Tuy nhiên, đề xuất này lại “thòng” thêm một cái “lọng” là đề nghị Thủ tướng giao cho Bộ GTVT ban hành những quy định tương đương về bảo hành, bảo dưỡng và chỉ bỏ thông tư này khi các quy định do Bộ GTVT ban hành chính thức có hiệu lực.
Trước đó, Bộ KH&ĐT, VCCI, CIEM… cùng nhiều chuyên gia trong đợt rà soát các điều kiện kinh doanh trái luật đã khẳng định có cơ sở rằng: Thông tư 20 nói trên là trái luật, cản trở quyền tự do kinh doanh, làm cho thị trường ô tô méo mó, bất bình đẳng, không cạnh tranh.
Đồng thời từ tháng 6-2016 đến nay, hàng chục chuyên gia đã lên tiếng, phân tích, một số bộ ngành cũng đã nêu chính kiến về việc Thông tư 20 thực tế đã không đảm bảo được mục tiêu ngăn chặn nhập siêu, giảm lạm phát, cũng như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và thực chất đây là một loại điều kiện kinh doanh, lẽ ra phải được bãi bỏ từ ngày 1-7 nhưng Bộ Công Thương lại khẳng định đó chỉ là thủ tục hành chính.
Trước hàng loạt phản biện này, Bộ Công Thương đã công khai cả văn bản giải trình gửi Thủ tướng và đưa ra phương án bãi bỏ Thông tư 20 với điều kiện kèm theo như trên. Tất nhiên đây cũng là một dấu hiệu tích cực cho thấy sự lắng nghe những phản biện và chấp nhận những phản biện hợp lý của xã hội để có những điều chỉnh kịp thời. Nhưng rất tiếc là Bộ Công Thương vẫn còn cái “thòng lọng” móc lại như chúng tôi đã đề cập ở trên.
Nếu xác định Thông tư 20 là “điều kiện kinh doanh” với hàng loạt tác hại trên cần bãi bỏ thì phải dứt khoát bãi bỏ. Còn việc “đá” sang Bộ GTVT để ban hành những “quy định tương đương về bảo hành, bảo dưỡng” (nếu được Thủ tướng chấp thuận) là một bước trì hoãn, là lại ra một điều kiện bất hợp lý nữa. Bởi theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, thì những quy định về bảo hành, bảo dưỡng thực ra đã được Bộ GTVT quy định khá rõ. Và đó chỉ là những quy chuẩn kỹ thuật chứ không phải là điều kiện kinh doanh như nội hàm trong Thông tư 20 đã quy định.
Quyết tâm rất lớn của Chính phủ là phải cải cách thể chế, trong đó điều được các DN kỳ vọng nhất là việc dẹp đi những giấy phép con, những điều kinh doanh bất hợp lý, hành DN. Cuộc cải cách đó muốn thành công thì nhất quyết không dành chỗ cho sự “cò kè bớt một thêm hai” mà phải được tiến hành một cách triệt để. Để đạt được điều đó, không còn cách nào khác, các bộ/ngành phải dứt khoát từ trong nhận thức đến hành động, quyết tâm dẹp bỏ những rào cản, những “gai móc” vô hình và hữu hình đang gây muôn vàn khó khăn cho DN.
Với tất cả điều trên, xã hội đang kỳ vọng Chính phủ hãy dứt dạt Thông tư 20, xin đừng mất quá nhiều thời gian cho việc này nữa!