Dự thảo “Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh” mới nhất do Bộ KH&ĐT soạn thảo kiến nghị sửa đổi, bổ sung 12 luật. Đầu tư, Doanh nghiệp (DN), Đất đai, Xây dựng, Bảo vệ môi trường, Quản lý thuế, Quảng cáo, Nhà ở, Khoáng sản, Đấu thầu, Quy hoạch đô thị và Điện ảnh.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) rất ủng hộ điều này. trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc (ảnh) nói: “Dự luật này là rất cấp bách”.
Còn nhiều nút thắt
. Phóng viên: Thưa ông, vì sao ông coi dự luật này là cấp bách?
+ Ông Vũ Tiến Lộc: Quốc hội đã ban hành và sửa đổi, bổ sung nhiều đạo luật quan trọng liên quan đến DN và môi trường kinh doanh. Trong đó điển hình là Luật DN, Luật Đầu tư nhằm tạo cơ sở pháp lý quan trọng bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân và DN. Nhờ đó môi trường kinh doanh đã trở nên minh bạch, thuận lợi và bình đẳng hơn.
Nhưng thực tiễn cho thấy vẫn đang có quá nhiều bất cập cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, không đáp ứng yêu cầu hội nhập.
Điều nguy hiểm hơn, chính những bất cập, cản trở này đã làm cho các chi phí hành chính, chi phí về vốn vẫn ở mức cao, đẩy nhiều DN vào tình trạng thua lỗ, phá sản. Thực tế vẫn có tới 60% DN không có lãi hoặc kinh doanh thua lỗ, khoảng 120.000 DN phải rời thị trường trong năm 2015 và sáu tháng đầu năm nay.
. Vậy cụ thể những bất cập, cản trở người dân, DN nằm ở đâu, thưa ông?
+ Dĩ nhiên nó nằm ở các quy định của các luật về DN và môi trường đầu tư, kinh doanh. Các quy định này nội dung chồng chéo, thiếu tính đồng bộ và nhất quán, không tương thích, thiếu liên thông. Chẳng hạn, Luật Đầu tư quy định bộ, ngành không được ban hành điều kiện kinh doanh, trong khi có tới bảy luật chuyên ngành vẫn giao bộ ngành “đẻ” ra giấy phép.
. Vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, VCCI cùng với các bên liên quan đã rà soát các luật, các quy định liên quan đến đầu tư, kinh doanh. Kết quả ra sao, thưa ông?
+ Ít nhất có 50 luật và khoảng 150 điều khoản trong các luật liên quan đến DN và đầu tư, kinh doanh cần được xem xét sửa đổi, đặc biệt là các thủ tục về đầu tư, đất đai, quy hoạch, môi trường, xây dựng… Đây thực sự đang là những nút thắt cần phải tháo gỡ sớm để tạo thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của DN.
Nhưng trước mắt qua xem xét trong phạm vi 12 luật đang có ảnh hưởng lớn đến kinh doanh, cộng đồng DN và các cơ quan Chính phủ đã thống nhất phải sửa đổi tới 58 điều quy định để bảo đảm sự minh bạch, tính đồng bộ, hợp lý của hệ thống pháp luật; tránh tình trạng “ông nói gà, bà nói vịt”, luật “chồng” lên luật, bộ “lấn” địa phương.
VCCI đề nghị bãi bỏ quy định về điều kiện kinh doanh trong sản xuất vàng miếng. Ảnh: HTD
Không sửa sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội
. Theo ông, để tháo gỡ những nút thắt vô lý ấy thì cần phải làm gì?
+ Chỉ riêng danh mục 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện vừa được quy định tại Luật Đầu tư năm 2014, cộng đồng kinh doanh đã kiến nghị và các cơ quan chức năng đã thống nhất phải bãi bỏ ít nhất 70 ngành nghề và 10 ngành nghề khác phải được điều chỉnh cho phù hợp.
Vì quy định điều kiện cho các ngành nghề kinh doanh kể trên không thực sự cần thiết. Thậm chí trong không ít trường hợp, người dân, DN và cả cơ quan quản lý không biết đường nào mà lần vì các luật khác nhau lại quy định khác nhau.
Xin đơn cử: Luật Đất đai hiện chia đất đai làm ba nhóm đất theo mục đích sử dụng với trên 19 loại đất khác nhau. Hầu như không có quốc gia nào phân loại nhiều loại đất như vậy, gây khó khăn và manh mún cho công tác quy hoạch, quản lý.
Hoặc Luật Xây dựng hiện đang quy định thời gian cấp phép xây dựng quá dài. Chúng tôi đang kiến nghị sửa đổi theo hướng giảm thời gian cấp phép xuống còn 15 ngày đối với công trình xây dựng, bảy ngày đối với nhà ở riêng lẻ.
Nếu không sửa đổi thì sẽ có trường hợp DN không chịu nổi thủ tục và chi phí sẽ trả lại đất, trả lại dự án. Chẳng hạn như trường hợp DN xây dựng Huy Lâm ở Thanh Hóa từng muốn trả lại dự án cho chính quyền.
. Có ý kiến cho rằng việc sửa đổi các luật này cần phải có tổng kết, thi hành…, nếu không sẽ không đạt hiệu quả. Ông nghĩ sao?
+ Nếu cứ để luật phải 4-5 năm sau mới thay đổi thì sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội, phải sửa đổi vì nhiều điều luật trong các luật chuyên ngành đang trái với Luật DN, Luật Đầu tư. Thậm chí ngay chính hai luật tiến bộ nhất cho đến thời điểm này cũng đang có những bất cập vì có nhiều ngành, nghề kinh doanh có điều kiện không còn cần thiết.
. Việc một luật sửa nhiều luật đã có tiền lệ chưa, thưa ông?
+ Bảy năm trước, Quốc hội khóa XII đã thông qua luật số 38/2009 sửa đổi sáu luật về đầu tư, xây dựng mà điểm đột phá quan trọng chắc ai cũng nhớ là chúng ta đã nhập được ba loại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở, tài sản trên đất với ba màu đỏ, trắng, hồng về một giấy...
thực tiễn tốt đó là gợi ý cho bước gia tốc cải cách thể chế đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển hiện nay.
Có nhiều lúc tranh cãi rất gay gắt Dự thảo “Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh”, tức một luật sửa nhiều luật là nỗ lực của Bộ KH&ĐT nhằm hiện thực hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho DN; thể hiện quyết tâm của Thủ tướng là Chính phủ sẽ là Chính phủ kiến tạo và phục vụ. Tổ soạn thảo luật đã làm việc rất chặt chẽ với các bộ khác dưới sự chủ trì của Văn phòng Chính phủ. Có nhiều lúc tranh cãi rất gay gắt nhưng tất cả đều phải xác định không thể có “quyền anh” hay “quyền tôi” trong các quy định liên quan đến đầu tư, kinh doanh. Các DN đang từng ngày chờ Chính phủ loại bỏ những điều không còn phù hợp với tình hình hiện tại. Cái khó của cơ quan soạn thảo luật là phải cân đối lợi ích của các bên trong tổng thể lợi ích quốc gia. Luật làm sao để vẫn quản lý được vì lợi ích chung nhưng lại không ảnh hưởng đến lợi ích của từng DN và nhóm DN cụ thể. Thứ trưởng Bộ KH&ĐT ĐẶNG HUY ĐÔNG ____________________________________ Dự thảo “Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh” tập trung sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ nhiều điều, khoản, mục trong 12 luật trên. Chẳng hạn nhiều ngành nghề kinh doanh được đề nghị bãi bỏ quy định về điều kiện kinh doanh như: Kinh doanh dịch vụ đào tạo đại lý bảo hiểm; dịch vụ bảo hành bảo dưỡng ô tô, dịch vụ sát hạch lái xe; dịch vụ mang thai hộ; sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng... |