Trung Quốc tập trận ở Thái Bình Dương

Tân Hoa xã (TQ) cho biết đội tàu gồm tàu khu trục tên lửa Thanh Đảo cùng với hai tàu hộ vệ tên lửa Yên Đài và Diêm Thành.

Trên đường đến Thái Bình Dương, đội tàu sẽ tiến hành nhiều cuộc tập trận ở Hoàng Hải, biển Hoa Đông, biển Đông, eo biển Miyako (giữa đảo Miyako và Okinawa của Nhật), eo biển Bashi (giữa đảo Y’Ami của Philippines và đảo Orchid của lãnh thổ Đài Loan). Dự kiến đội tàu sẽ tiến hành hơn 20 cuộc tập trận.

Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Hồng Lỗi tuyên bố gợi ý của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe về tổ chức cuộc gặp cấp cao Nhật-Trung là điều cần thiết để hàn gắn quan hệ song phương.

Ông nói TQ hy vọng hai bên nỗ lực vượt qua khó khăn, đưa quan hệ song phương trở lại bình thường. Ông cho rằng hai nước cần giải quyết căng thẳng về vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư dựa trên các văn kiện chính trị mà hai nước đã ký kết.

Trung Quốc tập trận ở Thái Bình Dương ảnh 1

Ngày 30-1, Tổng thống Benigno Aquino III (phải) đón tiếp Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Edward Royce tại phủ tổng thống ở Manila. Ảnh: VĂN PHÒNG TỔNG THỐNG PHILIPPINES

Trong ngày 30-1, người phát ngôn Văn phòng sự vụ Đài Loan thuộc Quốc vụ viện TQ nói bảo vệ lãnh thổ ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là trách nhiệm chung của đồng bào hai bên bờ eo biển Đài Loan.

Tuyên bố được đưa ra sau khi một số thành viên đảng Liên minh Đoàn kết Đài Loan và đảng Dân tiến ở Đài Loan kêu gọi chính quyền Đài Loan không nên hợp tác với TQ chống Nhật trong vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Trong khi đó ngày 29-1, tại New Delhi (Ấn Độ), hai phái đoàn Nhật và Ấn Độ đã tham dự đối thoại hàng hải Ấn-Nhật lần thứ nhất.

Báo Times of India (Ấn Độ) nhận định trước cách hành xử cưỡng ép của TQ ở biển Đông và biển Hoa Đông, hai bên đã nhất trí phối hợp di chuyển và tập trận trên biển. Báo cho biết hải quân hai nước có thể tiến hành thêm nhiều cuộc tập chung ở Nhật và ngoài khơi bờ biển Somalia.

Liên quan đến biển Đông, tại Philippines ngày 30-1, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Patrick Velez thông báo cuối tháng 2, chính phủ sẽ hoàn tất thương vụ mua 12 máy bay chiến đấu hạng nhẹ FA-50 của Công ty Korea Aerospace Industries (Hàn Quốc). Hợp đồng trị giá 443 triệu USD.

Trợ lý Patrick Velez cho biết trong sáu tháng sau khi ký hợp đồng, hai máy bay FA-50 đầu tiên sẽ được giao cho Philippines. Ông cũng thông báo đến tháng 4 tới, Philippines có thể chào mua thêm tàu chiến.

Cùng ngày, người phát ngôn tổng thống Philippines thông báo số máy bay nêu trên sẽ được sử dụng cho mục đích huấn luyện, tìm kiếm cứu hộ và đánh chặn. Người phát ngôn cho biết không quân Philippines hiện không hoạt động bất cứ máy bay nào vì năm 2005 đã ngừng sử dụng các máy bay F-5 cũ.

Người phát ngôn nhấn mạnh công tác nâng cấp quân đội không nhằm vào một nước cụ thể nào và đây là mục tiêu ưu tiên được ấn định trước khi xảy ra căng thẳng với TQ ở bãi cạn Scarborough.

Ngày 30-1 tại thủ đô Manila, phái đoàn năm nghị sĩ Mỹ do Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Edward Royce dẫn đầu đã yết kiến Tổng thống Benigno Aquino III.

Tại cuộc gặp, hai bên đã trao đổi về hợp tác kinh tế, quốc phòng và các vấn đề an ninh trong khu vực, trong đó có vấn đề tranh chấp ở biển Đông. Tổng thống Benigno Aquino III đã giải thích lý do Philippines kiện TQ ra tòa án trọng tài của Công ước LHQ về Luật Biển.

LÊ LINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm