Trung Quốc tự tạo cứ liệu làm bệ đỡ dư luận

Những động thái trên biển của Trung Quốc (TQ) đang diễn ra mỗi lúc một nhanh và dày đặc hơn. Đó là nhận định của TS Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu kinh tế và chiến lược TQ (VCES) thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, ĐH Kinh tế - ĐHQG Hà Nội tại hội thảo “Lợi ích của TQ từ việc chuyển dịch không gian hàng hải: Một tiếp cận liên ngành” do VCES phối hợp Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới (IWEP) thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức sáng 3-6.

TS Đặng Hồng Sơn (khoa Lịch sử Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho hay TQ phát triển mạnh mẽ ngành khảo cổ học dưới nước trong nhiều năm trở lại đây. Theo đó, ở vùng duyên hải đông và đông nam, TQ đã tìm kiếm và phục dựng hàng loạt con tàu cổ đại bằng những kỹ thuật và máy móc rất hiện đại. Bên cạnh đó, nước này cũng đang ra sức đẩy mạnh khảo cổ học dưới nước ở ven biển Đông.

Dù TQ có tự tạo dựng những chứng cứ theo lý lẽ của mình đến đâu nữa thì một sự thật lịch sử không thể phủ nhận được là quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Trong ảnh: Trẻ em đang vui chơi trên đảo Sinh Tồn Đông (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Ảnh: ĐỨC HIỂN

Để làm được những điều đó, TQ đã rất “bạo tay” trong việc chi tiền. Điển hình, theo ông Sơn, Bắc Kinh đã không ngần ngại chi tới 45 triệu USD để khai quật tàu Nam Hải 1, đồng thời bỏ ra 30 triệu USD để xây Bảo tàng Con đường tơ lụa Quảng Đông, đưa con tàu này vào trưng bày.

Đâu là động cơ chính để TQ chú trọng phát triển lĩnh vực này? Thực chất, TQ đầu tư vào khảo cổ học là nhằm tạo ra một nhận thức phổ thông đối với người dân TQ, rằng nơi nào có dấu vết vật chất như gốm sứ, tiền đồng, vỏ tàu thuyền,… có nguồn gốc TQ thì đó là lãnh thổ và lãnh hải của nước này. Ông Sơn nhận định việc kiến tạo kiến thức đó sẽ là bệ đỡ dư luận cho những chính sách và hành động của giới lãnh đạo TQ trong việc chuyển dịch không gian hàng hải.

Nhận định về vấn đề này, TS Trương Minh Huy Vũ, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS) (ĐH KHXH&NV TP.HCM), cho rằng TQ đang nỗ lực kiến tạo lại lịch sử, nói cách khác là tự tạo một hệ thống kiến thức, chuẩn bị các bằng chứng và tri thức (theo tư duy và lý lẽ của họ) để bảo vệ quan điểm của nước này mà trọng điểm là duy trì, thực hiện yêu sách đường chín đoạn.

Trước sự chuyển dịch nhanh chóng trong việc cải tạo, xây dựng đảo của TQ từ năm 2014 đến nay, TS Vũ đưa ra khái niệm về trật tự “loại trừ” mà TQ đang tiến hành trên biển Đông. Theo TS Vũ, có thể nhận thấy một thách thức rõ ràng rằng TQ sẽ liên kết các đảo thành một thế trận, cắt các đường tiếp vận của các đảo thuộc chủ quyền của các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam.

Trật tự “loại trừ” mà TQ đưa ra nhằm chống lại trật tự “bao hàm” mà Mỹ và các đồng minh đang bảo vệ, đồng thời đe dọa an ninh của Việt Nam. Vì vậy, ông Vũ cho rằng Việt Nam cần cùng bảo vệ một trật tự “bao hàm”, trong đó tập trung vào cả bốn chiều kích trên biển, không gian biển, không gian dưới lòng biển và công tác thông tin.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm