Tranh luận chính sách

(PLO)- Tranh luận giữa cơ quan soạn thảo, cơ quan trình chính sách và cơ quan thẩm tra, các đại biểu luôn là điều tốt, nó hạn chế tối đa tình trạng thuận lợi cho Nhà nước mà khó cho công dân...
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đó là điều dễ thấy khi nhìn về quan điểm của cơ quan trình các dự luật với phát biểu của các đại biểu Quốc hội khi thảo luận. Và sự tranh luận ấy không chỉ diễn ra ở kỳ họp này.

Chẳng hạn, khi thảo luận về dự thảo Nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn biển số ô tô thông qua đấu giá, nhiều đại biểu bày tỏ ý kiến về chuyện hạn chế một số quyền của người trúng đấu giá. Ngay cả Tổng thư ký Quốc hội khi thảo luận về dự thảo nghị quyết này cũng đề nghị nghiên cứu thêm các quy định về quyền của người trúng đấu giá và quyền của người nhận thừa kế.

Lý do hạn chế quyền của người trúng đấu giá biển số, hai cơ quan trình và thẩm tra dự thảo nghị quyết này cho rằng: Hạn chế quyền lợi của người trúng đấu giá biển số xe là vì chống đầu cơ, vì biển số là công cụ quản lý của Nhà nước, dù hai cơ quan này đều công nhận biển số là tài sản cá nhân.

Nhưng dường như vấn đề nằm ở chỗ khác chứ không nằm ở quyền sở hữu biển số xe của công dân. Một chuyên gia của VCCI cho rằng: “Cách tốt nhất để chống đầu cơ không phải là hạn chế quyền lợi của người trúng đấu giá, mà là làm cho cuộc đấu giá thật minh bạch, có thật nhiều người tham gia và xử lý nghiêm mọi hành vi gian lận đấu giá. Hạn chế quyền lợi của người trúng đấu giá thì càng méo mó thị trường”.

Tương tự như vậy, khi thảo luận về dự luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, quy định thu hút nhiều phát biểu nhất là thực hiện dân chủ trong doanh nghiệp (DN) tư nhân. Cơ quan soạn thảo, trình và cơ quan thẩm tra, cũng như số ít ý kiến cho rằng: Có nhiều chủ trương, định hướng, kể cả một số văn bản quy phạm pháp luật quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở trong DN, tổ chức có sử dụng lao động. Nên phạm vi của dự luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở bao hàm cả DN tư nhân là hợp lý.

Trong khi đó, những đại biểu phản đối quy định này thì cho rằng: Dân chủ là phạm trù thuộc quan hệ giữa Nhà nước và công dân, không theo phương thức thỏa thuận và bình đẳng nên cần có dân chủ để chống lạm quyền. Trong khi đó, quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động lại thuộc phạm trù thỏa thuận tự nguyện và bình đẳng trước pháp luật. Chưa kể, hiện có nhiều đạo luật, cơ quan tài phán… có thể xử lý những mâu thuẫn nếu có giữa người lao động và giới chủ.

Một số đại biểu cho biết: Họ ngoài phát biểu trên nghị trường còn kiến nghị tới tận Chủ tịch Quốc hội không đưa DN tư nhân vào phạm vi điều chỉnh của luật này.

Tất nhiên, tranh luận giữa cơ quan soạn thảo, cơ quan trình chính sách và cơ quan thẩm tra, các đại biểu, những người mang tiếng nói của cử tri đến nghị trường là điều tốt. Nó sẽ cân bằng được mong muốn “thuận lợi quản lý” của cơ quan nhà nước và tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, công dân; hạn chế tối đa tình trạng thuận lợi cho Nhà nước mà khó cho công dân và ngược lại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm