TAND huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa đã hoãn phiên tòa xét xử vụ tranh chấp hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng đất giữa nguyên đơn ĐVL (ngụ Đắk Lắk) và bị đơn Hồ Đắc Phương (ngụ Khánh Hòa) vì vắng mặt người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn, những người liên quan và người làm chứng.
Người này ký thỏa thuận, người kia kiện đòi tiền cọc
Theo hồ sơ, năm 2018, bà NTTT (ngụ Đắk Lắk) ký văn bản thỏa thuận và cam kết với ông Phương nhận chuyển nhượng tám thửa đất tại huyện Diên Khánh. Tiền đặt cọc là 2 tỉ đồng.
Các bên cam kết nếu bà T không đồng ý ký kết hợp đồng chuyển nhượng thì phải mất toàn bộ số tiền đã giao cho ông Phương. Ngược lại, ông Phương không đồng ý hoàn tất thủ tục chuyển nhượng hoặc đổi ý thì phải bồi thường gấp đôi số tiền đã nhận của bà T.
Thực hiện hợp đồng, ông L đã chuyển cho ông Phương hơn 20 tỉ đồng. Sau đó, ông L khởi kiện ông Phương, đề nghị tòa buộc ông Phương thanh toán hơn 40 tỉ đồng gồm tiền đặt cọc và phạt cọc như đã thỏa thuận. Theo ông L, quá thời hạn cam kết, ông Phương vẫn không thực hiện các thủ tục chuyển nhượng đất cho ông L.
Ngày 3-4-2019, TAND huyện Diên Khánh đã thụ lý vụ án. Ngay sau khi nhận thông báo của tòa, ông Phương đã có đơn khiếu nại tòa.
Ông Phương cho rằng giữa ông và nguyên đơn là ông L không phát sinh quan hệ dân sự. Ông chỉ ký văn bản thỏa thuận và cam kết với bà T. Vì vậy, ông L không có quyền kiện ông để giải quyết tranh chấp. Đồng thời, ông L vừa trực tiếp khởi kiện với tư cách nguyên đơn vừa đại diện cho bà T (người liên quan) là mâu thuẫn.
Ngoài ra, ông Phương cũng cho rằng đã hoàn tất các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất các thửa đất và đã giao cho bà T. Ông đã nhiều lần yêu cầu bà T thực hiện thỏa thuận nhưng bà không thực hiện.
Đến ngày 12-4-2019, bà T đã có giấy ủy quyền cho ông L thay mặt thực hiện văn bản thỏa thuận và cam kết trước đó với ông Phương.
“Nếu tồn tại thỏa thuận bà T thay mặt ông L ký cam kết với ông Phương và ông L là người giao tiền thì ông L vẫn có thể kiện ông Phương nếu ông Phương không thực hiện đúng hợp đồng đặt cọc với bà T.”
ThS Huỳnh Quang Thuận
VKS: “Ông L không có quyền khởi kiện”
Sau khi tòa thụ lý, ngày 16-7-2019, VKSND huyện Diên Khánh đã có văn bản kiến nghị khắc phục vi phạm pháp luật vụ án.
VKS kiến nghị chánh án TAND huyện Diên Khánh đình chỉ giải quyết vụ án, đồng thời hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa tài khoản ngân hàng của ông Phương.
Theo VKS, văn bản thỏa thuận và cam kết chuyển nhượng được ký giữa ông Phương và bà T là giao dịch dân sự. Giao dịch này không phát sinh quyền và nghĩa vụ dân sự đối với ông L. Bà T và ông L đều xác định bà T mới là người có quyền khởi kiện.
Tuy nhiên, tòa xác định ông L có quyền khởi kiện về tranh chấp hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng đất là không đúng quy định tại Điều 186 BLTTDS.
Đối với quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, VKS nhận thấy giữa ông Phương và ông L không phát sinh quyền và nghĩa vụ dân sự về tài sản. Vì vậy, tòa áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản ngân hàng của ông Phương là không đúng, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông Phương.
Đến ngày 22-12-2020, ông L rút đơn kiện. Tuy nhiên, chưa đầy nửa tháng sau, ông L lại gửi đơn đề nghị tòa tiếp tục giải quyết vụ án. Ông yêu cầu ông Phương phải chịu phạt cọc, trừ đi số tiền ông đã nhận thì ông Phương còn phải trả 16 tỉ đồng.
Được quyền kiện nếu ông L có thỏa thuận ủy quyền cho bà T
Vụ án này, nếu tồn tại thỏa thuận bà T thay mặt ông L ký thỏa thuận và cam kết và phía ông L là người giao tiền cho ông Phương thì ông L vẫn có thể tự khởi kiện ông Phương nếu ông Phương không thực hiện đúng hợp đồng đặt cọc với bà T. Bởi lẽ theo Điều 186 BLTTDS, quyền khởi kiện phát sinh khi cá nhân cho rằng mình có quyền lợi hợp pháp bị xâm phạm.
Trường hợp này, ông L cho rằng quyền lợi của mình bị xâm phạm từ việc ông Phương vi phạm hợp đồng đặt cọc. Đồng thời, theo Nghị quyết 04/2017 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn một số quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều 192 BLTTDS về trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án thì ông L không thuộc trường hợp nào trong các trường hợp không có quyền khởi kiện.
ThS HUỲNH QUANG THUẬN, giảng viên Khoa luật dân sự
Trường ĐH Luật TP.HCM
(YẾN CHÂU ghi)