Theo Thông tư 20, thương nhân nhập khẩu ô tô dưới chín chỗ ngồi (loại chưa qua sử dụng) khi làm thủ tục nhập khẩu phải nộp những giấy tờ sau cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền:
Giấy chỉ định hoặc giấy ủy quyền là doanh nghiệp nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó hoặc hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó. Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện do Bộ GTVT cấp.
Nhiều doanh nghiệp nhập khẩu ô tô có quy mô nhỏ cho rằng thông tư này hạn chế quyền kinh doanh của doanh nghiệp, có lợi cho một số doanh nghiệp lớn, gây ra tình trạng độc quyền nhóm.
Quy định doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải có giấy ủy quyền chính hãng sẽ bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, trong báo cáo gửi Thủ tướng, Bộ Công Thương cho rằng Thông tư 20 không được ban hành để "hạn chế nhập khẩu". Mục đích ban hành thông tư là "nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và an toàn giao thông đường bộ".
Theo đó, người tiêu dùng sẽ được sử dụng xe nhập khẩu chính hãng hoặc được chính hãng ủy quyền nhập khẩu, đồng thời được hưởng chế độ bảo hành, bảo dưỡng và mọi chế độ liên quan khác do chính hãng cam kết thông qua nhà nhập khẩu, phân phối.
Việc áp dụng Thông tư 20 cũng đã triệt tiêu hoàn toàn tình trạng vô trách nhiệm đối với người tiêu dùng nói riêng và toàn xã hội nói chung của một số nhà nhập khẩu, phân phối ô tô trước đây.
Bộ Công Thương nhấn mạnh Thông tư 20 đơn thuần là một thủ tục hành chính được áp dụng đối với hàng nhập khẩu tại cửa khẩu để bảo đảm một mục tiêu quản lý chứ không phải điều kiện kinh doanh. Thông tư này là một thủ tục hành chính áp dụng chung cho mọi thương nhân nhập khẩu, không vi phạm quy định nào của Luật Cạnh tranh và không chỉ định doanh nghiệp nhập khẩu để buộc khách hàng phải mua ô tô tại doanh nghiệp đó.
Do đó, Bộ Công Thương cho rằng Thông tư 20 không phải là điều kiện đầu tư kinh doanh nên không phải tự động bãi bỏ theo quy định của Luật Đầu tư 2014.
Bộ này đề nghị Thủ tướng không chấp thuận đề xuất rút ngành, nghề "kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô" khỏi danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư 2014.
Đồng thời giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương sớm ra các quy định trong nước có tác dụng tương đương Thông tư 20, bảo đảm các loại phương tiện giao thông được bảo hành, bảo dưỡng hoặc sửa chữa theo đúng thông lệ quốc tế và đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn của Việt Nam. Khi có các quy định này, Bộ Công Thương sẽ bãi bỏ Thông tư 20.