Ông Tô Văn Giác (xã Quế Thọ, huyện Hiệp Đức, Quảng Nam) trình bày 20 năm trước, ông được huyện giao cho một lô đất để trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc. Tuy nhiên, năm 2005, vợ chồng ông Tô Tấn Tuyển lại đến chặt cây của ông rồi trồng nghệ khiến hai bên tranh chấp. “Tôi đã được huyện giao đất, có giấy tờ rõ ràng đây. Mảnh đất ấy là của tôi và nhiều năm qua tôi đã trồng cây, thu hoạch. Có rất nhiều người làm chứng” - ông Giác khẳng định.
Trong khi đó, ông Tuyển khẳng định đất trên là ông mua của người anh vợ. Cây trong mảnh rừng do anh vợ trồng.
Do hai bên không ai chịu ai nên đành phải đưa nhau ra tòa. Sau nhiều lần hòa giải, mới đây TAND tỉnh Quảng Nam đã quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu khởi kiện. Nguyên do là qua thu thập chứng cứ, phía ủy ban huyện xác định mảnh đất hai bên tranh chấp là đất công.
Mảnh đất rừng hai nhà tranh chấp gay gắt hóa ra lại là đất công, Nhà nước chưa cấp quyền sử dụng cho bất kỳ ai. Ảnh: LÊ PHI
Ông Giác thắc mắc tòa xử trên cơ sở kết luận của huyện là không khách quan. Ông không hiểu từ cơ sở nào mà huyện lại kết luận như vậy. Có thể do thấy hai bên tranh chấp gay gắt nên huyện mới xác định là đất công chứ thực tế đất đã giao cho ông từ trước nay.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCMvề tranh chấp này, ông Nguyễn Mậu Hẹn, Chủ tịch UBND xã Quế Thọ, cho biết: Trước đó, UBND huyện Hiệp Đức đã chỉ đạo Phòng TN&MT huyện về đo vẽ lại diện tích đất thực tế đang tranh chấp giữa ông Giác và ông Tuyển để làm căn cứ xử lý. Kết quả mảnh đất rừng mà chín năm qua hai bên tranh chấp, ai cũng khăng khăng cho rằng là của mình là đất công. Do vậy, ngày 3-12-2013, UBND huyện Hiệp Đức kết luận: “Thửa đất cấp cho ông Giác trong năm 1994 (0,8 ha theo diện phủ xanh đất trống đồi núi trọc - PV) với thửa đất đang xảy ra tranh chấp giữa ông Giác và ông Tuyển ở hai vị trí khác nhau, có tọa độ khác nhau và cách nhau 272 m. Mảnh đất đang tranh chấp giữa ông Giác và ông Tuyển hiện chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao hoặc cấp cho ai”. Sau đó huyện đã gửi kết luận này cho tòa làm căn cứ giải quyết vụ án.
“Vụ việc khiến chúng tôi đau đầu. Đó là mảnh đất không có giá trị, chẳng ai mua. Rất nhiều lần chúng tôi mời hai gia đình lên hòa giải rồi. Thậm chí lãnh đạo xã còn đứng ra làm trung gian để chia đôi mảnh vườn ấy cho mỗi bên một nửa mà họ vẫn không chịu. Ai cũng cho rằng mình là chủ mảnh đất rừng đó. Hiện nay chúng tôi cũng rất mệt vì nhà này thấy nhà kia vào rừng chặt cây là cứ chạy lên xã gọi cán bộ xuống làm việc. Cán bộ địa chính xã phải đi xử lý miết nên rất ngao ngán. Chúng tôi sẽ cố hòa giải đôi bên và mong họ kết thúc tranh chấp, đừng khiến cho quan hệ làng xóm thêm xấu đi” - ông Nguyễn Mậu Hẹn mong mỏi.
LÊ PHI