Trung Quốc vận chuyển cầu “Made in China” sang Mỹ

Trung Quốc vận chuyển cầu “Made in China” sang Mỹ ảnh 1

Cây cầu bắc qua vịnh San Francisco.
Trung Quốc đang xây dựng cây cầu dài 625m bắc qua vịnh San Francisco, nối San Francisco với Oakland ở bên kia của vịnh.
Việc sản xuất các đoạn thân cầu và các vật liệu dùng trong việc chế tạo đều của Trung Quốc. Tuy nhiên, công đoạn lắp ráp sẽ được tiến hành tại Mỹ và việc đổ bê tông lòng cầu sẽ do phía Mỹ thực hiện.

Cầu qua có kinh phí xây dựng lên tới 7,2 tỷ USD, biến nó trở thành một trong những dự án xây dựng cầu tốn kém nhất thế giới. Cầu dự kiến sẽ đưa vào sử dụng từ năm 2013.

Cây cầu là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đã phát triển như thế nào từ việc xây dựng đường xá và cảng biển tại châu Phi và tại các quốc gia đang phát triển đến việc năng nổ đấu thầu, và thắng thầu, các dự án xây dựng và thiết kế lớn tại Mỹ và châu Âu.

Sau khi xây dựng hàng loạt nhà chọc trời tại Bắc Kinh và Thượng Hải - các tòa nhà trưng bày như sân vận động Tổ chim và nhà hát Quảng Châu, cùng mạng lưới tàu cao tốc mà thế giới phải thèm muốn, các công ty xây dựng Trung Quốc đang dồi dào tiền và sự tự tin. Trong chuyến thăm Anh tuần này, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã “vận động hành lang” người đồng cấp Anh David Cameron nhằm trao dự án tàu cao tốc mới của Anh cho một công ty Trung Quốc.

Theo tạp chí xây dựng Engineering News Record, 5 trong số 10 nhà thầu hàng đầu của thế giới, xét về lợi tức, là các công ty Trung Quốc, đơn cử nhu việc Tổng công ty xây dựng công trình Trung Quốc (CSCEC) đang vượt mặt các công ty khổng lồ của Mỹ như Bechtel.

CSCEC đã xây dựng 7 ngôi trường tại Mỹ, các khu nhà chung cư tại Washington DC và New York và đang xây dựng sòng bạc rộng 4.000 phòng ở thành phố Atlantic. Tại New York, CSCEC đã thắng thầu các dự án nhằm cải tạo hệ thống tàu điện ngầm, xây một sân ga tàu điện ngầm mới gần sân vận động Yankee và cải tạo cây cầu Alexander Hamilton bắc qua sông Harlem.

Trong khi đó, tại châu Âu, Trung Quốc đã ký kết các hợp đồng với Serbia nhằm xây dựng một cây cầu bắc qua sông Danube và một con đường tới Belgrade. Các công ty Trung Quốc đã thắng thầu một dự án trị giá 345 triệu USD cải tạo và nâng cấp một nhà máy điện đốt than của Serbia, trong khi Trung Quốc đang xây dựng một mạng lưới điện thoại di động mới tại Hungary và muốn bán cho Bulgaria một nhà máy điện hạt nhân, được xây dựng từ một thiết kế của Pháp.

“Thị trường xây dựng châu Âu rất lớn và Trung Quốc rất quan tâm tới thị trường này”, Werner Buelen, từ Hội xây dựng và thợ mộc châu Âu, cho biết.

“Hiện tại, họ dường như đang thực hiện một dự án thí điểm để quyết định xem liệu nên tiếp cận thị trường trực tiếp bằng cách đấu thầu hay nên mua lại các công ty xây dựng châu Âu rồi sau đó dùng các công ty này để tiếp cận thị trường”.

Theo ông Buelen, các công ty Trung Quốc có các lợi thế như nguồn tài chính dồi dào, nhân công giá rẻ, có thể sử dụng máy móc xây dựng lắp ráp tại Trung Quốc và thuê các kiến trúc sư nổi tiếng.

Tuy nhiên, hồi đầu tháng này, Trung Quốc đã bị sa thải khỏi dự án xây dựng lớn đầu tiên tại châu Âu - tuyến đường cao tốc A2 mới tại Ba Lan nhằm phục vụ giải vô địch bóng đá châu Âu 2012. Sau khi đầu thầu thấp hơn 44% so với số tiền mà chính phủ Ba Lan dành cho dự án, một công ty xây dựng quốc doanh của Trung Quốc đã không thể trả nổi lương cho các công nhân.

Bài học tại Ba Lan đã khiến Hội đồng nhà nước Trung Quốc hôm 27/6 phải ra thông cáo cảnh báo lãnh đạo các công ty quốc doanh rằng họ sẽ bị phạt nặng nếu công ty làm mất tiền trong các dự án ở nước ngoài.

Theo Ninh Nhi Tổng hợp (Dân trí)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm