác cải cách hành chính của ngành vẫn còn những hạn chế. ngành tư pháp TP đã và đang tập trung nghiêm túc và quyết liệt chấn chỉnh, khắc phục trong thời gian tới.

. Thưa bà, với kinh nghiệm 23 năm làm công tác tư pháp, bà nhận thấy đóng góp nổi bật của ngành tư pháp TP.HCM trong những năm gần đây là gì?

+ TP.HCM là TP năng động, đi đầu trong đổi mới và sáng tạo. Việc xây dựng cơ chế, tạo hành lang pháp lý giúp TP phát huy tối đa tiềm năng, tiềm lực để phát triển, giữ vững vai trò đầu tàu cho cả nước.

Thời gian qua, ngành tư pháp TP có những đóng góp tích cực, có trách nhiệm vào việc tham mưu cho chính quyền xây dựng các đề án trình QH và Ủy ban Thường vụ QH. Trong đó phải kể đến ba văn bản quan trọng là Nghị quyết 54/2017, Nghị quyết 131/2020 và Nghị quyết 1111/2020.

Ba nghị quyết trên tạo sự chuyển biến mạnh về sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ chế tài chính, tăng mạnh việc phân cấp ủy quyền trong quản lý nhà nước trên địa bàn TP. Sau khi các nghị quyết có hiệu lực, ngành tư pháp cùng với các ngành khác đã tập trung tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai thực hiện.

. Xin cám ơn .

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm