Từ sáng sớm nhiều bạn đọc trúng giải ở các tỉnh thành xa như Bình Phước, Bình Dương, Bến Tre…, tập thể giảng viên, sinh viên trường Đại học Trần Đại Nghĩa đã đến tham dự chương trình.
Quang cảnh buổi trao giải À Ra Thế.
Rất đông các bạn sinh viên trường Đại học Trần Đại Nghĩa đến tham dự buổi trao giải.
Ban tổ chức cuộc thi À Ra Thế và các chuyên gia.
Phát biểu khai mạc buổi trao giải, giao lưu, ông Mai Ngọc Phước, Tổng Biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM, bày tỏ rất phấn khởi khi tái khởi động lại cuộc thi, sân chơi pháp luật bổ ích đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của bạn đọc được báo khởi xướng từ nhiều năm trước đây.
Ông Hoàng Chương, Phó Tổng biên tập Báo Pháp luật TP.HCM, người phụ trách cuộc thi À RA THẾ, đánh giá tình hình bạn đọc dự cuộc thi được tổ chức làm 4 đợt trong hơn một tháng vừa qua. Mỗi đợt diễn ra trong một tuần lễ từ 5-8 đến 1-9, tổng cộng có 12.197 thư dự thi, gởi qua đường bưu điện, gởi trực tiếp, hoặc qua email.
Ông Hoàng Chương, Phó Tổng biên tập Báo Pháp luật TP.HCM bày tỏ sự cảm ơn chân thành những chuyên gia, cơ quan chức năng tham gia góp ý, giải đề, phân tích đề. Đặc biệt khá bất ngờ và rất vui về sự đóng góp của đại tá Nguyễn Văn Vi, giảng viên Trường Đại học Trần Đại Nghĩa TP.HCM, đã tích cực phổ biến cuộc thi, khuyến khích sinh viên của trường tham dự, hưởng ứng rất đông đảo. Hay trường hợp chị Ngô Thị Ngọc Sương, cán bộ phòng tư pháp TP.Tam Kỳ, Quảng Nam, đã đưa thông tin về cuộc thi lên cổng thông tin điện tử TP.Tam Kỳ góp phần giúp nhiều bạn đọc biết đến và tham gia. Ngoài ra, rất nhiều bạn đọc ở các tỉnh xa, liên tục tham dự đủ 4 cuộc thi. Như có hai trường hợp là ông Vũ Đức Tưởng (ngụ Hớn Quản, Bình Phước) dự thi 4 đợt và 3 lần đoạt giải, hay trường hợp chị Nguyễn Thị Thùy Dung (phòng kinh tế hạ tầng huyện Hớn Quản, Bình Phước) 2 lần trúng giải.
Luật sư, Tiến sĩ Phan Đăng Thanh, người đầu tiên “khai sinh” cuộc thi này, tuy không còn tiếp tục công tác tại báo nhưng ông cho biết vẫn rất háo hức, phấn khởi đến tham dự cùng buổi tổng kết trao giải từ khi cuộc thi tái khởi động. “Có hai nguyên tắc chơi À RA THẾ, đó là không được giải cũng được luật, tinh thần là tìm hiểu pháp luật và càng bàn sâu càng nhớ lâu. Tôi nhớ cuộc chơi À RA THẾ như một lớp học, tôi là người thầy giáo của hàng ngàn người dù không biết mặt nhưng cãi nhau, bàn nhau rồi cuối cùng bằng lòng với nhau. Biết cãi nhau và chấp nhận chân lý là ta đang tập đi đến sống dân chủ” - luật sư Phan Đăng Thanh chia sẻ.
Ông Võ Văn Thêm - Phó viện trưởng Viện KSND cấp cao tại TP.HCM (áo đen) và ông Phạm Công Hùng - Nguyên thẩm phán TAND tối cao tại TP.HCM trao giải khuyến khích cho bạn đọc. Luật sư, Tiến sĩ
Phan Đăng Thanh (bìa phải) cùng nhà tại trợ (bìa trái) trao giải thưởng À Ra Thế
Ông Hoàng Chương, Phó Tổng biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM (thứ hai từ trái sang) và Đại úy Nguyễn Văn Long, Phó đội trưởng đội tham mưu phòng CSGT đường bộ, đường sắt công an TP.HCM (ngoài cùng bên phải) trao giải thưởng cho cuộc thi À Ra Thế.
Ông Mai Ngọc Phước - Tổng Biên Tập báo Pháp Luật TP.HCM gửi hoa cám ơn đến các chuyên gia tham gia giải đề cuộc thi À Ra Thế.
Đại diện Ban tổ chức Cuộc thi À RA THẾ tặng hoa cho các chuyên gia tham gia giải đề.
Lần lượt các giải khuyến khích, nhất, nhì, ba, bao gồm tiền mặt, quà của nhà tài trợ đã được trao cho các bạn đọc trúng giải.
Đến phần tranh luận, bạn đọc, người trúng giải và với các chuyên gia giải đề đã cùng tham gia tranh luận sôi nổi.
Ông Đỗ Văn Của, CLB À RA THẾ Lái Thiêu, Thuận An, Bình Dương góp ý: “Đề nghị BTC nên dành nguyên trang 7 cho hậu À RA THẾ”. “Đề 1 rất hay, trên thực tế học sinh cấp 2, 3 đã làm chuyện người lớn, nên nó còn mang tính răn đe, giáo dục. Tuy nhiên đáp án chưa thuyết phục, vì từ đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm trước mọi hành vi phạm tội”.
Giải đáp thắc mắc này, kiểm sát viên Võ Văn Thêm, và nguyên thẩm phán Phạm Công Hùng, giải thích thêm: “Theo luật, chủ thể của tội phạm về tội giao cấu với trẻ em phải là người đã thành niên”.
Ông Sỹ Danh Nghĩa, từ sáng sớm đã bắt xe từ huyện Hớn Quản, Bình Phước đến tham dự chia sẻ: “Nơi tôi ở vùng sâu vùng xa có nhiều bất cập, cám ơn BTC đưa ra chương trình giúp người dân chúng tôi tránh được những mặt trái của xã hội, mong báo tiếp tục duy trì, tuyên truyền pháp luật để thiết thực cho dân”.
Đề thi đợt 2 và đợt 4 tranh cãi nhiều nhất, ông Hứa Văn Sang, CLB À RA THẾ Thuận An, Bình Dương, vẫn đem thắc mắc riêng về đề số 4 đưa ra tình huống tại ngã ba chữ Y, không biển báo, không đèn tín hiệu giao thông, quẹo phải không bật xi nhan sẽ bị CSGT xử phạt. Theo ông Sang như vậy là không hợp lý vì theo luật, người điều khiển chỉ phải tuân theo biển báo, hoặc tuân theo hướng dẫn của người điều khiển giao thông.
Cùng ý kiến chưa đồng ý, anh Nguyễn Đức Thành, sinh viên trường Đại học Trần Đại Nghĩa, dẫn chứng tình huống tương tự là trước đây Đại tá Trần Thanh Trà, Trưởng phòng CSGT đã có phản hồi trên báo chí là ôm cua theo đường cong, không ngã rẽ, không chuyển làn, không phải bật đèn xi nhan và nghiêm cấm cán bộ xử phạt. Anh Thành nói theo tình huống mô tả kỳ 4 thì CSGT xử phạt là sai, ngã ba chữ Y không vạch kẻ đường, không phân giới chuyển làn, thì không bật đèn xi nhan cũng không gây nguy hiểm.
Ông Hoàng Chương, Phó Tổng biên tập Báo Pháp luật TP.HCM đại diện ban tổ chức giải đáp những thắc mắc được bạn đọc nêu ra cho À Ra Thế.
Đại diện phòng CSGT đến tham dự giao lưu là Đại úy Nguyễn Văn Long, Phó đội trưởng đội tham mưu, đưa ra câu trả lời rất thuyết phục. Theo đại úy Long, phải xác định thế nào là giao lộ, giao lộ tức là vòng xoay, ngã ba, ngã tư… Theo điều 15 Luật Giao thông đường bộ, khi chuyển hướng trái, phải thì phải bật xi nhan. Trường hợp đồng chí trưởng phòng đã trả lời báo chí về việc ôm cua theo đường cong không phải bật đèn xi nhan, vì đường cong không có giao lộ, không có đường nào đâm ngang. Còn tình huống như đề thi đưa ra, ngã ba chữ Y tức đã là giao lộ rồi.
Luật sư, Tiến sĩ Phan Đăng Thanh (đứng) đang chia sẻ tình cảm của mình với cuộc thi À Ra Thế.
Ông Hoàng Chương, Phó Tổng biên tập Báo Pháp luật TP.HCM (đứng) trả lời bạn đọc
Chương trình dặc biệt có sự góp mặt của các chuyên gia tham gia giải đề của 4 đợt thi gồm có kiểm sát viên cao cấp Võ Văn Thêm (Viện kiểm sát cấp cao tại TP.HCM), nguyên thẩm phán Toà phúc thẩm TAND tối cao Phạm Công Hùng, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội luật gia TP.HCM, và Đại úy Nguyễn Văn Long, Phó đội trưởng đội tham mưu phòng CSGT đường bộ, đường sắt công an TP.HCM.
Ông Mai Ngọc Phước, Tổng Biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM, bày tỏ rất phấn khởi khi tái khởi động lại cuộc thi, sân chơi pháp luật bổ ích đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của bạn đọc, được báo khởi xướng từ nhiều năm trước đây.
“Ngoài ra không nhất thiết phải có biển báo giao lộ, mà người ta có thể bổ sung thêm một số biển báo để đảm bảo an toàn giao thông. Tuy nhiên theo quan điểm của tôi, vẫn khuyến cáo khi lưu thông qua đường cong dù không có giao lộ vẫn nên bật xi nhan để đảm bảo an toàn” – đại úy Long phân tích.
Trung úy Đỗ Quang Hưng, cán bộ đội tuyên truyền phòng CSGT ví dụ thêm rất sinh động, rằng hàng ngày anh đi làm qua cầu chữ Y, thấy có người từng phản ứng vì người đi phía trước quẹo phải không bật đèn xi nhan khiến họ bất ngờ suýt gây tai nạn. Trong tình huống quẹo bên phải khi đến ngã ba chữ Y, nếu không mở đèn xi nhan sẽ gây cản trở, nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông phía sau.
Nguyên Thẩm phán Phạn Công Hùng, đã đưa đến nhiều kiến thức pháp luật, giải đáp cho bạn đọc xung quanh các đề thi, ông nói khi tranh luận sẽ in vào đầu chúng ta và khi đó là pháp luật đi vào cuộc sống. “Cái quan trọng tôi thích nhất là báo đã đưa ra những đề thi có nhiều tranh luận. Qua buổi tranh luận hôm nay mới thấy rõ sự cần thiết của hậu À RA THẾ” – ông Hùng tâm đắc.
Đến lãnh giải cuộc thi có một bạn đọc đặc biệt là anh Đỗ Văn Hào, cán bộ Cục quản lý xuất nhập cảnh Bộ công an. Anh Hào cho biết: “Tôi tham gia dự thi À RA THẾ từ năm 1999 khi còn là sinh viên Đại học Luật Hà Nội. Hồi đó được giải khuyến khích lãnh 50 số báo rất mừng, thú vị, còn được các bạn học cùng ngưỡng mộ. Bây giờ Báo Pháp luật TP.HCM khởi động lại chương trình, đưa ra những tình huống thiết thực để bạn đọc tranh luận, giúp pháp luật đi vào cuộc sống, đồng thời còn gợi mở những hướng, để cơ quan làm luật điều chỉnh khi một số điều luật chưa hợp lý”.
Chi tiết buổi trao giải, giao lưu, kính mời bạn đọc đón xem trên báo giấy ngày mai 13-9-2015.