Đưa chuyện giàn khoan trái phép vào đề văn lớp 12

Sáng 12/5/2014, tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết ra đề thi với chủ đề hướng về biển đảo Tổ quốc dành cho học sinh lớp 12 D1 - trường THPT Chu Văn An, Hà Nội.

Trong câu 1, 2, 3 cô Tuyết đã cung cấp tài liệu là bài thơ "Tổ quốc nhìn từ biển" của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến. Sau đó, học sinh trả lời câu hỏi có vận dụng PISA theo hướng dẫn của Bộ GD& ĐT về cấu trúc đề thi năm học 2013-2014.

đề thi, môn văn, biển đảo, giàn khoan, TQ, trái phép, biển Đông, Chu Văn An
Nội dung đề thi do tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết ra cho học sinh lớp 12 Trường THPT Chuyên Chu Văn An, Hà Nội.

Trong câu 4, Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết yêu cầu học sinh viết luận, trích dẫn lời nhà thơ Nguyễn Việt Chiến: “Chúng ta là con dân của đất Việt, ông cha ta từ ngàn năm trước đã lên rừng, đã xuống biển để khai phá, dựng xây non nước này. Và, biển - đảo ấy là một phần gia tài nghèo khó mà ông cha ta tự ngàn xưa đã không tiếc máu xương, công sức để giữ gìn, để truyền đời lại cho cháu con hôm nay”.

Ngày 1/5/2014, Trung Quốc đã hạ đặt giàn khoan HD981 cùng hơn 80 tàu có vũ trang, tàu quân sự và máy bay hộ tống đi vào sâu tới 80 hải lý trong thềm lục địa và khu Đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đó là "sự kiện 1/5" gây phẫn nộ sâu sắc triệu triệu tấm lòng con dân đất Việt. Ngày 11/5/2014, nhân dân Việt Nam khắp ba miền đất nước đã xuống đường phản đối hành vi bất hợp pháp của Trung Quốc ở khu vực biển đảo Tổ Quốc.

Từ quan điểm của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, từ những sự kiện trên, anh/chị hãy viết một bài luận khoảng 600 từ, trình bày suy nghĩ của mình về chủ quyền dân tộc.

Nói về đề thi dành cho học sinh lớp 12 khi các em bước vào tuổi 18 để cho trò thể hiện tình yêu quê hương đất nước, cô Trịnh Thu Tuyết cho biết hàng tuần cô đều cung cấp đề đọc hiểu theo hướng cấu trúc mới của Bộ GD-ĐT để các em luyện thi tốt nghiệp và ĐH-CĐ.

Không chỉ ra đề cho học sinh trên lớp, cô cũng đăng tải đề lên trang cá nhân để bất cứ trò nào quan tâm đều có thể theo dõi. Sang tuần mới cô cung cấp đáp án đề tuần trước và đăng đề mới.

Các câu hỏi có liên quan đến chủ đề biển đảo là đề đọc hiểu số 5 cô ra. "Thực ra trước đó tôi định đưa ngữ liệu là một bài thơ tình yêu của tác giả nước ngoài. Sau đến 11/5 thì đổi lại, cập nhật thông tin sự việc TQ đặt giàn khoan trái phép".

Theo cô Tuyết: "Những vấn đề như vậy không chỉ dừng ở tình yêu thông thường mà có thể tác động sâu hơn, chạm tới trái tim yêu nước của mỗi người dân Việt Nam.

Không chỉ biết đến thời gian, game, K-pop, học trò cũng rất chú ý, quan tâm đến các vấn đề chính trị xã hội. Vấn đề là người giáo viên biết thắp lên ngọn lửa đó trong lòng các em thôi" - cô Tuyết tâm sự.

Trong bài làm của học sinh, cô Tuyết cho hay nhiều em đã cập nhất các cuộc xuống đường phản đối của người dân ở cả 3 miền, trên thế giới phản đối hành động đặt giàn khoan trái phép của Trung Quốc. Các em cũng nhắc đến hội nghị ASEAN, những hiểu biết về thềm lục địa,..."

Phần viết luận của học sinh có 2 bài làm độc đáo nhất, đó là các em viết thư gửi Bác Hồ và gửi người cha là chiến sĩ hải quân.

Đề đọc hiểu số 5:

Đọc đoạn trích sau đây trong bài thơ Tổ Quốc nhìn từ biển của Nguyễn Việt Chiến và trả lời các câu hỏi: Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa Trong hồn người có ngọn sóng nào không? (4/2009)

1. Anh/chị hiểu như thế nào về nhan đề Tổ Quốc nhìn từ biển? Trong cả bài thơ, những câu thơ: Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển... Nếu Tổ quốc nhìn từ bao quần đảo.. Nếu Tổ quốc nhìn từ bao thương tích.... Nếu Tổ quốc nhìn từ bao hiểm họa.. Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát luôn lặp lại như một điệp khúc. Điệp khúc cho thấy tác giả đã chọn một điểm nhìn khá đặc biệt để gợi cho người đọc những suy ngẫm về Tổ Quốc. Đó là góc nhìn nào, góc nhìn ấy đưa đến cho anh/chị những xúc cảm, suy ngẫm như thế nào?

2. Theo anh/chị, còn có những góc nhìn nào về Tổ Quốc bên cạnh góc nhìn của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến?

3. Hình ảnh "sóng" trong hai câu cuối khổ thơ được thể hiện trong tầng ý nghĩa nào? Chỉ rõ biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong hai câu thơ này?

4. Trong bài viết Nhà thơ, Tổ quốc và tự do, 6/2009, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến có viết: “Chúng ta là con dân của đất Việt, ông cha ta từ ngàn năm trước đã lên rừng, đã xuống biển để khai phá, dựng xây non nước này. Và, biển - đảo ấy là một phần gia tài nghèo khó mà ông cha ta tự ngàn xưa đã không tiếc máu xương, công sức để giữ gìn, để truyền đời lại cho cháu con hôm nay.”

Ngày 1/5/2014, Trung Quốc đã hạ đặt giàn khoan HD981 cùng hơn 80 tàu có vũ trang, tàu quân sự và máy bay hộ tống đi vào sâu tới 80 hải lý trong thềm lục địa và khu Đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đó là "sự kiện 1/5" gây phẫn nộ sâu sắc triệu triệu tấm lòng con dân đất Việt. Ngày 11/5/2014, nhân dân Việt Nam khắp ba miền đất nước đã xuống đường phản đối hành vi bất hợp pháp của Trung Quốc ở khu vực biển đảo Tổ Quốc. Từ quan điểm của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, từ những sự kiện trên, anh/chị hãy viết một bài luận khoảng 600 từ, trình bày suy nghĩ của mình về chủ quyền dân tộc.

  • Theo Văn Chung (VNN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm