TP.HCM đang trong mùa triều kiệt (chân triều rút sâu, mực nước xuống thấp), trời lại nắng chang chang nhưng một số khu vực lại có dấu hiệu ngập do triều. Cả Công ty TNHH MTV Thoát nước Đô thị TP.HCM lẫn Trung tâm Chống ngập TP đều tỏ ra bất ngờ về hiện tượng này.
Không mưa, triều thấp nhưng ngập
Trưa 13-4, trời nắng chang chang nhưng một đoạn đường Tô Ngọc Vân, phường Thạnh Xuân, quận 12 lại bị ngập. Nhận được phản ánh của người dân, chúng tôi có mặt tại hiện trường và ghi nhận nguyên nhân ngập là do nước từ dưới đường “chui” lên, giống như tình trạng ngập triều. “Mọi năm, sau tháng 5 âm lịch đường ở đây mới ngập nhưng giờ mới tháng 3 âm lịch đã ngập rồi, lạ quá!” - anh Thanh Hoàng, nhà ở khu vực này thắc mắc.
Đường Huỳnh Tấn Phát (khu vực quận 7) ngập vào chiều 17-4. Ảnh: KB
Chiều 17-4, dù trời nắng, trước đó cũng không mưa nhưng tuyến đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7 và huyện Nhà Bè) nhiều đoạn vẫn bị ngập lút cả vỉa hè. Tương tự như đường Tô Ngọc Vân, nguyên nhân gây ngập ở đường Huỳnh Tấn Phát cũng do nước từ dưới cống trào lên đen sì. Theo người dân địa phương, so với mọi năm, năm nay tình trạng ngập triều ở đường Huỳnh Tấn Phát xảy ra quá sớm.
Nghe chúng tôi phản ánh tình trạng trên, ông Nguyễn Minh Giám, Phó Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, tỏ ra bất ngờ: “Trong các tháng qua, mực triều ở TP.HCM rất thấp, chưa có đợt nào vượt quá 1,3 m nên chuyện ngập đường là rất khó giải thích”. Cụ thể, theo các bản tin của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, vào ngày 13 và 17-4 đỉnh triều đo được ở trạm Hóa An trên sông Sài Gòn chỉ dao động từ 1,07 m đến 1,25 m. Trong khi ở TP.HCM, thường đỉnh triều phải vượt báo động 3 (1,5 m) mới gây ngập.
Hiện tượng bất thường
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện Công ty Thoát nước Đô thị cho biết trong các tháng qua triều cường trên địa bàn TP rất thấp nên công ty không ghi nhận tình trạng ngập triều. “Đang trong mùa triều thấp nên chúng tôi rất ngạc nhiên khi báo lại đề nghị cung cấp thông tin về ngập triều. Chúng tôi đã liên hệ các xí nghiệp thoát nước để lấy số liệu nhưng không có. Có thể có xảy ra ngập đường nhưng do mực nước ngập không cao nên các xí nghiệp không ghi nhận” - một cán bộ phòng Quan hệ cộng đồng Công ty Thoát nước giải thích.
Tương tự, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Chống ngập TP, cũng tỏ ra ngạc nhiên: “TP đang trong mùa triều kiệt, mực nước rất thấp. Thậm chí chúng tôi vừa mới nhận được thông báo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai về chuyện phải đề phòng sạt lở bờ sông, kênh rạch do chân triều rút sâu. Do đó, khó có thể có chuyện ngập triều trong thời gian này được”. Khi chúng tôi khẳng định có ghi hình cảnh ngập triều xảy ra ở đường Tô Ngọc Vân và Huỳnh Tấn Phát, ông Dũng cho biết sẽ kiểm tra lại trước khi trả lời cụ thể về nguyên nhân gây ngập.
Theo ThS Hồ Long Phi, chuyên gia về chống ngập, đang mùa triều thấp, trời không mưa mà đường vẫn ngập là hiện tượng bất thường, cần phải theo dõi, kiểm tra để xác định nguyên nhân và tìm biện pháp khắc phục. Về nguyên nhân ngập, ông Phi nhận định có thể đường bị lún hoặc do đỉnh triều tăng cục bộ.
“Một là khi xảy ra lún, những đoạn đường trũng thấp sẽ bị ngập. Hai là có thể do tác động của các công trình xây dựng làm cho đỉnh triều trên kênh rạch tăng cao so với đỉnh triều trên sông. Do đó, nếu căn cứ vào đỉnh triều trên sông thì thấy mực nước thấp nhưng trên thực tế có thể triều khi vào kênh rạch lại dâng cao, gây ngập. Cũng có thể vừa xảy ra lún vừa xảy ra tình trạng đỉnh triều tăng cục bộ” - ông Phi giải thích.