Theo tờ Business Insider, trong quá trình lui binh khỏi nhiều khu vực ở Ukraine, quân Nga được cho là đã bỏ lại nhiều vũ khí hạng nặng, bao gồm xe tăng T-90 hiện đại được xem là một trong những xe tăng chiến đấu chủ lực.
Các quan chức Ukraine cho biết quân đội nước này sẽ dùng chính các vũ khí của Nga để chiến đấu chống lại Nga.
Nga để lại nhiều xe tăng chủ lực ở Ukraine?
Xe tăng T-90 là kết quả của chương trình hiện đại hóa xe tăng T-72 trong những năm cuối trước khi Liên Xô tan rã. Đây là một trong những loại xe tăng tiên tiến nhất trong kho vũ khí của Nga. Tuy nhiên, lực lượng tăng thiết giáp Nga vốn được đánh giá là có năng lực đã phải đối mặt nhiều khó khăn ở Ukraine.
Binh sĩ Ukraine kiểm tra một xe tăng T-90A của Nga bị bỏ lại ở tỉnh Kharkiv. Ảnh: AFP |
Theo báo cáo từ Oryx - trang web phân tích tình báo quốc phòng Hà Lan, từ ngày 24-2 đến 12-10, Nga đã mất hơn 1.320 xe tăng - trong đó hơn 500 xe bị thu giữ hoặc bị chính quân Nga bỏ lại. Tổn thất bao gồm gần 30 xe tăng T-90A và T-90M.
Theo các nguồn phân tích, việc này đã khiến Nga phải triển khai các loại xe tăng cũ và lỗi thời như T-62. Đây là xe tăng chiến đấu chủ lực thời Liên Xô và hiện nhiều chiếc đang được trưng bày trong một số bảo tàng Nga.
Một số nhà quan sát đã suy đoán rằng việc sở hữu T-90M - phiên bản nâng cấp của T-90A, có thể giúp Ukraine và các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hiểu rõ hơn về công nghệ quân sự của Nga.
Ngoài xe tăng, Nga còn bỏ lại gì ở Ukraine?
Xe tăng không phải là vũ khí duy nhất mà lực lượng Nga bỏ lại Ukraine. Kiev đã thu được rất nhiều vũ khí có giá trị từ đối thủ. Theo giới phân tích, việc quân đội Nga không kịp phá hủy một số phương tiện hoặc vũ khí hạng nặng trong quá trình rút lui là một dấu hiệu cho thấy tình trạng lộn xộn trên chiến trường.
Theo thống kê của Oryx, Nga đã mất hơn 7.000 phương tiện và nhiều vũ khí hạng nặng khác như pháo và hệ thống tên lửa.
Binh sĩ Ukraine kiểm tra một xe tăng T-90A khác của Nga bị bỏ lại ở tỉnh Kharkiv. Ảnh: AFP |
Những ngày qua đặc biệt hỗn loạn khi các lực lượng Nga tấn công quy mô lớn bằng tên lửa và máy bay không người lái vào các mục tiêu trên khắp Ukraine, bao gồm thủ đô Kiev và các TP xa chiến tuyến.
Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, các cuộc tấn công nói trên nhằm đáp trả vụ nổ trên cầu Crimea - cầu nối duy nhất giữa bán đảo Crimea với lãnh thổ Nga - mà Moscow cho là “hành động khủng bố của Ukraine”.
Ông Putin tuyên bố rằng Nga chỉ nhắm vào các mục tiêu quân sự, năng lượng và thông tin liên lạc của Ukraine. Tuy nhiên, theo thông tin từ Kiev, quân Nga đã nã nhiều tên lửa và máy bay không người lái vào dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự trên khắp Ukraine trong đợt tấn công lần này.
Giới phân tích nhận định các cuộc không kích nói trên không giúp ích gì cho tổng thể chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, ngược lại, nó khiến Moscow mất đi nhiều vũ khí chính xác tầm xa quan trọng, khiến kho vũ khí nước này cạn kiệt hơn nữa.
Binh sĩ Ukraine chiến đấu ở tỉnh Kharkiv. Ảnh: AA |
Thông tin từ Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine hồi đầu tuần cho biết các hệ thống phòng không của nước này đã bắn hạ một số lượng đáng kể tên lửa và máy bay không người lái.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng đợt tấn công này của Nga đã phản tác dụng khi nó vô tình khiến phương Tây viện trợ thêm vũ khí cho Kiev. Mỹ và các đồng minh NATO đang gấp rút cung cấp cho Ukraine các hệ thống phòng không hiện đại, bao gồm Hệ thống Tên lửa Phòng không Tiên tiến Quốc gia (NASAMS) của Mỹ.
Trong một phân tích vào đầu tuần này, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW, có trụ sở tại Mỹ) lưu ý rằng Nga đã lãng phí nguồn cung vũ khí chính xác đang "cạn kiệt" bằng cách tấn công các mục tiêu dân sự thay vì những mục tiêu có ý nghĩa quân sự.
Theo báo cáo của ISW, các cuộc tấn công của Nga vào lưới điện của Ukraine có thể không phá vỡ ý chí chiến đấu của Ukraine, nhưng việc Moscow sử dụng các vũ khí chính xác vốn đang bị hạn chế có thể khiến ông Putin khó lòng ngăn chặn các cuộc phản công của Ukraine dọc theo các mặt trận phía đông và phía nam.
Chia sẻ với phóng viên Business Insider, một quan chức phương Tây giấu tên nói rằng các thông tin tình báo cho thấy Nga đang "cạn kiệt" nguồn cung cấp vũ khí tầm xa, cụ thể là tên lửa hành trình, và khó có thể kéo dài chiến lược tác chiến này vô thời hạn.