TRỢ LÝ GIÁO SƯ TRẦN ĐỊNH ĐỊNH:

Trung Quốc coi thường hình ảnh quốc gia

Trong bài viết trên trang web của hãng tin GMA News (Philippines) ngày 11-6, GS Robert Sutter ở ĐH George Washington (Mỹ) nhận định Trung Quốc (TQ) chẳng xem trọng chuyện mất mát uy tín và danh dự do hành động gây hấn ở biển Đông.

Giải thích về vấn đề này trên tạp chí The Diplomat (Nhật) ngày 12-6, trợ lý giáo sư Trần Định Định ở ĐH Macau ghi nhận trong những năm gần đây TQ không kiên định trong nỗ lực gia tăng quyền lực mềm hay xây dựng hình ảnh quốc gia tích cực. Ông đưa ra ba lý do:

TQ không nắm được ý tưởng hình ảnh quốc gia hay quyền lực mềm: TQ xem sức mạnh vật chất là yếu tố rất quan trọng trong quan hệ chính trị quốc tế trong khi quyền lực mềm chỉ là sản phẩm phụ của sức mạnh vật chất. Vì thế TQ chấp nhận thực tế rằng “thà nước khác sợ mình hơn mình được các nước yêu mến”.

Biểu tình phản đối TQ trước lãnh sự quán TQ tại TP Makati ngày 12-6. Biểu ngữ ghi dòng chữ “China back off!” (TQ cút đi!). Ảnh: INQUIRER

Đây có thể là lý do đứng sau chính sách ngoại giao của TQ trong những năm gần đây. Do đó không có gì ngạc nhiên khi TQ không quan tâm nhiều đến công việc thúc đẩy xây dựng hình ảnh quốc gia.

TQ thiếu kinh nghiệm trong việc xây dựng hình ảnh quốc gia: Nếu TQ thực sự xem trọng hình ảnh quốc gia thì vấn đề nằm ở chỗ TQ vụng về trong quá trình này.

Trong những năm gần đây, Bắc Kinh tập trung nhiều nguồn lực vào ngoại giao công chúng và gặt hái nhiều kết quả khác nhau. Hãy để ý số tiền TQ bỏ ra tại Thế vận hội mùa hè năm 2008 để thúc đẩy hình ảnh. Rõ ràng TQ thực sự muốn thể hiện một hình ảnh hòa bình và tích cực đối với cộng đồng quốc tế.

Tuy nhiên, giới chức phụ trách thúc đẩy hình ảnh quốc gia của TQ hoặc không có kinh nghiệm hoặc không phối hợp giữa nhiều bộ ngành, trong đó có Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng.

Ví dụ về trường hợp Bộ Ngoại giao TQ công bố văn bản về cuộc khủng hoảng giàn khoan Hải Dương 981 (ngày 8-6) sau một tháng đưa giàn khoan vào lãnh thổ của Việt Nam. Câu hỏi đặt ra là tại sao Bắc Kinh không làm việc này sớm hơn?

TQ cáo buộc tàu Việt Nam đụng tàu TQ hơn 1.400 lần nhưng cáo buộc này sẽ thuyết phục hơn nếu TQ công bố băng ghi hình chứng minh. Còn nhiều ví dụ như thế cho thấy công tác ngoại giao công chúng của TQ cần thêm nhiều kỹ năng và tinh tế.

TQ xem trọng lợi ích quốc gia hơn hình ảnh quốc gia: Khi buộc phải chọn lựa giữa chủ quyền và hình ảnh quốc gia, Bắc Kinh đã chọn chủ quyền quốc gia.

Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đã phát biểu TQ không bao giờ hy sinh lợi ích quốc gia cốt lõi bất chấp hoàn cảnh nào. Từ quan điểm này cho thấy TQ xem hình ảnh quốc gia chỉ là yếu tố thứ yếu.

DUY KHANG

Báo Inquirer (Philippines) đưa tin ngày 12-6, khoảng 200 người đã tập trung trước lãnh sự quán TQ tại TP Makati thuộc vùng thủ đô Manila để biểu tình phản đối TQ leo thang trong tranh chấp ở biển Đông. Biểu tình do đảng Hành động công dân tổ chức. Nguyên cố vấn an ninh quốc gia Roilo Golez cùng tham gia biểu tình.

Những người biểu tình mang theo cờ nước, ảnh chân dung anh hùng dân tộc Apolinario Mabini và hô khẩu hiệu “TQ cút đi” để bày tỏ tức giận trước thông tin TQ xây dựng trên bãi đá ngầm Gạc Ma và các khu vực tranh chấp khác ở biển Đông. Biểu tình diễn ra ôn hòa và giải tán trong trật tự.

LÊ LINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới