Trẻ nhỏ ở TP.HCM có nguy cơ dịch bệnh do thiếu vaccine

(PLO)- Việc thiếu nhiều loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia làm lịch tiêm gián đoạn, có thể dẫn đến nguy cơ dịch bệnh ở trẻ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ghi nhận của PV báo Pháp Luật TP.HCM tại một số trạm y tế (TYT) trên địa bàn TP.HCM trong những ngày này cho thấy hầu hết đang thiếu không chỉ một mà nhiều loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) quốc gia.

Trẻ nhỏ ở TP.HCM có nguy cơ dịch bệnh do thiếu vaccine ảnh 1

Một trẻ ở TP.HCM đang được tiêm vaccine 5 trong 1. Ảnh: TRẦN NGỌC

Phụ huynh như “ngồi trên lửa”

Chị TTMH (32 tuổi) bước ra khỏi cổng TYT phường Tân Thới Hiệp, quận 12, TP.HCM với gương mặt lo lắng. Chị H cho hay con trai chị được 18 tháng tuổi, theo lịch của chương trình TCMR thì hôm nay bé đến lịch phải tiêm vaccine sởi - rubella (MR) nhưng nhân viên TYT nói loại vaccine này đã hết, chưa biết khi nào được cấp lại.

“Bồng con đến lại bồng con về, tôi nghe nói không chỉ ở đây mà hầu hết TYT ở TP.HCM đang hết vaccine MR và nhiều loại vaccine khác, không biết khi nào có mà rầu. Tôi biết nếu chưa tiêm ngừa, trẻ dễ có nguy cơ dịch bệnh nên nóng ruột lắm, cứ như ngồi trên lửa” - chị H than.

Nếu nhà có điều kiện kinh tế thì không phải nghĩ khi cho con đi tiêm dịch vụ nhưng khó khăn… đành phải ráng đợi vaccine trong chương trình TCMR.

Trong khuôn viên TYT phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, anh NHK (34 tuổi) dáng vẻ bồn chồn, cứ đi qua đi lại. “Con gái tôi hơn hai tuổi. Cách đây một năm, bé được tiêm mũi 2 vaccine viêm não Nhật Bản. Theo lịch của chương trình TCMR quốc gia, hôm nay là đúng ngày bé phải tiêm mũi 3 vaccine trên. Tôi đưa bé đến sớm nhưng nhân viên TYT cho biết vaccine đã hết, khi nào được TP cấp thì sẽ thông báo ngay” - anh K chia sẻ.

Cũng theo anh K, có lẽ do thấy anh sốt ruột quá, liên tục hỏi khi nào có vaccine nên nhân viên TYT khuyên nếu có điều kiện nên đưa bé đi tiêm dịch vụ. Sau khi hỏi dò, biết vaccine viêm não Nhật Bản của Thái Lan có giá gần 700.000 đồng/liều, anh nói để về bàn lại với vợ.

“Vaccine trong chương trình TCMR rất cần cho trẻ nhỏ, phòng ngừa nhiều bệnh, không hiểu các đơn vị quản lý tính toán sao lại để thiếu thế này” - anh K chặc lưỡi, đồng thời chia sẻ nếu gia đình có điều kiện kinh tế thì không phải nghĩ khi cho con đi tiêm dịch vụ nhưng những người khó khăn đành phải ráng đợi vaccine trong chương trình TCMR.

Danh mục bệnh truyền nhiễm và vaccine bắt buộc trong chương trình TCMR bao gồm: Viêm gan B, lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, bệnh do Heamophilus Inffluenzae tuýp B, sởi, viêm não Nhật Bản, rubella.

(Nguồn: HCDC)

TP.HCM đang tạm hết năm loại vaccine

Nhiều TYT trên địa bàn TP.HCM cũng đều trong tình trạng thiếu nhiều vaccine trong chương trình TCMR quốc gia, không biết khi nào được cấp lại để tiêm cho trẻ.

BS Vũ Đức Diễn, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật thuộc Trung tâm Y tế quận 12, cho biết các TYT trên địa bàn quận đang thiếu vài loại vaccine trong chương trình TCMR quốc gia do chưa được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cấp. “Các TYT sẽ lập danh sách trẻ chưa được tiêm vaccine, khi nào vaccine được phân bổ, TYT sẽ thông báo cha mẹ đưa trẻ ra tiêm” - BS Diễn nói.

Theo BS Trương Đình Nhẫn, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Bình Tân, các TYT của quận này đang thiếu nhiều loại vaccine trong chương trình TCMR quốc gia do chưa được HCDC cấp. “Nhân viên TYT tư vấn gia đình có điều kiện thì cho trẻ tiêm vaccine dịch vụ, nếu không thì khi nào được cấp vaccine trạm sẽ thông báo ngay” - BS Nhẫn chia sẻ.

“TP.HCM hiện đang tạm hết năm loại vaccine là viêm não Nhật Bản, lao (BCG), sởi - rubella (MR), bại liệt dạng uống (bOPV) và 5 trong 1 (bạch hầu - ho gà - uốn ván - viêm gan B - Hib) do chưa được Văn phòng TCMR quốc gia cấp” - BS Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc HCDC, cho hay. Cũng theo BS Nga, trẻ cần được tiêm vaccine đúng lịch. Trường hợp tiêm trễ lịch thì khi nào có vaccine cần được tiêm ngay. Việc gián đoạn tạm lịch tiêm chưa ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe trẻ nhưng có khả năng ảnh hưởng đến đáp ứng miễn dịch của trẻ.

“Trong thời gian chờ có vaccine để tiêm, trẻ cần được bảo vệ bằng các biện pháp dự phòng không dùng thuốc. Cụ thể, người lớn cần rửa sạch tay khi chăm sóc trẻ. Luôn rửa sạch tay trẻ, không để trẻ tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh. Người lớn và trẻ lớn nên tiêm phòng các bệnh đã có vaccine để bảo vệ chính mình và bảo vệ trẻ nhỏ chưa được tiêm vaccine” - BS Nga khuyến cáo.•

Có báo cáo hằng tháng

Hằng tháng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đều báo cáo tình hình tiêm chủng và nhu cầu sử dụng vaccine gửi theo hệ thống của TCMR quốc gia. Bên cạnh đó, HCDC báo cáo Sở Y tế TP.HCM tình hình tiếp nhận vaccine trong chương trình TCMR quốc gia để nơi đây báo cáo Bộ Y tế và UBND TP.HCM.

BS LÊ HỒNG NGA, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM

Hạn chế trẻ có mặt nơi đông người hoặc tiếp xúc người bệnh

Vaccine là một sinh phẩm có tác dụng tạo miễn dịch để phòng ngừa bệnh. Do đó, khi tới lịch chủng ngừa mà chưa được tiêm thì không ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe của trẻ ngay lập tức. Tuy nhiên, tương lai trẻ sẽ có nguy cơ cao mắc các dịch bệnh chưa được tiêm vaccine.

Trong điều kiện chưa có vaccine, cần cho trẻ ăn chế độ dinh dưỡng hợp lý, cho trẻ tập luyện thể thao để nâng cao sức đề kháng. Hạn chế trẻ có mặt nơi đông người hoặc tiếp xúc người bệnh để giảm nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm. Bên cạnh đó, theo dõi thông tin thường xuyên để cho trẻ được tiêm vaccine phù hợp ngay khi có.

ThS-BS NGÔ THỊ MAI PHƯƠNG, Phòng khám Nhi - Tiêm ngừa thuộc BV ĐH Y Dược TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm