Câu hỏi của ông chủ tịch chắc rất khó có câu trả lời thỏa đáng trong bối cảnh hiện nay.
Bởi lẽ TP.HCM có truyền thống là một trung tâm năng động nhất cả nước về kinh tế-xã hội, là cái nôi của nhiều cải cách trong quá khứ. Cứ như câu nói đã được truyền tụng là “TP đi trước về sau” thì lẽ ra việc các dự án chựng lại không thể xảy ra vào lúc này, khi mà cơ chế đặc thù dành cho TP đã có.
Về nguyên tắc, tất cả dự án đều được phê duyệt theo pháp luật và thẩm quyền của các cơ quan chức năng mà pháp luật quy định. Chính vì thế, dù Chủ tịch TP đề cập đến “việc chỉ đạo giữa các sở/ngành, quận/huyện rời rạc, không tập trung” thì cũng có nghĩa là pháp luật đã được các cơ quan này tuân thủ không nghiêm.
Dẫu biết rằng pháp luật thường đi sau cuộc sống, không phải lúc nào pháp luật cũng dự liệu được các vấn đề mà cuộc sống đặt ra nhưng điều đó cũng không cho phép cán bộ thuộc hệ thống chính quyền… không làm việc vì sự phát triển. Hiển nhiên, nếu bất kể khi nào một cán bộ thấy những quy định của pháp luật không phù hợp, cản trở sự phát triển thì trách nhiệm đầu tiên là phải kiến nghị sửa đổi theo hướng vì lợi ích của người dân, doanh nghiệp.
Mặt khác, có một điều còn có thể vượt trên pháp luật. Đó là văn hóa, đạo đức công vụ. Văn hóa và đạo đức công vụ quy định rằng: Tuy cán bộ chỉ được làm những gì pháp luật cho phép nhưng đồng thời phải tôn trọng quyền của người dân, doanh nghiệp là được làm những gì pháp luật không cấm. Rất có thể sẽ có những tình huống mà pháp luật chưa quy định nhưng nếu những nhu cầu của người dân, doanh nghiệp không trái với đạo đức xã hội, không xâm phạm lợi ích cộng đồng… thì bằng mọi cách, cán bộ phải xử lý hoặc tham mưu cho cấp trên quyết định.
Tình trạng các dự án bị chựng lại chỉ có thể là kết quả của hai tình huống. Hoặc là pháp luật đã không được vận dụng đầy đủ theo hướng có lợi cho người dân, doanh nghiệp; hoặc là cán bộ cứ “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” như nhiều lãnh đạo cấp cao đã đề cập. Và đương nhiên, khi tình trạng người dân vẫn khốn khổ vì các dự án treo, bị chựng lại thì cũng chính là lúc năng lực làm việc hay khả năng tham mưu của các cán bộ thừa hành cần đặt ra cấp thiết. Bởi biết bao lãng phí về tiền của, cơ hội phát triển đã bị lãng phí chỉ vì trách nhiệm của cán bộ chưa “đến nơi đến chốn”.
Đành là thời gian qua một số cán bộ cấp cao của địa phương bị xử lý, thậm chí bị truy tố gây tâm lý “chùn tay” cho các cán bộ nhưng không vì thế mà dẫn đến sự trì trệ; và sự xót xa của Chủ tịch TP trước các dự án bị chựng lại chắc chắn là kết quả của sự trì trệ trong hệ thống công quyền; và chỉ có sự kiên quyết thay thế những cán bộ không hết lòng vì sự phát triển mới có thể đẩy các dự án đang chựng lại tiếp tục được triển khai vì sự phát triển.
Nếu không, dù có thêm nhiều nghị quyết đặc thù nữa thì TP vẫn khó có thể tận dụng được.