Trên bảo có tội, dưới không theo

Bốn năm nay, bà Phạm Thị An (ngụ huyện Hòa Thành, Tây Ninh) đi khắp nơi khiếu nại về việc bị bà NTB chiếm dụng, sử dụng trái phép tài sản. Sự việc kéo dài do các cơ quan tố tụng địa phương không thống nhất được với nhau là bà B. có phạm tội hay không...

Mỗi cơ quan một nhận định

Bà An trình bày: Tháng 7-2010, bà làm đơn khởi kiện bà B. ra TAND huyện Hòa Thành để đòi nợ gần 3,75 tỉ đồng. Sau khi thụ lý, tòa đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra công an huyện vì nhận thấy vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

Theo TAND huyện Hòa Thành, bà B. đã nhiều lần sắp xếp người, làm giả hồ sơ giấy tờ nhà, đất rồi nói với bà An đây là trường hợp cần tiền đáo hạn ngân hàng, chỉ cần bà An đưa tiền để đáo hạn, sau khi nhận được khoản vay mới, bà B. sẽ thanh toán lại ngay. Nhưng thực chất bà B. không hề thực hiện đáo hạn để vay mới ở ngân hàng nào cả và sau đó cũng không trả nợ cho bà An.

Trên bảo có tội, dưới không theo ảnh 1

Nhận thấy vụ việc phức tạp, Công an huyện Hòa Thành đã chuyển hồ sơ lên Công an tỉnh Tây Ninh. Tháng 9-2011, các cơ quan tố tụng của tỉnh đã họp liên ngành về vụ việc. Công an và TAND tỉnh đều thống nhất là bà B. có dấu hiệu phạm tội nhưng VKS tỉnh lại cho rằng đây chỉ là giao dịch dân sự.

Sau đó, cơ quan điều tra công an tỉnh đồng ý với quan điểm của VKS tỉnh, xác định hành vi của bà B. chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm, chỉ là giao dịch dân sự nên quyết định không khởi tố vụ án hình sự.

Không giải quyết theo yêu cầu của VKSND Tối cao

Không đồng ý, bà An khiếu nại. Tháng 3-2012, VKSND tỉnh Tây Ninh đã bác khiếu nại của bà An vì cho rằng quyết định không khởi tố vụ án là có căn cứ và đúng quy định. Trong văn bản giải quyết khiếu nại, VKS tỉnh cũng khẳng định đây là quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng.

Bốn tháng sau, trả lời đơn khiếu nại của bà An, VKSND Tối cao cho biết việc bà B. nhiều lần chiếm hữu, sử dụng số tiền lớn nhưng không được sự đồng ý của bà An là có dấu hiệu phạm tội sử dụng trái phép tài sản theo quy định tại Điều 142 BLHS. Vì vậy, VKSND Tối cao đã yêu cầu VKSND tỉnh Tây Ninh tiến hành giải quyết vụ việc theo quy định pháp luật.

Hơn nửa năm chờ đợi vẫn không thấy VKSND tỉnh Tây Ninh có động thái gì, bà An tiếp tục làm đơn khiếu nại. Ngay sau đó, VKS tỉnh thông báo trả lại đơn vì đã có quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng từ tháng 3-2012.

“Tôi không biết làm sao khi mà VKSND Tối cao bảo rằng bà B. có dấu hiệu phạm tội nhưng VKSND tỉnh Tây Ninh không chịu xử lý. Đến bây giờ, tôi cũng không biết phải khiếu nại ở đâu nữa” - bà An than thở.

Không vi phạm

Từ vụ việc của bà An, một vấn đề pháp lý được đặt ra: VKS cấp trên nhận thấy vụ việc có dấu hiệu phạm tội, yêu cầu VKS cấp dưới xử lý nhưng VKS cấp dưới không thực hiện thì có vi phạm hay không?

Trao đổi với chúng tôi, kiểm sát viên cao cấp Võ Văn Thêm (Phó Viện trưởng Viện Phúc thẩm III VKSND Tối cao) cho biết: Trong ngành kiểm sát, về nguyên tắc, mỗi cấp phải tự chịu trách nhiệm về hành vi tố tụng của mình. Các hướng dẫn của cấp trên về nghiệp vụ trong một vụ án cụ thể có giá trị tham khảo.

Giải thích cặn kẽ hơn, ông Thêm cho biết về mặt tổ chức, ngành kiểm sát theo nguyên tắc thủ trưởng chế, tuân theo lệnh thủ trưởng, cấp dưới tuân theo sự chỉ đạo của cấp trên. Đó là nguyên tắc xuất phát từ việc tập trung, thống nhất lãnh đạo. Tuy nhiên, về mặt chuyên môn, VKS các cấp hoạt động tương đối độc lập và tuân thủ theo pháp luật tố tụng chứ không thực hiện theo ý thức mệnh lệnh như hành chính. Các hướng dẫn, ý kiến về một vụ án cụ thể của cấp trên được xem là mang tính tham khảo để mở hướng ra cho các vấn đề chưa rõ... nhưng VKS các cấp vẫn phải tự chịu trách nhiệm cho hành vi tố tụng của mình.

Đồng tình, một kiểm sát viên cao cấp khác cũng nhận định: Về mặt tố tụng, việc VKSND tỉnh Tây Ninh không thực hiện theo yêu cầu của VKSND Tối cao cũng không có gì sai nếu họ có quan điểm khác trong vụ việc của bà An.

Khiếu nại lên viện trưởng VKSND Tối cao

Trường hợp của bà An là khiếu nại trong hoạt động tố tụng hình sự. Điều 31 BLTTHS quy định trình tự, thủ tục và thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo do bộ luật này quy định. Trong chương Khiếu nại, tố cáo của BLTTHS, Điều 330 quy định rõ thẩm quyền giải quyết khiếu nại của ngành kiểm sát như sau: Trong trường hợp không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại thì người khiếu nại có quyền khiếu nại đến VKS cấp trên trực tiếp. VKS cấp trên trực tiếp có thẩm quyền giải quyết cuối cùng.

Trở lại vụ việc của bà An, VKSND Tối cao cho rằng có dấu hiệu phạm tội hình sự nhưng VKS tỉnh không thực hiện, trả lại đơn khiếu nại cho bà An vì cho rằng đã có quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng. Thật ra theo tôi, đây không phải là quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng. Bà An có quyền khiếu nại lên viện trưởng VKSND Tối cao để viện trưởng VKSND Tối cao xem xét, giải quyết.

Một thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm