Trung Quốc - ASEAN đàm phán COC trong tuần này

(PLO)- Báo The Jakarta Post hy vọng sẽ có bước tiến trong vòng đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông (COC) diễn ra từ ngày 8 đến ngày 10-3.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc (TQ) sẽ tiếp tục đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông (COC) từ ngày 8 đến ngày 10-3 tại thủ đô Jakarta (Indonesia), tờ The Jakarta Post đưa tin.

Việc hoàn thành đàm phán COC là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Indonesia dưới tư cách Chủ tịch ASEAN năm 2023, bên cạnh việc giải quyết cuộc khủng hoảng kéo dài ở Myanmar, theo The Jakarta Post.

Có nhiều lý do để tin rằng tân Bộ trưởng Ngoại giao TQ Tần Cương sẽ mang đến “làn gió mới” cho cuộc đàm phán khi ông đã chỉ đạo đoàn đàm phán TQ cố gắng đạt được những tiến bộ đáng kể trong cuộc họp với ASEAN lần này.

Tàu Hải cảnh Trung Quốc ở gần tàu Hải cảnh Philippines khi tàu Philippines tuần tra gần bãi cạn Scarborough vào ngày 2-3-2022. Ảnh: LỰC LƯỢNG TUẦN DUYÊN PHILIPPINES

Tàu Hải cảnh Trung Quốc ở gần tàu Hải cảnh Philippines khi tàu Philippines tuần tra gần bãi cạn Scarborough vào ngày 2-3-2022. Ảnh: LỰC LƯỢNG TUẦN DUYÊN PHILIPPINES

Có nhiều kỳ vọng về những tiến bộ có ý nghĩa từ cuộc họp ở Jakarta sắp tới, cho dù COC không có tính ràng buộc. Ít nhất, COC sẽ tái khẳng định “quyền tự do hàng hải và hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp và tự kiềm chế trong các hoạt động” trên Biển Đông.

Với vòng đàm phán mới này, TQ sẽ có một diễn đàn chính thức để thảo luận về tranh chấp trên các vùng biển với ASEAN, vì TQ dường như đang phải đối mặt “phần còn lại của thế giới” trong khi đang nỗ lực củng cố sự kiểm soát của mình ở Biển Đông.

Trước đó, trong chuyến thăm Indonesia ngày 22-2, ông Tần đã cam kết với Ngoại trưởng Indonesia - bà Retno Marsudi là đẩy nhanh đàm phán với ASEAN về COC, đồng thời khẳng định sẽ hợp tác với các nước ASEAN trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở những vùng biển có tranh chấp.

Ông Tần nói: “Cả TQ và Indonesia sẽ làm việc với các nước ASEAN khác để thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) nhằm đẩy nhanh quá trình tham vấn về COC để cùng nhau bảo vệ hòa bình và ổn định ở Biển Đông”.

Năm 2002, TQ và ASEAN nhất trí về DOC thay vì thỏa thuận đưa ra COC. DOC là một cam kết chính trị, không mang tính ràng buộc. Theo đó, TQ và ASEAN “tái khẳng định cam kết của mình đối với các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á”.

Tuy nhiên, dường như tinh thần của thỏa thuận năm 2002 đã giảm đi do TQ đã có những động thái quyết đoán trên Biển Đông. Chẳng hạn như TQ bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài về Luật Biển năm 2016 giữa Philippines và TQ, đưa ra yêu sách lãnh thổ bằng cái gọi là “đường chín đoạn” bao trọn Biển Đông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm