Năm 2022 đánh dấu tròn 20 năm ký kết Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Theo tinh thần DOC, các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc (TQ) sẽ tiếp tục thảo luận, hướng tới thống nhất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Tuy nhiên cho đến nay, các bên vẫn chưa thể thống nhất một văn kiện sau cùng.
Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM về triển vọng của quá trình đàm phán COC trong năm 2022, chuyên gia quan hệ quốc tế, TS Takashi Hosoda cho rằng các bên nên tiếp tục đối thoại, song không nên quá kỳ vọng rằng COC sẽ được hoàn thiện trong tương lai gần.
TS Takashi Hosoda là giảng viên chuyên về an ninh Đông Á tại ĐH Charles (Cộng hòa Czech) và là nghiên cứu viên tại Trung tâm Chính sách đối ngoại ở Tokyo (Nhật).
COC là một trong những nội dung được quan tâm tại hội nghị cấp cao ASEAN-TQ lần thứ 24 hồi tháng 11-2021. Ảnh: CGTN
Sự bất chấp luật pháp quốc tế của TQ hiện tại là tiền lệ xấu
Ông Hosoda chỉ ra rằng dù đã tham gia DOC, TQ có vẻ như không tôn trọng các nguyên tắc mà chính nước này đã thống nhất với các nước thành viên ASEAN.
Ông Hosoda nhắc lại rằng “đường chín đoạn” - cơ sở mà Bắc Kinh viện ra để lý giải cho các hành động ngang ngược ở Biển Đông - đã bị Tòa Trọng tài thường trực được lập ra theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật (UNCLOS) bác bỏ trong phán quyết năm 2016.
Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, lực lượng hải cảnh và dân quân biển TQ ở Biển Đông vẫn tiếp tục cản trở hoạt động khai thác dầu khí, tấn công tàu cá VN và khiêu khích nhiều quốc gia ASEAN khác.
Không chỉ vi phạm các nguyên tắc của DOC, TS Hosoda còn lưu ý rằng TQ đang “diễn giải hệ thống luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS, và các nguyên tắc chung của khu vực theo cách có lợi cho nước này”. Chuyên gia lo ngại điều này có thể là tiền đề cho Bắc Kinh tiếp tục hành xử theo ý mình, bất chấp COC có được thông qua hay không.
TQ muốn hoàn tất đàm phán COC khi Campuchia là chủ tịch ASEAN?
Năm 2019, các bên đàm phán đã đặt ra mục tiêu hoàn tất COC ngay trong năm 2021, song văn kiện này đã không thể về đích theo dự kiến với một trong các nguyên nhân lớn nhất được nêu ra là đại dịch COVID-19.
Phát biểu hôm 15-12-2021, Thủ tướng Hun Sen thể hiện tham vọng hoàn tất đàm phán COC trong năm 2022. Ảnh: EAC NEWS
Hồi giữa tháng 12-2012, Thủ tướng Campuchia Hun Sen nêu ra tham vọng hoàn tất COC ngay trong năm 2022, khi nước này đảm nhận vai trò chủ tịch luân phiên của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), theo tờ The Phnom Penh Post.
Liên quan tới vấn đề này, TS Hosoda nhận định “TQ muốn thúc đẩy đối thoại COC tiến triển bằng một cách nào đó trong khi Campuchia giữ vai trò chủ tịch trong năm nay”.
Ông Hosoda lưu ý rằng TQ đang cố gắng lôi kéo các nước ASEAN - các đối tác có quan hệ kinh tế ngày càng sâu sắc với Bắc Kinh - vào quỹ đạo ảnh hưởng của mình. Tuy nhiên, ASEAN có thế mạnh là tổ chức khu vực này đang có cơ sở ngày càng vững chắc để tăng cường “vai trò trung tâm của ASEAN”.
Lý giải cho nhận định này, chuyên gia nhắc tới “tầm quan trọng ngày càng tăng của các quốc gia ASEAN về an ninh kinh tế, an ninh hàng hải, môi trường, các mục tiêu phát triển bền vững…”. Trong khi đó, các nước quốc ngoài khu vực như Mỹ, Anh, Nhật, Úc cùng Liên minh châu Âu (EU) đang cố gắng “làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác với các nước ASEAN”.
Văn kiện vẫn còn lỗ hổng, ‘không cần vội vàng thỏa hiệp’
TS Hosoda cho rằng Văn bản dự thảo đàm phán chung về COC (SDNT) - bản thảo được các nước ASEAN và TQ thông báo hoàn tất vào tháng 8-2018 - vẫn còn tồn tại một số vấn đề.
Phiên họp cấp cao lần thứ 19 về thực thi DOC được tổ chức tại Trùng Khánh (TQ) hôm 7-6-2021. Ảnh: GLOBAL TIMES
Thứ nhất, ông Hosoda cho rằng bản dự thảo hiện tại đã không đưa ra khái niệm rõ ràng mặt địa lý liên quan phạm vi áp dụng COC. Thứ hai, các bên vẫn chưa thống nhất được COC sẽ là một văn kiện có tính ràng buộc pháp lý hay chỉ đơn thuần là một “tuyên bố chính trị”.
Thứ ba, ông Hosoda chỉ ra là SDNT không nêu ra “các quy tắc, cơ chế giải quyết tranh chấp hay chế tài rõ ràng”. Cuối cùng, TQ và các nước ASEAN không thống nhất quy định liên quan tới các quốc gia bên ngoài khu vực. Bắc Kinh mong muốn loại bỏ sự tham gia của các cường quốc không giáp Biển Đông, trong khi các nước ASEAN coi sự tham gia như vậy sẽ là nhân tố dung hòa tầm ảnh hưởng của TQ - ông Hosoda nhận định.
Thêm vào đó, ông Hosoda lo ngại rằng “ngay cả khi COC được thông qua, không rõ liệu tất cả các nước ASEAN sẽ có thể phê chuẩn hay không”. Đồng, thời, chuyên gia này cũng “cực kỳ bi quan về việc liệu COC có thể kiềm chế các hành động đơn phương quyết đoán của TQ hay không”.
Do đó, TS Hosoda cho rằng các nước ASEAN “không cần vội vàng thỏa hiệp” để đạt được COC. Đặc biệt, chuyên gia nhấn mạnh rằng để đạt được các mục tiêu liên quan COC, “cần có sự phối hợp với Indonesia, chủ tịch ASEAN năm 2023”.
Tuy nhiên, ông Hosoda nhấn mạnh “cần thiết phải tiếp tục đối thoại” để thể hiện với TQ rằng ASEAN là một phần của khu vực.
Có quan điểm tương tự TS Hosoda, ông Heimkhemra Suy - cố vấn tại Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tại Campuchia - phân tích trên tạp chí The Diplomat rằng Bắc Kinh “có thể thúc đẩy hoàn tất đàm phán COC khi Phnom Penh giữ ghế chủ tịch, hơn là chờ đến năm 2023, khi Indonesia tiếp quản vai trò này”. TQ được cho là có thể thực hiện mong muốn này nhờ vào quan hệ nồng ấm với Campuchia. Ông Heimkhemra Suy còn cảnh báo các bên nên kiềm chế vì bất kỳ sự cố nghiêm trọng nào ở Biển Đông trong năm 2022 cũng có thể đóng băng đàm phán COC. |