Theo dòng thời sự

Trung Quốc trước viễn cảnh bị thế giới cô lập

Trung Quốc (TQ) đã công bố Kế hoạch năm năm lần thứ 14 (giai đoạn 2021-2025) và tầm nhìn dài hạn đến năm 2035 của Bắc Kinh. Trong đó, Bắc Kinh không giấu tham vọng sẽ trở thành cường quốc dẫn đầu thế giới. Chính quyền TQ thời gian qua đã đẩy mạnh các hoạt động quảng bá mô hình phát triển “kiểu TQ”, hàm ý cạnh tranh với mô hình phương Tây do Mỹ dẫn đầu. Từ Sáng kiến Vành đai - Con đường, đến “ngoại giao nhân dân tệ”, “ngoại giao y tế”…, tất cả đều cho thấy TQ một mặt cạnh tranh Mỹ nhưng mặt khác cũng muốn xây dựng lòng tin, tạo lập một hệ thống riêng do TQ lãnh đạo.

Tuy nhiên, hình ảnh của TQ đang bị chính họ bôi xấu. Biển Đông vốn là khu vực rất nhộn nhịp, có vai trò địa chính trị, địa kinh tế rất quan trọng với rất nhiều quốc gia. Ngoài Mỹ, thời gian gần đây đã có Úc, Nhật Bản, Ấn Độ và nhiều nước EU bắt đầu hiện diện và bày tỏ quan điểm thường xuyên. Tất cả đều có điểm chung: Muốn tự do hàng hải đảm bảo, muốn các nước thượng tôn pháp luật. Tuy nhiên, chỉ có mình TQ đứng ngoài cuộc.

Việc TQ cử hàng trăm tàu dân quân biển ngụy trang tàu cá đến đá Ba Đầu ở Trường Sa không phải là hành động phi pháp duy nhất mà Bắc Kinh thực hiện ở vùng biển này. Lịch sử ghi nhận TQ nhiều lần dùng bạo lực trái phép; bồi lấp và quân sự hóa các đảo nhân tạo; cho tàu hải cảnh và tàu dân quân biển quấy rối, đe dọa, va đâm tàu nước khác; giải thích luật pháp quốc tế theo kiểu chỉ có mỗi TQ là có thể chấp nhận được. Tất cả đều phi pháp, lặp lại nhiều lần với tần số và cường độ ngày càng tăng. Tiếc thay, luật pháp quốc tế không tạo ra được sự cưỡng chế trực tiếp buộc TQ phải thực thi luật chơi chung.

Tuy nhiên, trong trung và dài hạn, nếu vẫn tiếp tục duy trì đường lối ngoại giao và hành xử hung hăng, phi pháp, viễn cảnh TQ bị cô lập là rất khả dĩ. Quá nhiều hoài nghi liên quan đến các sáng kiến mà TQ tạo ra để lôi kéo đối tác, đồng minh, bao gồm Sáng kiến Vành đai - Con đường, “ngoại giao nhân dân tệ”, “ngoại giao y tế”… Các nước hoài nghi về tính minh bạch, về sự tôn trọng luật chơi chung, về nguyên tắc “tất cả các bên đều có lợi” và về trách nhiệm của người đứng đầu là TQ.

Làm sao không hoài nghi khi Hiến chương Liên Hợp Quốc, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), phán quyết của Tòa Trọng tài 2016, Tuyên bố về ứng xử của các nước ở Biển Đông (DOC)… đều bị TQ xem như những “tờ giấy vô giá trị”! Làm sao dám tin vào một đối tác mà diễn giải luật pháp quốc tế theo cách chỉ mình họ được lợi! Làm sao đặt kỳ vọng vào một “lãnh đạo” chỉ thích dùng bạo lực để đe dọa và bắt nạt! Và làm sao dám lại gần một quốc gia chỉ muốn biến “của nước khác thành của nước mình”!

Với tất cả những gì TQ đã và đang làm, lòng tin của các nước đang bị xói mòn nghiêm trọng. Thực tế là các nước bắt đầu trừng phạt Bắc Kinh, điển hình là Mỹ đã liệt các doanh nghiệp, cá nhân tiếp tay cho TQ xây đảo nhân tạo ở Biển Đông. Xu hướng đối đầu TQ sẽ còn kéo dài cho đến khi nào Bắc Kinh chưa chấm dứt cách hành xử hung hăng, phi pháp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm