Mới đây, chiếc phi cơ tuần tra P-8A Poseidon của Mỹ đã tiến hành các hoạt động bay trên khu vực biển Đông, bất chấp Trung Quốc (TQ) liên tục đưa ra các cảnh báo rằng Mỹ đang “gây nguy hiểm” và “không có lợi cho hòa bình” tại khu vực. Washington tuyên bố sẽ tiếp tục tăng cường tuần tra trên không và trên biển ở biển Đông do các chuyên gia an ninh lo ngại rằng TQ có thể áp đặt các quy tắc hạn chế lưu thông trên không lẫn trên biển ở quần đảo Trường Sa sau khi nước này xây dựng xong bảy hòn đảo nhân tạo một cách trái phép.
Xây dựng vùng “chống tiếp cận”...
Bắc Kinh đã và đang rất thận trọng về ý định sử dụng các thực thể được cải tạo. Dù chính quyền Tập Cận Bình đã tuyên bố sử dụng đảo nhân tạo cho các hoạt động dân sự và cứu hộ trên biển nhưng rõ ràng Quân đội Giải phóng Nhân dân TQ (PLA) sẽ là một phần chủ lực không thể thiếu trong kế hoạch của Bắc Kinh tại Trường Sa. Bằng chứng là đường băng dài khoảng 3.000 m được Bắc Kinh xây dựng tại bãi đá Chữ Thập.
Từ năm ngoái, giới quan sát đã lo ngại rằng TQ sẽ tận dụng các cơ sở đảo nhân tạo để tiến hành áp đặt một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại biển Đông. Thậm chí chính quyền TQ tuyên bố nước này có toàn quyền thiết lập một ADIZ ở biển Đông. Nếu điều này xảy ra thì ADIZ biển Đông sẽ là cánh tay nối dài của ADIZ mà TQ tuyên bố tại biển Hoa Đông hồi tháng 11-2013, biểu trưng cho hành động mở rộng ảnh hưởng và “khoe cơ bắp” của Bắc Kinh. Nhiều chuyên gia còn cho rằng thậm chí Bắc Kinh sẵn sàng áp đặt một AIDZ ở biển Đông mà không cần đưa ra bất kỳ thông báo nào đến các nước liên quan.
Kịch bản này càng có cơ sở khi hôm 20-5, các cảnh báo hung hăng phát ra từ radio của hải quân TQ đến phi cơ trinh thám P-8A của Mỹ bay gần bãi đá Chữ thập rằng đó là “vùng cảnh báo quân sự” của TQ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Hồng Lỗi còn ngầm ám chỉ đến thứ mà Bắc Kinh ngang nhiên gọi là các “vùng kiểm soát mới” của TQ. Hơn thế nữa, Bắc Kinh còn tuyên bố các thực thể được nước này cải tạo trên biển Đông tạo ra một vùng lãnh hải 12 hải lý thuộc chủ quyền TQ, bất chấp vi phạm luật pháp quốc tế và những cam kết về nghĩa vụ của Bắc Kinh đối với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) mà TQ đã phê duyệt.
“Tốc độ, quy mô, cường độ và phạm vi vượt xa quy định luật pháp quốc tế của việc cải tạo đất đai, xây dựng cơ sở hạ tầng mà TQ đang thực hiện tại biển Đông là rất hiếm, thậm chí là chưa bao giờ diễn ra trong lịch sử thời bình của con người”. Ảnh minh họa: smh.com.au
Hay chiến thuật “không đánh mà thắng”?
Cho tới hiện tại mọi suy đoán về mặt quân sự lẫn pháp lý liên quan đến đảo nhân tạo đều chưa dẫn đến một kết luận thuyết phục về mưu đồ của Bắc Kinh. Nhìn ở một cách tiếp cận khá độc đáo và khác biệt, Phó Giáo sư (PGS) Alexander L. Vuving, Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á-Thái Bình Dương, trong bài phỏng vấn trên trang International-Relations.Asia, cho rằng TQ đang dụng thuật của cha đẻ “Binh pháp Tôn tử” để lại.
PGS Alexander L. Vuving nhận định TQ tiến hành cải tạo đảo dựa trên một nguyên tắc không theo logic suy nghĩ thường thấy của phương Tây là để đánh nhau hay để hợp thức hóa các đảo về mặt luật pháp. Triết lý cơ bản của TQ có thể được tìm thấy trong tác phẩm Art of War (tạm dịch: Nghệ thuật của chiến tranh hay còn được biết đến với cái tên Binh pháp Tôn Tử) của Tôn Vũ, với ý niệm cốt lõi chính là “chiến thắng mà không cần chiến đấu”, không cần quân sự hay yếu tố luật pháp.
Các hoạt động của TQ tại biển Đông bao gồm ra sức cải tạo đảo ngầm phục vụ cho lực lượng quân đội Giải phóng Nhân dân TQ (PLA), cũng như các lực lượng phi quân sự,… chính là những “viên gạch” nền tảng để Bắc Kinh có thể “chiến thắng mà không cần chiến đấu”.
“Những gì TQ đang làm là cố gắng thiết lập sự hiện diện thông qua các đảo nhân tạo trái phép ở nhiều vị trí khác nhau, đồng thời xây dựng chúng thành những vùng trọng yếu để có thể kiểm soát về mặt chiến lược tại biển Đông” - Alexander Vuving giải thích.
Thông qua việc xây đảo, Bắc Kinh muốn tạo dựng nên vị thế mới về mặt địa chính trị, điều sẽ khiến mọi người nhìn vào xu hướng thay đổi mọi thứ (về đảo, các khu dân cư, cơ sở hạ tầng, căn cứ quân sự…) tại biển Đông và tin rằng TQ rồi sẽ giành chiến thắng cuộc chơi. TQ tin rằng các nước sẽ hiểu “động đến Bắc Kinh chẳng có lợi ích gì” (vì TQ ở khắp mọi nơi), từ đó né tránh đụng độ và sau cùng là chấp nhận từ bỏ.
Điều này dường như hoàn toàn phù hợp với chiến thuật “cờ vây” mà chính GS Alexander Vuving đã đề cập trong nhiều bài viết “Bàn cờ biển Đông 2015” (đăng trên Pháp Luật TP.HCM đầu 2015) với hàm ý Bắc Kinh dùng những “tảng đá” có vẻ không có sức nặng khi chúng nằm rời rạc, sau đó xếp chúng (thành các đảo nhân tạo) ở các vị trí mang tính chiến lược sẽ tạo ra thế bao vây, khiến các đối thủ sẽ tự chết vì “thiếu không khí”. Dụng thuật này, không ai giỏi hơn những “tay cờ vây” Bắc Kinh.
Biển Đông: Vùng chiến tranh mới của lịch sử?
Mỹ không có chủ quyền tại biển Đông, đó là lý do Bắc Kinh liên tục khẳng định Mỹ không hề có bất kỳ quyền lợi chính đáng nào liên quan tại khu vực. Tuy nhiên, dù TQ có đang áp dụng chiến thuật “xây vùng chống tiếp cận” hay “không đánh mà thắng” thì phía Washington cũng bác bỏ nhận định Mỹ-không-liên quan của Bắc Kinh.
Một nguyên tắc xuyên suốt trong chính sách đối ngoại của Mỹ kể từ khi nước này ra đời chính là phải đảm bảo tự do hàng hải. Vùng cảnh báo quân sự mới của TQ và yêu sách của Bắc Kinh đối với vùng lãnh hải xung quanh các thực thể được cải tạo chắc chắn sẽ dẫn đến việc vi phạm quyền tự do hàng hải.
Không ai nghĩ rằng TQ sẽ từ bỏ những tuyên bố vô lý của họ xung quanh các thực thể được cải tạo tại biển Đông, vì vậy mọi ánh nhìn đều hướng về những động thái của Washington.
Nếu Mỹ thật sự muốn bảo vệ tự do hàng hải thì máy bay nước này sẽ hiện diện tại các vùng không phận mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền, đồng thời tàu chiến Washington cũng sẽ đi qua các vùng biển được TQ tuyên bố lãnh thổ bất hợp pháp. Hôm thứ Năm tuần trước (21-5), Đại tá Steve Warren, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, cho biết: “Đó sẽ là bước tiếp theo mà Mỹ sẽ thực hiện tại biển Đông”.
Bắc Kinh đã tuyên bố những yêu sách trên biển Đông là “lợi ích cốt lõi” không thể thương lượng. Trong khi Washington một mực bảo vệ tự do hàng hải toàn cầu.
Mỗi bên có thể sẽ tạo ra những sự nhượng bộ mang tính chiến thuật ngắn hạn nhưng chắc chắn không ai có thể từ bỏ vị thế của mình trong dài hạn.
Thách thức của TQ đối với Mỹ tại biển Đông đã tạo ra cuộc đối đầu “một mất một còn” (zero-sum) - vốn là khái niệm rất quen thuộc khi nói về các cuộc đối đầu giữa các quốc gia trong quá trình chuyển giao quyền lực trong quá khứ.
Cuộc cạnh tranh này sẽ chỉ dẫn tới một kết quả là xác định được tầm nhìn và các luật chơi của một trong hai quốc gia - Mỹ hay TQ - sẽ chi phối thế giới trong thế kỷ 21.
Chưa từng có trong lịch sử thời bình Tính từ năm 2014, thông qua các giải pháp nạo vét, cải tạo các bãi đá ngầm và các bãi cạn, TQ đã bồi đắp thêm 8 km2 diện tích đất tại quần đảo Trường Sa. Trong đó có bãi đá chữ Thập, vốn gần bờ biển của Việt Nam hơn và thuộc chủ quyền của Việt Nam chứ không phải của TQ chiếu theo luật quốc tế. Hiện nay không dưới 100 tàu hút bùn của TQ đang hoạt động trái phép tại khu vực quần đảo Trường Sa. Theo mô tả của Victor Robert Lee, PV của tờ Diplomat: “Tốc độ, quy mô, cường độ và phạm vi vượt xa quy định luật pháp quốc tế của việc cải tạo đất đai, xây dựng cơ sở hạ tầng mà TQ đang thực hiện tại biển Đông là rất hiếm, thậm chí là chưa bao giờ diễn ra trong lịch sử thời bình của con người”. Đô đốc Harry Harris, Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, đã ví việc “cải tạo đất chưa từng có trong lịch sử” của TQ như việc xây dựng một “Vạn lý Trường thành bằng cát” tại biển Đông. |