Làn sóng phản đối hành vi xâm phạm biển Đông của Trung Quốc đang tăng cao, không những trong cộng đồng người Việt ở khắp nơi trên thế giới mà còn của chính những bạn bè quốc tế.
Tuy nhiên, trước tình hình đó, phía Trung Quốc vẫn tiếp tục đưa ra những thông tin sai sự thật và ngược ngạo về diễn biến tại biển Đông. Trước đó phía Trung Quốc đưa ra đề nghị đàm phán, song lại kèm theo nhiều điều kiện phi lý và kỳ quặc như Việt Nam phải rút hết tàu thuyền tại khu vực giàn khoan – vốn là khu vực thuộc chủ quyền Việt Nam.
Trong chiều ngày 13-5, Trung Quốc lại tiếp tục tăng cường số lượng tàu để cản phá tàu chấp pháp của Việt Nam làm nhiệm vụ. Trong ngày 14-5, Trung Quốc tiếp tục đưa ra tuyên bố: “Việt Nam phải tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc” trong khi giàn khoan khủng Hải Dương 981 của họ đang “chễm chệ” trong vùng đặc quyền kinh tế/thềm lục địa của Việt Nam với âm mưu sẽ chọc mũi khoan xuống vùng biển này.
Bản đồ vị trí giàn khoan HD 981 của Trung Quốc cho thấy giàn khoan hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền của Việt Nam. Ảnh: Internet
Trong một cuộc điện đàm với Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc, ngoại trưởng Mỹ John Kerry cáo buộc việc ngang nhiên đưa giàn khoan vào biển Đông của Trung Quốc là hành động khiêu khích rất rõ ràng. Nhưng ngay sau đó, lời của ông Kerry đã bị phía Trung Quốc “bẻ” thành Mỹ không có ý kiến gì về vấn đề chủ quyền ở biển Đông và sẽ không đánh giá ai đúng ai sai trong tranh chấp này.
Khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ ông Jen Psaki phản bác lại “lời nói dối trắng trợn” này thì phía Trung Quốc lại cho rằng vấn đề ở biển Đông nên để cho các nước có liên quan trực tiếp giải quyết. Mỹ không có cơ sở để xen vào tranh chấp của các nước trong khu vực mà Mỹ không có vai trò.
Các tàu Trung Quốc áp sát, khống chế và cản trợ tàu chấp pháp của Việt Nam làm nhiệm vụ
Ngoại trưởng Philippine Albert del Rosario hôm nay đã thẳng thừng cáo buộc Trung Quốc đang có những hoạt động nhằm cải tạo bãi đá ngầm Johnson (Việt Nam gọi là Gạc Ma, Trung Quốc gọi là Xích Qua Tiêu) thuộc quần đảo Trường Sa trong quần đảo Trường Sa, để xây dựng một đường băng hoặc một căn cứ quân sự tại đây. Động thái này khiến làn sóng phản đối Trung Quốc ở Manila tăng cao.
Peter Paul Galvez , phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Philippines, cho biết bằng chứng về hoạt động của Trung Quốc trên các rạn san hô đã được thể hiện trong các bức ảnh trên không được thực hiện bởi Hải quân Philippines. Nếu thực sự hình thành một sân bay tại đây, Trung Quốc sẽ tiến một bước dài trong việc kiểm soát đường hàng không trong khu vực biển Đông. Theo lời một quan chức Phillipnes, Trung Quốc sẽ tiến tới xác định khu vực phòng không trong quần đảo Trường Sa.
Tàu Trung Quốc xịt vòi rồng vào tàu cảnh sát biển Việt Nam
Khu vực bãi ngầm Johnson thuộc quần đảo Trường Sa có diện tích nhỏ. Việc hình thành sân bay hay căn cứ quân sự không có nhiều ý nghĩa về quy mô nhưng nó như một cách “đặt để” vai trò chính trị của Trung Quốc ở biển Đông.
An Khương (Theo Reuters)