Tránh bẫy lừa đảo qua mạng, qua điện thoại: 5 không và 5 nên làm

(PLO)- Không ai cho không ai cái gì bao giờ, nhất là những người bạn mới quen trên mạng.

Thật ra, người dân không ai lại không biết cảnh giác những chiêu trò lừa đảo trên mạng, trên điện thoại…Nhưng bọn lừa đảo với cách lừa đảo thiên hình vạn trạng, nên tuy cảnh giác, thi thoảng cũng không ít người phải sập bẫy. Có trường hợp sập bẫy, bẫy chồng bẫy.

Bài viết này tôi xin kể lại một trong vài trường hợp lừa đảo xưa như trái đất điển hình mà chính bản thân tôi bị bọn lừa đảo đưa vào tầm ngắm, để qua đây từng người sẽ rút ra 1 một quy luật chung nhất tránh lừa đảo, lừa đảo mạng.

Lừa đảo đánh vào lòng tham

Câu chuyện như sau. Một buổi sáng tôi được “chọn” làm con mồi của bọn lừa đảo mạng.

Vụ việc là tôi vừa nhận được một messenger trên facebook với nội dung vô cùng “phấn khởi”:

“Xin chúc mừng tài khoản messenger của [T…N..] đã may mắn nhận được giải nhất từ sự kiện tuần lễ tri ân khách hàng năm 2018… Phần quà giải nhất của chị (tôi mà là…chị à- N.V) gồm: 01 xe máy Honda SH 150i; 01phiếu quà tặng trị giá 200 triệu tiền mặt… do tập đoàn facebook(?) tổ chức…”. Với chừng ấy phần thưởng tôi đã có của từ trên trời rơi xuống…300 triệu rồi.

Những phần linh tinh sau đó chúng hướng dẫn tôi phải làm theo trình tự là: Truy cập vào website TraoQua 548.com làm thủ tục đăng ký và hoàn tất hồ sơ nhận thưởng; liên hệ tổng đài CSKH (08) 96 211 xxx và cuối cùng messenger.

Cuối cùng chúng không quên nhắc nhở: Đừng cung cấp mã số trúng thưởng cho ai, tin nhắn này thay thư mời trực tiếp và chúc mừng tôi. Một trò lừa cũ rích tôi quá rành!

Cảnh báo lừa đảo cùa chính quyền cấp cơ sở được cập nhật qua Zalo

Qui trình lừa đảo

Trước hết, để con mồi dễ sập bẫy, chúng đưa ra món hời trúng thưởng khoảng không dưới 300 triệu. Với khoản tiền từ trên trời rơi xuống này thì con mồi như tôi dễ dàng ứng trước cho chúng vài ba triệu. Tốn vài triệu để có vài trăm triệu, ai lại không làm?

Sau đó chúng tiếp tục nêu ra hàng tá lý do, con mồi cứ “cuốn theo chiều gió “tiếp tục ứng tiền tiếp để nhận quà. Con mồi nào “ngây thơ” thì cứ sập bẫy tiếp. Con mồi nào phát hiện đây là chiêu lừa thì dừng lại.

Cho dù rơi vào trường hợp nào thì chúng cũng đã bỏ túi vài triệu tới vài chục triệu rồi.

Bọn lừa đảo là những tên thầy bói “sành” tâm lý. Chúng thành công trong nhiều chiêu lừa mà tôi có dịp đọc qua, vì chúng biết đánh vào lòng tham con người.

Chúng chỉ giăng bẫy với phần trúng thưởng khoảng vài trăm triệu. Một con số vừa đủ để con mồi cảm thấy đây là số tiền có “thật” để trúng, không lớn để con mồi nghi ngờ.

Chúng tạo ra sự tin cậy cho “con mồi” như tạo một mã số (như mã số thật) trúng thưởng hẳn hoi, trang web cụ thể, số điện thoại có thực (ban đầu để liên lạc, sau khi chiếm đoạt tiền thì: số điện thoại này không liên lạc được…). Đặc biệt, để nâng cao độ tin cậy chúng còn nhắc nhở: “Không cung cấp mã số trúng thưởng cho ai, và không có ai từ facebook yêu cầu cung cấp mã số này”.

Đa phần những chiêu lừa chúng tập trung vào phụ nữ, người già.

Những khỏan tiền nộp cho chúng ban đầu chẳng là gì so với phần trúng thưởng; nhưng nếu chúng ta lỡ nộp rồi thì chúng sẽ tiếp tục “moi” thêm nữa. Chúng thừa biết tâm lý chung của người nhận quà thưởng: phóng lao thì phải theo lao. Cho tới lúc tỉnh ra thì bọn lừa đảo đã “ẳm” một khoảng tiền khá lớn rồi.

Rõ ràng đây là trò lừa đảo cũ rích trên mạng xã hội; nhưng thỉnh thoảng lại có người mắc lừa mới lạ.

Làm sao tránh?

Lừa đảo qua mạng, qua điện thoại có thiên hình vạn trạng; không thể có một quy luật, công thức nhất định nào để chúng ta gặp là tránh. Tuy nhiên, để hạn chế tới mức thấp nhất bị lừa đảo, hãy nói không với 5 trường hợp điển hình sau đây:

Thứ nhất, không ai cho không ai cái gì bao giờ, nhất là những người bạn mới quen trên mạng.

Thứ hai, hãy cảnh giác những phần thưởng bằng hiện kim hay hiện vật “ khủng” bất cứ từ đâu đến, trên facebook chẳng hạn, mà xét ra ta chẳng có một chút gì để đáng…được trúng thưởng.

Thứ ba, không có một “món ngon” nào vừa ngon vừa bổ lại vừa…rẻ.

Thứ tư, không có công việc nào vừa nhẹ nhàng lại có lương cao.

Thứ năm, không hiếu kỳ đăng nhập vào các trang mạng mà ta cảm thấy có cái gì đó có dấu hiệu không bình thường.

Song song theo đó chúng ta cũng cần làm 5 việc sau đây.

Thứ nhất, thường xuyên nghe đài đọc báo để phát hiện, cập nhật những chiêu lừa đảo mới làm bài học kinh nghiệm.

Thứ hai, Không thể nói rằng không nhận số điện thoại không có trong danh bạ; nhưng để cảnh giác chúng ta cũng nên thường xuyên cập nhật các số điện thoại nghi lừa đảo do các cơ quan truyền thông chính thống cung cấp.

Thứ ba, nên hạn chế cung cấp số điện thoại cho người khác cũng như hạn chế bày tỏ tâm tư, hình ảnh mình trên mạng xã hội; vì đây là nguồn gốc lộ thông tin cá nhân để bọn lừa đảo thực hiện hành vi lừa đảo.

Thứ tư, tỉnh táo phán đoán với những cuộc điện thoại lạ gọi đến có liên quan tới cá nhân và gia đình như người thân gặp tai nạn, người thân cần tiền gấp….

Thứ năm, khi gặp những bất cập nào cần giải quyết, điều cần thiết là liên lạc ngay với các cơ quan như phường, xã… hay gần nhất là CSKV, trưởng ấp, trưởng thôn… số điện thoại các đơn vị này luôn công khai cho người dân được biết.

Cơ bản thực hiện những việc nêu trên, chúng ta rất khó sập bẫy bọn lừa đảo qua điện thoại, lừa đảo mạng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới