Tài xế gây tai nạn nghiêm trọng, nên tước bằng lái
Trong tuần qua, bài viết “Bộ trưởng GTVT: Xem xét thu bằng lái vĩnh viễn tài xế gây tai nạn” đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình của bạn đọc.
Theo bộ trưởng, nguyên nhân tai nạn giao thông có nhiều lý do nhưng rõ ràng là ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận tài xế chưa tốt… Sắp tới, ông sẽ chỉ đạo các bộ phận nghiệp vụ nghiên cứu, đưa ra quy định mới có tính ràng buộc trách nhiệm chủ doanh nghiệp với tài xế. Đối với tài xế để xảy ra những vụ tai nạn nghiêm trọng có thể xem xét thu hồi bằng lái vĩnh viễn.
Các bạn MinhNguyen, TanThanh… và nhiều bạn đọc khác đều đồng tình với ý kiến của bộ trưởng về việc thu bằng lái vĩnh viễn đối với tài xế gây tai nạn. Đã có rất nhiều tai nạn thương tâm xảy ra cũng vì tính thiếu ý thức chấp hành luật pháp của tài xế. Vì lợi nhuận mà các chủ xe, tài xế bất chấp để đạt được mục đích mà coi thường tính mạng người khác.
Bạn Trịnh Hải mong muốn đề xuất của bộ trưởng sẽ sớm được triển khai thành những quy định cụ thể bởi thu hồi bằng lái vĩnh viễn cũng như thu hồi “giấy phép kiếm cơm” thì tài xế nào cũng phải sợ.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng chuyện này phải làm thận trong; cần phải được nghiên cứu kỹ trước khi đưa vào luật. Cũng có ý kiến cho rằng chỉ nên tước bằng lái có thời hạn, không nên tước vĩnh viễn.
Lo gì việc dân ghi âm, ghi hình
Ngày 3-1, UBND TP Hà Nội đã ban hành nội quy về việc tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân TP. Theo đó, có một nội dung đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều là “công dân không được quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa được sự đồng ý của người tiếp công dân”. Không chỉ có mỗi Hà Nội mới có yêu cầu này; nhiều tỉnh, thành khác từ lâu đã quy định không được tự ý quay phim, chụp ảnh, ghi âm ở trụ sở tiếp công dân. Vấn đề này ngay lập tức thu hút nhiều bình luận của bạn đọc.
Theo bạn HoangHai, nếu tiếp dân mà tốt thì đâu phải sợ, tiếp dân mà kém, sai mới sợ. Dân đến trụ sở công quyền mà làm sai thì quay phim, chụp ảnh cũng là tang chứng, vật chứng để buộc tội họ. Hình ảnh không bênh vực ai, chỉ khi ai sai thì mới phải sợ ghi âm, ghi hình đưa ra trước công luận.
“Theo tôi, việc ghi hình công khai cũng là cách để bắt buộc cả cán bộ lẫn công dân phải có thái độ đúng mực, tôn trọng nhau khi làm việc. Và cũng là để văn hóa xã hội ngày càng văn minh hơn, pháp luật được công bằng hơn” - ý kiến của bạn NganSon.
Bạn NgocThanh đề xuất: Cơ quan tiếp dân nên có máy quay camera ghi hình toàn bộ buổi tiếp dân để khi cần thiết mở ra để kiểm tra, đối chiếu nếu người dân tự ý quay khi phát tán có những nội dung bị ghép, cắt, sửa làm sai lệch. Lo gì việc dân ghi âm, ghi hình.
Những bài báo thu hút sự quan tâm bình luận của bạn đọc trong tuần qua.
Không hợp tác với 911 là tiếp tay cho tội phạm
Bài viết “Xử lý công an phường không hợp tác với cảnh sát 911” đã nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc. Bài viết có thông tin Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an TP Đà Nẵng, cho hay trong quá trình làm nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát 911, có những trường hợp tổ công tác bắt được người vi phạm đưa về phường nhưng lãnh đạo công an phường không hợp tác. Thông tin này khiến dư luận bức xúc.
Theo bạn AnAn, đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương là trách nhiệm chính của công an phường, việc không hợp tác với cảnh sát 911 của công an phường là từ bỏ trách nhiệm của người công an nhân dân, tiếp tay cho tội phạm lộng hành.
Bạn NguyenBinhMinh lý giải: Công an phường không hợp tác với cảnh sát 911 là sợ ôm trách nhiệm, lo mất thành tích địa phương mà thôi.
Đặt câu hỏi về chuyện kỳ lạ này, bạn ThanhLap cho rằng sự hợp tác giữa các lực lượng không chỉ là trấn áp tội phạm mà còn làm cho các đối tượng xấu nhụt chí, có ý định manh nha về tội phạm sẽ được dập tắt ngay từ đầu. Việc thành lập tổ 911 thì công an tất cả địa bàn trên TP Đà Nẵng đều biết, tại sao lại có việc công an phường chống lệnh, không hợp tác với cảnh sát 911?
Bức xúc vì tín dụng đen ngang nhiên truy sát dân Bài viết “Cầu cứu Bộ Công an vì tín dụng đen truy sát” (đăng ngày 8-1) thu hút nhiều sự chú ý của bạn đọc. Bài viết thông tin về vụ việc một người dân ở xã Tam Phước, TP Biên Hòa, Đồng Nai vừa gửi đơn cầu cứu Bộ Công an vì bị nhóm giang hồ xịt hơi cay, truy sát chém gục rồi sau đó đốt nhà. Vụ việc xảy ra đã hơn nửa năm nay nhưng hung thủ vẫn liên tục nhắn tin, hăm dọa khiến vợ chồng bà phải bỏ nhà đi lánh mặt. Sau đó, họ còn quay lại đốt nhà nhưng Công an TP Biên Hòa không biết hung thủ ở đâu dù nạn nhân đã cung cấp hình ảnh, số điện thoại… - “Gia đình nạn nhân đã cung cấp bằng chứng rõ ràng mà còn đang điều tra, truy bắt... Đợi nạn nhân bị giết chết hay sao?” - Bao Công - “Công an TP Biên Hòa đã làm gì khi tính mạng, tài sản người dân bị xâm hại đặc biệt nghiêm trọng như vậy?” - PHAMCONGHIEN - “Bằng chứng quá đầy đủ, cần truy bắt ngay bọn giang hồ đòi nợ thuê để đem lại bình an cho nhân dân. Đề nghị Bộ Công an cần vào cuộc ngay” - DUNG - “Một nhóm người chứ có phải con kiến đâu, biết được người, có hình ảnh rồi mà. Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai nên có chỉ đạo cho an lòng dân” - TRẦN THÀNH |